Trong khoảng 2 thập kỷ, fan MU đã tự hào về sức hút của CLB mình vì những thành công vang dội dưới triều đại của Sir Alex Ferguson. Sau khi Fergie nghỉ hưu, “Quỷ Đỏ” vẫn dùng danh tiếng của mình để chiêu mộ ngôi sao mặc dù thành tích trên sân bắt đầu thụt lùi: Paul Pogba, Zlatan Ibrahimovic đến với MU năm 2016 khi CLB này sẽ phải đá Europa League.
Nhưng 6 năm sau, một cuộc tháo chạy đã và đang diễn ra trước thềm một mùa giải nữa MU phải dự sân chơi hạng 2 ở cấp độ châu lục. 7 cầu thủ chia tay CLB trong mùa hè năm nay do hợp đồng đáo hạn, bao gồm Pogba, Nemanja Matic và Juan Mata...
Nhưng có lẽ cuộc tháo chạy lớn nhất sắp đến: Cristiano Ronaldo đang bỏ tập tại MU để đòi ra đi.
T
ính chất bất ngờ của vấn đề nằm ở chỗ Ronaldo được xem là một hình mẫu của sự chuyên nghiệp và kỷ luật. Chúng ta đã nghe cả tá câu chuyện về cách Ronaldo tập, giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống, v.v… Anh được cho là không bao giờ đi chệch theo chế độ mà mình đã vạch ra, khiến các đồng nghiệp luôn bày tỏ sự khâm phục.
Thế nên việc Ronaldo bỏ tập nhiều ngày liền chắc chắn khiến nhiều fan MU thất vọng, nhưng đó là một cảm giác quen thuộc với các cổ động viên Juventus. 1 năm trước CR7 cũng bỏ tập trước khi chuẩn bị rời Turin, điều khác biệt duy nhất là danh thủ người Bồ Đào Nha vẫn lên đồ và ra sân thi đấu một trận ở đầu mùa giải cho “Bà đầm già” trước khi vụ chuyển nhượng diễn ra.
Ronaldo xin nghỉ tập ở MU "vì lý do gia đình", nhưng kỳ thực đang đi nghỉ ở Mallorca?
Thất vọng hơn nữa là Ronaldo bắt đầu “dở chứng” vào thời điểm sự chuẩn bị cho mùa giải mới đã bắt đầu cho MU dưới sự dẫn dắt của tân HLV Erik Ten Hag. Nếu như năm ngoái sự việc diễn ra muộn hơn do Ronaldo bận thi đấu ở EURO, năm nay World Cup không đá mùa hè và Ronaldo có cả tháng để nói cho ban lãnh đạo MU biết rằng mình không có dự định thi đấu ở Europa League.
Video Ronaldo trả lời phỏng vấn bày tỏ sự hào hứng với quyết định bổ nhiệm Ten Hag của CLB, được thực hiện cách đây gần 2 tháng, hiện vẫn còn trên trang chủ lẫn kênh YouTube. Có lẽ lúc đó anh vẫn còn niềm tin vào CLB và chỉ đòi ra đi bây giờ khi thấy hoạt động chuyển nhượng của MU không sôi nổi? Rằng dọa ra đi là một cách để Ronaldo gây áp lực buộc ban lãnh đạo MU phải làm việc tích cực hơn?
Đó chỉ là lập luận tuyên truyền nặng mùi PR bản thân để biện minh cho sự ra đi sắp tới. Không phải tự dưng bây giờ Ronaldo mới đòi đi, danh sách những đội bóng đang cần tiền đạo và có thể chiêu mộ anh đã dài lên trong hơn 1 tuần qua với những Bayern Munich, Barcelona, Chelsea. Năm ngoái khi sự quan tâm của Man City trở nên rõ ràng Ronaldo cũng mới bắt đầu dùng đủ mọi cách để ép Juventus thả mình.
Đó là chiến thuật thường thấy của các cầu thủ, họ cần thăm dò thị trường để biết mình có thể tới đâu rồi mới ra tay. Nếu Ronaldo vội vàng nói “tôi không định đá ở Europa League” từ đầu tháng 6 và khiến fan ở CLB mình nổi giận, anh sẽ tự làm khó mình khi những đội hỏi mua có thể sẽ mặc cả hợp đồng với anh lẫn mức phí với MU.
