Rực lửa Ngoại hạng Anh: Đại chiến giữa những bộ não thiên tài
(Nhận định bóng đá) Chức vô địch Premier League sẽ được đoạt bởi tài năng của các HLV, và lúc này Pep Guardiola và Jose Mourinho đã rất sẵn sàng để lật đổ ngai vàng của Antonio Conte.
Tuyển tập những màn ăn mừng của Pep Guardiola và Jose Mourinho
Premier League 2016/17 có thể nói là mùa giải rất đáng chú ý khi cùng một lúc các chiến lược gia hàng đầu hoặc đang lên của bóng đá châu Âu đều nắm vị trí HLV trưởng ở các CLB top 6.
Top 6, cuộc chiến của những HLV hàng đầu
Jose Mourinho trở lại làm việc nhưng lần này là ở MU, Antonio Conte đặt chân tới Chelsea, Pep Guardiola cầm trịch Man City trong khi Liverpool đã sẵn Jurgen Klopp, Arsene Wenger là bậc lão thành ở Arsenal và Mauricio Pochettino đang rất thăng tiến trên đường công danh nhờ thành công ở Tottenham.
Conte, kẻ bị săn đuổi
Antonio Conte hóa ra lại là người thành công nhất dù có khởi đầu tồi nhất: Chelsea của ông đứng thứ 8 trên BXH sau vòng 6, nhưng sau đó đi một mạch tới chức vô địch và hoàn toàn bỏ xa những Man City, Liverpool, Arsenal và MU.
Sự xuất hiện của sơ đồ 3-4-3 đã khiến Chelsea như vũ bão đi tới một chuỗi 13 vòng liên tiếp toàn thắng. Thắng lợi của sơ đồ này có ảnh hưởng lớn tới mức Arsene Wenger, Pep Guardiola và Jose Mourinho đều có những thời điểm thử nghiệm sơ đồ 3 hậu vệ, với những mức độ hiệu quả khác nhau.
Cũng vì thế mà mùa giải này thách thức hứa hẹn sẽ lớn hơn rất nhiều cho Conte. 3-4-3 đã trở thành sơ đồ được các đội bóng nhẵn mặt và Arsene Wenger thậm chí vừa áp dụng sơ đồ này trong trận tranh Community Shield vừa qua. Việc dự Champions League cũng sẽ đè thêm gánh nặng thể lực, trong khi mùa trước Chelsea không phải đá cúp châu Âu và gần như không có chấn thương nghiêm trọng nào.
Conte giờ là đối tượng đánh bại của các đồng nghiệp
Không chỉ Arsene Wenger, lối đá pressing của Pochettino và Klopp cũng là những đối thủ rất nguy hiểm. Spurs thủng lưới chỉ 26 bàn mùa trước và năm nay họ giữ gần như nguyên trạng đội hình (chỉ bán Kyle Walker), trong khi Liverpool bổ sung tốc độ “xé gió” của Mohamed Salah vào phương thức tấn công của Jurgen Klopp.
Conte sẽ phải thay đổi, xét cho cùng ông đã lĩnh hội được tầm quan trọng của sự thay đổi từ một trong những người giỏi nhất. Juventus của Marcello Lippi những năm 1990 đoạt 3 Serie A trong 4 mùa giải với 3 sơ đồ ra sân khác nhau do những Del Piero, Baggio, Inzaghi, Vieri và Zidane thay nhau xuất hiện và ra đi. Conte là thành viên không bao giờ thay đổi của đội hình đó và ông học thuộc lòng bài học ấy hơn ai hết.
Nhưng kể cả Conte có thay đổi, ông có thực sự tự định đoạt được xác suất hiệu quả của những thay đổi ấy? Việc Nemanja Matic bị bán sang MU là một dấu hiệu cho thấy Conte vô quyền trong khía cạnh chuyển nhượng ở Chelsea, bởi nếu Conte có thực quyền, Chelsea đã chẳng bán Matic cho MU còn Diego Costa hẳn đã bị đá khỏi Stamford Bridge từ lâu.
Pep và Mourinho, bao giờ trỗi dậy?
Mùa trước Pep Guardiola và Jose Mourinho đã gây chú ý khi hai đồng nghiệp cũ cùng chiến tuyến, hai kẻ thù đứng ở hai bên của cuộc đấu El Clasico, lại cùng nhau nắm hai đội bóng thành Manchester. Dư luận đã kỳ vọng rất nhiều, nhưng MU về thứ 6 trong khi Man City sau khởi đầu ấn tượng cứ chìm dần và chỉ chắc vé đi Cúp C1 ở vòng 38.
Do là mùa đầu tiên nên cũng dễ hiểu cho việc MU và Man City không có kết thúc mùa giải như ý, Pep và Mourinho cần thời gian để có lực lượng đúng ý muốn cũng như các cầu thủ hoàn toàn lĩnh hội lối chơi của mình. MU đã khá vô duyên trong khâu dứt điểm dù thủ rất tốt, còn Man City càng về cuối mùa càng gặp sức ép khi phải đấu với những đội rất biết cách áp sát các hậu vệ chưa quen xử lý bóng của họ.
Man City đã mua 6 tân binh trong mùa hè này với tổng trị giá 204 triệu bảng, trong đó có tới 4 người ở hàng phòng ngự (3 hậu vệ biên + 1 thủ môn). MU thì mua 3 cầu thủ cho cả 3 tuyến với tổng giá 139 triệu bảng, Về cơ bản, Pep và Mourinho đã gia cố những vị trí cần gia cố, và phần lớn các bản hợp đồng đều được hoàn tất trước khi hai CLB đi du đấu hè (Matic gia nhập MU sau nhưng không lạ gì Mourinho), do đó thời gian chuẩn bị là có nhiều.
Nhưng không có gì bảo đảm số tiền lớn bỏ ra mua cầu thủ sẽ phát huy tác dụng ngay, chính Mourinho đã thừa nhận rằng một đội ngũ chiến đấu bên nhau đã lâu sẽ luôn có lợi thế so với những tập thể vừa có nhiều cầu thủ mới.
Pep Guardiola có lẽ là người sẽ phải lo lắng hơn cả. Mùa 2016/17 lại có kết thúc khá giống mùa 2015/16 của Manuel Pellegrini khi Man City phải tới vòng cuối mới chắc suất trong top 4, và Pep Guardiola đã chi tiêu rất nhiều nhưng chưa có chiếc cúp nào. Man City đã xây dựng một bộ sậu lý tưởng cho Pep làm việc, giám đốc thể thao Txiki Begiristain và CEO Ferran Soriano đều là bạn bè của Pep, và các ông chủ sẽ không hài lòng nếu mùa này Man City không làm khá hơn.
MU có thực sự sở hữu 2 đội hình mạnh ngang nhau như nhiều người tưởng?