Real và Barca từ chối đá "kinh điển" ở Trung Quốc
Tham vọng mang Siêu Cúp Tây Ban Nha đến Trung Quốc, giống như người Italia đã làm, đang gặp phải rắc rối lớn. Rất ít khi đồng tình, nhưng Real Madrid và Barca cùng có một quyết định chung là từ chối kế hoạch tham dự các trận Siêu Cúp TBN tại Bắc Kinh, bắt đầu từ năm 2013.
Cách đây không lâu, LĐBĐ Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF) đã đạt được thỏa thuận về việc Siêu Cúp chỉ đá một trận duy nhất tại Bắc Kinh. Kế hoạch này được triển khai khi RFEF và đối tác chính - tập đoàn United Vansen International Sport - đạt được thỏa thuận về tài trợ. Chính phủ Trung Quốc cũng ủng hộ việc đưa Siêu Cúp TBN sang Bắc Kinh, nhằm làm lợi cho cả hai phía.
Real và Barca đều từ chối sang Trung Quốc - Ảnh: Getty
Gần một tháng trước, trong cuộc họp đại hội đồng RFEF ngày 10/6, các thành viên cũng thông qua quyết định về trận Siêu Cúp đầu tiên trong lịch sử bóng đá TBN diễn ra ở châu Á.
Trung Quốc vốn là thị trường có tiềm năng lớn nhất thế giới, và nền bóng đá của các quốc gia mạnh đều đã tấn công vào đây. Riêng TBN đi chậm hơn nhiều trong việc này, kể cả vấn đề phục vụ truyền hình trực tiếp cho các “thượng đế” Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Giờ đây, với kế hoạch được United Vansen International Sport trình bày, RFEF đã nhìn thấy tiềm năng kinh tế lớn và không thể không đồng ý.
Theo kế hoạch ban đầu, RFEF nhận được hợp đồng trị giá 32 triệu euro từ United Vansen International Sport cho 5 trận Siêu Cúp tổ chức tại Bắc Kinh, bắt đầu từ 2013. Theo một số nguồn tin khác, con số trên thậm chí có thể lên đến 40 triệu euro.
Khi quyền lợi không đều
Mọi chuyện đang tiến triển rất thuận lợi theo hướng của RFEF, thì hai gã khổng lồ Real và Barca bất ngờ lên tiếng từ chối sang Trung Quốc, trong trường hợp họ là những đội giành quyền đá Siêu Cúp giống như năm nay. Điều này bắt nguồn từ chính lợi ích của hai đội bóng.
40 Theo nguồn tin của tờ El Confidencial, hợp đồng giữa RFEF với United Vansen International Sport, về việc tổ chức 5 trận Siêu Cúp tại Trung Quốc, có giá trị lên đến 40 triệu euro.
18 Barca và Real đang giữ tổng cộng 18 chiếc Siêu Cúp TBN. Trong đó, Barca có 10 lần chiến thắng, và Real 8 lần. 2007 Lần cuối cùng một đội giành Siêu Cúp mà không phải Barca hay Real là Sevilla năm 2007. Khi ấy, đội bóng thành Sevilla đã thắng với các tỉ số hai lượt là 1-0 (sân Pizjuan) và 5-3 (Bernabeu) |
Nếu chấp nhận quyết định mà RFEF đưa ra, cả Real và Barca đều phải tập trung toàn bộ kế hoạch du đấu vào thị trường Trung Quốc, hoặc mở rộng ra một vài quốc gia lân cận. Nên biết, thời điểm này Real cũng như Barca đang kiếm được bộn tiền nhờ đến Mỹ. Ở đó, ngoài việc đá giao hữu kiếm tiền, họ còn có thời gian nghỉ ngơi. Hơn nữa, phần lớn các đội bóng danh tiếng của châu Âu cũng hội ngộ tại Mỹ. Những cuộc chiến “Champions League thu nhỏ” mang đến sự cuồng nhiệt cho người dân nơi đây.
Trong bối cảnh đang cố gắng rút ngắn hơn nữa những chuyến du đấu, chủ yếu tập trung vào Mỹ, để nền tảng thể lực được đảm bảo (chẳng vậy mà Barca và Real đưa ra đề xuất… tự xếp lịch thi đấu các trận “El Clasico”, thay vì bốc thăm ngẫu nhiên). Các cầu thủ không thể bay vòng quanh thế giới, từ châu Âu sang Mