Ronaldo và chuyện về phần cán của thanh đao
Chặt vàng chém ngọc, Ronaldo đã từng là như thế, một thanh bảo đao uy lực sẵn lòng xuyên thủng bất cứ lần giáp sắt nào. Thế nhưng, ở Brazil, chỉ khi chấp nhận vai trò khiêm tốn của chiếc cán đao, ngôi sao ấy mới lần đầu tiên để lại một dấu ấn.
1. Hơn 180 phút vừa qua ở World Cup, người ta không thể tìm thấy một CR7 ghi bàn dễ như hít thở tại La Liga nữa.
Trước một “đại địch” như Đức hay trước những kẻ ngáng đường “vô danh” như người Mỹ, mọi ngả đường tiếp cận khung thành đối thủ của anh đều bị đóng sập lại.
Juergen Klinsmann bảo anh “chẳng có gì đáng sợ”, và ông đã đúng. Những người học trò của ông đã làm quá tốt nhiệm vụ biến một “siêu sao” thành một kẻ tầm thường. Một kiểu “người hùng mạt lộ” vật lộn dưới gánh nặng phù hoa, và bị bao vây bởi những địch thủ táo tợn.
Ronaldo đang dần mất uy quyền trên sân cỏ
Trong khi đó, Nani, sau bàn thắng mở màn, đã cố gắng chứng tỏ rằng chính anh mới xứng đáng được đứng ở trung tâm của mọi ánh đèn, chứ không phải người đang mang băng đội trưởng.
Và CR7 cô lẻ cũng vẫn cứ “chơi bóng một mình”, cho đến khi thảng thốt nhận ra rằng bóng tối đã sập xuống.
2. Đó đã là những khoảnh khắc cuối cùng (của một khoảng thời gian bù giờ dài tương đối bất thường). Bồ Đào Nha vẫn đang chưa có điểm nào trong tay, và những tấm vé lên máy bay về nước đã sẵn sàng được “cộp dấu”.
Điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra, nếu Cristiano Ronaldo không đột nhiên có mặt ở hành lang bên phải, nhận bóng, và nối một đường lật bóng đẹp đến sững sờ về phía Varela đang ập xuống.
Một pha kiến tạo chưa từng xuất hiện từ CR7, với nỗ lực cống hiến thực thụ dành cho đồng đội. Nếu anh thường xuyên chơi như thế, chưa chắc Bồ Đào Nha đã bị đẩy vào bước đường này.
2-2. Vẫn còn một phần nghìn hy vọng đi tiếp cho Bồ Đào Nha. Cho dù họ không còn quyền tự định đoạt số phận nữa, mà chỉ có thể cầu nguyện để Loew và Klinsmann tiếp tục cuộc chơi một cách sòng phẳng.
Vấn đề là CR7 và toàn đội sẽ làm gì với một phần nghìn hy vọng ấy?
3. Liệu họ có nhận ra từ khoảnh khắc loé sáng ấy, rằng sức mạnh tập thể mới chính là điều họ thiếu, trong suốt cả hai trận đấu vừa qua?
Liệu họ sẽ tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng theo cách ấy, gắn kết và giàu tinh thần hy sinh, cho dù chỉ là vì chút danh dự sau cuối?
Hay chỉ được lần này thôi, rồi mỗi ngôi sao lại nhìn về một hướng, để quan tâm duy nhất đến viẹc “tô son điểm phấn” cho hình ảnh cá nhân mình? Cục diện bảng G gần như đã được an bài, và để không buông tay, một chút vị kỷ thôi cũng đã là vượt quá mức cho phép.
Ghana, như đã từng thể hiện trước người Đức, là một đối thủ “khó nhằn” không kém gì Mỹ. Họ vạm vỡ, họ sung mãn, họ cũng còn động lực chiến đấu, và họ chắc cũng sẽ không “sợ vía” một C.Ronaldo mỏi mệt hay một Nani đang mỗi lúc một trở nên ích kỷ.
Dĩ nhiên là ngọn cờ của đội bóng châu Phi vẫn có thể bị chém ngã. Song, khả năng ấy có lẽ chỉ có thể xảy ra nếu các ngôi sao Bồ Đào Nha không tranh nhau trở thành phần mũi của ngọn bảo đao.