Rủ nhau né... chức vô địch
Giải Bóng đá Hạng nhất quốc gia - Kienlongbank 2015 sẽ chính thức khởi tranh từ chiều 11-4 với sự góp mặt của 8 đội bóng, thi đấu trong 5 tháng và chỉ có một suất được thăng hạng V-League 2016. Lịch thi đấu ngày khai mạc: CLB Bóng đá Huế - TP HCM (15 giờ 30 phút), Phú Yên - Bình Phước (15 giờ 30 phút, VTV6), Nam Định - Công an Nhân dân (16 giờ) và Hà Nội - Đắk Lắk (17 giờ).
Thoạt nghe thì tưởng rất khắc nghiệt nhưng thực tế, tính chất giải đấu này còn thua cấp độ phong trào bởi khi chưa đá, đội nào cũng đã lo né chức vô địch! Trong 8 đội bóng dự giải, 3 CLB Bình Phước, Đắk Lắk và Phú Yên vốn không có nhân sự lẫn cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp (nếu thăng hạng).
Trong khi đó, đội bóng Công an Nhân dân chắc chắn không thể đá V-League do đặc thù ngành. Bốn đội bóng còn lại là TP HCM, Hà Nội, Nam Định và Huế cũng chỉ đặt mục tiêu tốp 3, “xin” không thăng hạng vì lý do “chưa đến lúc”. Tóm lại, cả 8 đội đều không hề có ý định đá V-League nhưng vẫn phải tập trung thi đấu trong 5 tháng trời với giải thưởng cho đội vô địch là 1 tỉ đồng và một tấm vé thăng hạng không ai muốn có!
CLB TP HCM trong lễ xuất quân Ảnh: Minh Ngọc
Trong buổi lễ xuất quân hồi đầu tuần của CLB TP HCM, khi báo chí chất vấn về việc liệu đội có dám nắm bắt cơ hội thăng hạng V-League trước 1 năm so với lộ trình đã đặt ra cách đây 3 năm hay không, lãnh đạo đội bóng duy nhất của TP HCM hiện nay tỏ ra ấp úng, tìm cách tránh đi vào trọng tâm.
Họ cho rằng mục tiêu thực tế nhất của CLB TP HCM là đứng tốp 3, sau đó sẽ tính toán kiếm kinh phí, nhà tài trợ để chuẩn bị lộ trình giành quyền thăng hạng mùa giải 2017. Cờ đã đến tay mà thầy trò HLV Phùng Thanh Phương còn không dám phất thì trách sao giới chuyên môn không cho rằng chất lượng Giải Hạng nhất năm nay còn thua cả giải phong trào!
Điều đáng nói là thực trạng này ai cũng thấy suốt 3 năm qua nhưng đến nay, các nhà quản lý cứ tổ chức Giải Hạng nhất một cách máy móc, thiếu chất lượng dù vẫn có nhà tài trợ Kienlongbank bảo đảm khoản tiền thưởng khá lớn.
Lãnh đạo Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang học hỏi mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản nhưng mọi chuyện vẫn chưa có lối ra. Ở thời kỳ đầu của bóng đá chuyên nghiệp Nhật, Giải J-League 2 thường cho phép tất cả đội bóng mong muốn đá J-League 1 được tham gia, chứ không máy móc phân hạng đấu như Việt Nam đang áp dụng.
Nhờ thế mà số lượng các đội bóng sẽ nhiều và đa số đều muốn được thăng hạng thì mới đăng ký dự giải, chứ không phải tốn kém thi đấu để rồi khi thăng hạng lại “xin” được giải thể như tại Việt Nam!