Ronaldo thách thức khoa học: Vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, đúng hay sai?
Báo chí trên khắp thế giới đã viết bài ca ngợi Cristiano Ronaldo trong những ngày qua, khi siêu sao người Bồ Đào Nha tròn 40 tuổi vào ngày 5/2/2025. Không phải nhắc lại những thành tích lừng lẫy, trong đó gồm rất nhiều kỷ lục ấn tượng và những kỷ lục rất khó phá của Ronaldo. Điều đáng nói ở đây là vì sao Ronaldo xuất sắc đến mức độ nào, và vì sao như vậy?
Ngôi sao bóng đá vĩ đại nhất lịch sử, đúng hay sai?
Một trong những phát ngôn “gây sốc” nhất của Ronaldo nhân dịp tròn 40 tuổi, là câu nói trên kênh truyền hình La Sexta, đại khái tự nhận chính anh là cầu thủ vĩ đại nhất xưa nay. Vì bản thân Ronaldo luôn nổi đình nổi đám, nên câu nói này được cả thế giới trích dẫn, với tình trạng… tam sao thất bản. Thật ra, Ronaldo không nói rằng anh là người vĩ đại nhất.
Ronaldo đón tuổi 40 đáng nhớ
“Thật lòng mà nói, tôi chưa từng thấy ai hay hơn mình. Tôi tin chắc rằng mình là cầu thủ hoàn hảo nhất từng tồn tại”. Câu này rất đúng. Một mặt, Ronaldo đã nói rõ rằng đấy là theo nhãn quan của anh (người khác có quyền thấy khác). Mặt khác, Ronaldo “chưa thấy ai hay hơn mình”, điều này có nghĩa là anh không hề khẳng định rằng mình hay nhất, rằng mọi siêu sao khác đều dở hơn anh!
Bóng đá là môn thể thao của trăm ngàn ý kiến khác nhau. Không bao giờ có một cầu thủ “vĩ đại nhất” theo kiểu “hai 5 rõ 10”. Qua bao đời nay, đề tài so sánh những cầu thủ lớn với nhau luôn gây tranh cãi bất tận, chẳng bao giờ có đoạn kết.
Vấn đề ở đây là Ronaldo đã thể hiện sự thông minh qua một câu nói tưởng như chẳng có gì quan trọng. Anh không gây hấn (bảo mình hay hơn Lionel Messi chẳng hạn), nhưng cũng không tự hạ mình. Anh không khoa trương, không nói rõ ràng, rằng mình là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, nhưng anh lại thể hiện được ý ấy, rằng chính anh là người vĩ đại nhất.
Cũng có báo trích dẫn hơi khác: “Tôi là cầu thủ ghi bàn vĩ đại nhất”. Điều này quá chính xác. Cụ thể: “Tôi không thuận chân trái, nhưng tôi là một trong mười cầu thủ ghi bàn bằng chân trái nhiều nhất lịch sử. Tôi đội đầu, sút phạt. Tôi nhanh và khỏe. Tôi nhảy rất cao…”. Thật sự chẳng sai chỗ nào.
Chắc chắn một điều không ít người trong số những khán giả trung lập sẵn sàng khẳng định Ronaldo là cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử. Họ sẽ nói ngay như thế, chẳng cần quan tâm ý kiến phản biện.
Ronaldo thách thức khoa học
Về kiến thức vật lý, không có bất cứ vật thể nào tự đứng yên được giữa không trung. Còn khi Ronaldo bật cao ghi bàn tại VCK Euro 2016, quá dễ ghi nhận trong thời buổi hiện đại này khi anh có hẳn “độ dừng” để ung dung đánh đầu vào lưới Xứ Wales. Mắt thường đã thấy được rồi. Còn qua các phương tiện kỹ thuật, người ta đưa ra con số chính xác: Ronaldo “đứng” được trên không trung 0,7 giây.
Ronaldo là minh chứng tiêu biểu cho sự tiến hóa không ngừng trong bóng đá
Đấy là khoảng thời gian đủ để quả bóng bay xa 25m, hoặc một VĐV chạy nước rút di chuyển 7m. Làm được như Ronaldo, hẳn nhiên toàn bộ không trung là lãnh địa riêng của anh, không ai có thể tranh chấp, còn việc đánh đầu vào lưới chỉ là chút việc còn lại, dễ như ăn phở.
Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ nói lên khác biệt giữa Ronaldo với Lionel Messi, hoặc Diego Maradona. Khách quan mà nói, Ronaldo không thuộc mẫu “thiên tài chơi bóng” như Maradona, hoặc Messi. Nhưng giữa tài năng thiên phú và sự khổ luyện để vươn đến thành công, cái nào đáng trân trọng hơn?
Nỗ lực khổ luyện của Ronaldo giúp anh tập được cách nhảy sao cho trọng tâm cơ thể vẫn luôn di chuyển (tức không trái với quy luật vật lý) nhưng hình thể anh lại đứng yên để có độ dừng trên không trung. Khoan nói đến các “tuyệt chiêu” kỹ thuật thuần túy, ngay cả cái chuyện đơn giản nhất trên đời là… đi ngủ, Ronaldo cũng đã phải tập đến thuần thục, tuân thủ tuyệt đối “giáo án” của chuyên gia.
Sự nghiệp bóng đá của Ronaldo không chỉ gồm thời gian xuất hiện trong trận đấu hoặc trên sân tập. Anh “ăn với bóng đá, ngủ với bóng đá”, theo đúng nghĩa đen. Vậy nên, anh rất xứng đáng với những thành quả khổng lồ. Hoặc, đơn giản như chính anh vừa tuyên bố, anh xứng đáng là cầu thủ vĩ đại nhất xưa nay.
Người ta có thể tranh cãi đâu là cầu thủ xuất sắc nhất. Chứ không còn gì để tranh cãi bởi Ronaldo có tính chuyên nghiệp và nỗ lực cao nhất so với mọi ngôi sao khác.
Không ít bà con, bạn bè hoặc đồng nghiệp thân thiết đã được Ronaldo mời đến nhà dùng cơm. Quá vinh dự? Hẳn nhiên rồi, nhưng cũng… quá xui cho họ! Đấy sẽ là những bữa tiệc vô vị, tẻ nhạt nhất mà người ta từng được mời.
Không chỉ có thực đơn lành mạnh, phù hợp khoa học, lại còn thêm những bài tập trước và sau khi ăn, chỉ với một mục đích không cần nói thêm làm sao để Ronaldo giữ được thể hình, phong độ lý tưởng như cả thế giới đã và đang biết đến. Ở đây, có cần bàn thêm về khái niệm “hy sinh”?
Sức ảnh hưởng khủng khiếp
Bây giờ, người ta không buồn đưa tin về việc ngôi sao nào đó chuyển từ châu Âu sang Trung Đông chơi bóng nữa, vì đã có quá nhiều. Karim Benzema, N’golo Kante, Edouard Mendy, Kalidou Koulibaly, Marcelo Brozovic, Roberto Firmino, Sergej Milinkovic-Savic, Ruben Neves, Neymar, Gini Wijnaldum, Aymeric Laporte, Fabinho, Sadio Mane, Riyad Mahrez, Jordan Henderson…
Sức ảnh hưởng của Ronaldo là không thể phủ nhận
Ở đợt chuyển nhượng mùa đông vừa kết thúc ngày 3/2 vừa qua, 2 trong số 5 CLB chi tiền chuyển nhượng nhiều nhất thuộc về khu vực Trung Đông (Al-Nassr và Al-Ahli). Pro-League của Saudi Arabia là giải VĐQG mạnh tay chi tiền số 2, chỉ sau mỗi giải Premier League giàu mạnh nhất thế giới, bỏ xa những Serie A, Bundesliga, La Liga…
Xứ sở dầu mỏ hẳn nhiên rất nhiều tiền. Nhưng từ năm 2023 trở về trước, chi bao nhiêu tiền cũng không dễ rước được các ngôi sao trên sân cỏ châu Âu sang Ả Rập. Cristiano Ronaldo chính là nguyên nhân lớn nhất. Anh chuyển từ Manchester United sang Al-Nassr. Và sau đó, cả một làn sóng kéo theo.
Ronaldo hẳn nhiên là không thiếu tiền, cũng không sang Trung Đông để dối già. Càng xem hình ảnh thảm hại của MU trong những ngày này, càng thấy quyết định của Ronaldo hồi năm 2023 là sáng suốt và hợp lý về mặt chuyên môn như thế nào.
Chưa đầy 1 tuần trước khi tròn 40 tuổi, Ronaldo ghi bàn mở tỷ số, sau đó lại kiến tạo bàn thứ hai để Al-Nassr thắng Al-Raed 2-1. Chỉ 4 ngày sau, Ronaldo lại ghi 2 bàn, giúp Al-Nassr thắng Al-Wasl (U.A.E) 4-0 tại giải AFC Champions League. Ronaldo đang có 6 bàn sau 5 trận đấu tại AFC Champions League, và đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới tại giải Pro-League.
Ở tuổi 40, vẫn cứ chạy tốt! Anh xuất hiện ở 17 trong 18 trận của Al-Nassr mùa này (chính xác là 1.523 phút). Anh tung cú dứt điểm nhiều nhất giải, hơn rất xa so với người kế tiếp trong danh sách. Trong 64 trận đã đấu ở giải Pro-League, Ronaldo ghi 64 bàn, nghĩa là bình quân trận nào anh cũng ghi bàn.
Với Bồ Đào Nha, Ronaldo là tất cả
Ở một mức độ nào đó, phong độ của Ronaldo ở tuổi 40 cũng đang… thách thức khoa học. Người ta cho rằng các cầu thủ chuyên nghiệp bắt đầu rớt phong độ khi đạt đến ngưỡng tuổi “băm”. Có một quy luật bất thành văn ở nhiều CLB hàng đầu châu Âu, không ký hợp đồng dài hạn với các cầu thủ từ 30 tuổi trở lên (thường chỉ gia hạn từng năm với cầu thủ sẵn có). Thế còn Ronaldo? Anh ghi bàn nhiều hơn ở độ tuổi “băm”. Cụ thể, 460 bàn trong 543 trận ở độ tuổi 30-39, so với 440 bàn trong 596 trận ở độ tuổi 20-29.
Mục tiêu sắp tới của Ronaldo là ghi được bàn thắng thứ 1.000 (hiện anh đã có 923 bàn thắng trong sự nghiệp). Tham dự World Cup 2026? Hoàn toàn có thể. Chỉ biết anh chưa có ý định dừng lại, và dĩ nhiên đội tuyển Bồ Đào Nha sẽ chẳng bao giờ quay lưng khi Ronaldo còn muốn thi đấu.
Ronaldo vẫn đang duy trì phong độ tốt ở tuổi 40
Trước khi Ronaldo xuất hiện (năm 2003), đội tuyển Bồ Đào Nha được dự World Cup 3 lần (1 lần vào bán kết) và dự Euro 3 lần (2 lần vào bán kết). Từ khi có Ronaldo, đội tuyển Bồ Đào Nha dự World Cup 5 lần liên tiếp (1 lần vào bán kết) và dự Euro 5 lần liên tiếp (1 lần vô địch, 1 lần về nhì, 1 lần vào bán kết). Nghĩa là Ronaldo đóng góp cho đội tuyển Bồ Đào Nha nhiều hơn rất xa so với những gì đội này có được trong toàn bộ lịch sử trước đó.
Gần như một mình Ronaldo kéo Bồ Đào Nha lên ngôi vô địch Euro 2016. Trong toàn bộ lịch sử bóng đá chỉ có một trường hợp tương tự khi Diego Maradona giúp Argentina vô địch World Cup 1986.
Không có Maradona và World Cup 1986 thì Argentina cũng có chức vô địch ở các kỳ World Cup 1978, 2022. Ngày xưa, Pele được gọi là “vua bóng đá” vì ông là cầu thủ duy nhất trên đời 3 lần vô địch World Cup. Kỳ thực, chẳng bao giờ Pele là cầu thủ hay nhất của Brazil ở các giải đấu mà họ vô địch.
Nói đến các tượng đài khác và thành công của họ, như Franz Beckenbauer, Michel Platini, Johan Cruyff, Marco Van Basten, Zinedine Zidane… là đều phải nói về các thế hệ xuất chúng, ai cũng có ít nhất nửa tá đồng đội xuất sắc một cách đồng đều và ngang tầm với họ. Ronaldo ở Bồ Đào Nha thì không. Chưa bao giờ có cái gọi là “thế hệ Ronaldo”. Ai cũng nói bóng đá là môn đồng đội. Vậy, Ronaldo… lớn hơn cả môn bóng đá, trong một khía cạnh nào đó?
TPO - Ở tuổi 40, Cristiano Ronaldo vẫn không khác gì cách đây 28 năm, lúc cậu bé 12 tuổi rời tổ ấm Madeira để tới Lisbon theo đuổi giấc mơ bóng đá....
Nguồn: [Link nguồn]
-06/02/2025 09:04 AM (GMT+7)