Hãy nhìn nhận sự thật: Ronaldo đã dự tính cho cuộc đào tẩu này từ trước, thậm chí có thể từ cuối tháng 4 khi MU trượt top 4 là điều không thể khác được. Đây không phải là một sự bột phát vì bức xúc với CLB như một số fan MU tự suy luận để bảo vệ hình tượng người hùng của họ, Ronaldo muốn rời MU vì lợi ích cá nhân của mình và không cần biết MU sẽ thế nào trong giai đoạn chuẩn bị trước mùa.
Chelsea, Barcelona hay PSG?
R
onaldo có một mùa giải không tệ, 24 bàn thắng ở mọi giải đấu ở tuổi 37 là con số rất ấn tượng. Nhưng trong số đó có tới 11 bàn Ronaldo ghi được trong 6 trận gặp 3 đối thủ là Tottenham, Arsenal và Norwich.
Ronaldo có một giai đoạn phong độ ghi bàn đi xuống nghiêm trọng từ đầu tháng 12/2021 đến giữa tháng 3/2022 với chỉ 3 bàn thắng ghi được, và tịt ngòi trong cả 2 trận gặp Atletico Madrid ở vòng 1/8 Champions League. Ngoài ra trong tháng 10/2021 Ronaldo đá 4 trận thì chỉ ghi mỗi 1 bàn trong trận thắng Tottenham. Chỉ có giai đoạn vòng bảng ở Cúp C1 là Ronaldo chơi rất ổn định, ghi bàn trong cả 5 trận góp mặt.
MU mùa 2020/21 đã ghi 73 bàn ở Premier League để về nhì và sang mùa này với Ronaldo trong đội hình, con số tụt mạnh xuống 57 bàn. Con số của các cầu thủ tấn công khác cũng giảm sút rõ rệt: ngoài Ronaldo thì chỉ Bruno Fernandes (10 bàn) chạm mốc hàng chục về bàn thắng ở mọi đấu trường. Ở mùa 2020/21, Fernandes ghi tới 28 bàn còn Marcus Rashford, Edinson Cavani và Mason Greenwood đều ghi bàn thắng ở con số hàng chục, trong đó Rashford có 21 bàn.
Ronaldo khiến hàng công MU xáo trộn bởi họ phải thay đổi cách chơi vốn lấy Fernandes làm chủ lực trên mặt trận tấn công, chưa kể sự thay tướng giữa mùa khiến sơ đồ 4-2-3-1 bị đổi thành 4-3-3 và Fernandes bị đẩy khỏi vị trí “số 10” sở trường. Ngoài ra Cavani ở vị trí tiền đạo cắm độc lập tác chiến rất tốt và chịu khó di chuyển, trong khi Ronaldo đá cắm thường khá đơn độc và không tạo ra bao nhiêu hiệu quả khi cần lùi xuống hỗ trợ.
Ole Gunnar Solskjaer đã bị chê nhiều về tài huấn luyện nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng MU của ông mùa 2020/21 có một hàng tấn công rất đáng xem. Lý do là bởi họ chơi rất có tốc độ và biết cách gây ra sự hỗn loạn trong khu cấm địa đối phương, với Fernandes đóng vai trò đầu não, nên MU vẫn sống khỏe ngay cả khi hàng tiền vệ thi đấu bất ổn.
Ronaldo không phải là chưa từng đá trong sơ đồ 4-2-3-1 bao giờ, Real Madrid thời Jose Mourinho sử dụng sơ đồ đó với Mesut Ozil ở trung tâm. Nhưng đó là khi Ronaldo còn dạt trái và khi đầu gối còn chưa thoái hóa, còn trong khoảng 7-8 năm qua Ronaldo thường xuyên đá cặp với một chân sút khác ở Real Madrid (Benzema) và Juventus (Morata) trong các sơ đồ 2 tiền đạo.
Nhưng không phải mọi điều đều do lỗi của Ronaldo, anh cũng về MU ở một thời điểm không thực sự thuận lợi. Rashford nén đau đá cả mùa 2020/21 lẫn EURO để rồi mất phong độ sau khi phẫu thuật, Cavani già thêm 1 tuổi, Greenwood vướng vòng lao lý còn Jadon Sancho loay hoay tìm vị trí ở CLB mới. Đó là chưa kể lối chơi của MU đã bị bắt bài và hàng thủ sa sút, đặc biệt là phong độ của Harry Maguire sau chấn thương.
MU lẽ ra phải có sự tính toán để mua tân binh hợp với sơ đồ cũ, hoặc chấp nhận đổi sang sơ đồ mới phù hợp với hoàn cảnh. Nhưng họ vẫn lâm vào lối mòn quen thuộc, mua Sancho mà không biết anh hợp đá ở đâu, và mua Ronaldo trong một thương vụ nặng tính tình cảm hơn là chuyên môn.
Nghịch lý Ronaldo - Dưới đây là bảng đồ thị điểm Elo của Real Madrid, Juventus và MU trong giai đoạn có Ronaldo trong đội hình do tạp chí thể thao The Athletic thực hiện, cho thấy các đội bóng có Ronaldo đều tụt điểm trước khi cuộc chia tay diễn ra, hay trường hợp của MU là tụt ngay sau khi Ronaldo trở lại.
(điểm Elo được tính căn cứ vào sức mạnh của đối thủ, thắng đội mạnh được nhiều điểm hơn thắng đội yếu, thua đội yếu bị trừ nhiều điểm hơn thua đội mạnh)
V
ĐV chuyên nghiệp đều có động cơ thi đấu, nếu không phải là tiền thì cũng là cơ hội được tỏa sáng và đoạt những chức vô địch. Chỉ một trong 2 động cơ đó không còn sẽ khiến VĐV có khả năng từ bỏ môi trường hiện tại, và trong trường hợp của Ronaldo ở MU thì anh đang mất cả hai.
Ronaldo đang chuẩn bị “đánh bài chuồn” bất chấp uy danh là một huyền thoại ở sân Old Trafford, nhưng trong lịch sử MU anh chẳng phải cầu thủ đầu tiên bắt bẻ CLB như vậy. Wayne Rooney năm 2010 cũng làm trò đe dọa sang Chelsea để ép MU tăng lương, hay vào năm 1966 Denis Law dọa chia tay CLB nếu không được nâng lương và dẫn tới vụ bị HLV Sir Matt Busby bắt viết thư xin lỗi.
Nay Ronaldo không những không thấy triển vọng danh hiệu ở MU mà còn bị cắt nửa lương do không lọt vào top 4, có ngạc nhiên không khi CR7 muốn chia tay? Vấn đề ở chỗ nếu đã đề cao mục tiêu & tham vọng của cá nhân, Ronaldo cũng đừng nên làm ra vẻ coi MU là “nhà” và ngày trở về của mình như dịp quay về cố hương của một đứa con xa quê lâu ngày.
Những lời phát biểu đầy mùi mẫn, rồi một video bày tỏ sự sẵn sàng dìu dắt nâng tầm các ngôi sao trẻ, những người ngoài cuộc trông vào có thể thấy sự sặc mùi PR của sự kiện Ronaldo trở về MU. Mà thực sự có bao nhiêu đồng đội MU ưa Ronaldo? Họ có cảm thấy hài lòng khi mọi chỉ trích đều nhắm vào mình cho phong độ đi xuống của đội bóng, trong khi Ronaldo được khen “gánh team” chỉ vì giật suất đá chính trên hàng công của ai đó?
Chúng ta đã theo dõi Ronaldo đủ lâu để biết sự tự tôn và vị kỷ bên trong con người này, nhưng sẽ là dễ cho MU hơn nhiều nếu Ronaldo báo trước ý định của mình cho đội bóng (nhưng không công khai ra ngoài) sau khi mùa giải kết thúc. MU sẽ có thời gian tiến hành những bước chuẩn bị cần thiết và sự ra đi được diễn ra ít lùm xùm, thậm chí MU có thể đã có một tiền đạo triển vọng thay thế để fan đỡ nhức nhối vì sự chia tay của một cầu thủ tượng đài.
Còn hành động bỏ tập và gây áp lực của Ronaldo hiện tại khó có thể bào chữa, lấy “lý do gia đình” nhưng kỳ thực đi chơi du thuyền trên biển Địa Trung Hải, và nhờ người đại diện đi khắp châu Âu để xin ké vé đi Cúp C1. Động cơ ra đi có thể hiểu được, nhưng qua cách ứng xử thì có thể nói thật điên rồ khi đã từng có nhiều người nghĩ trao băng đội trưởng MU cho Ronaldo là ý tưởng hay.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |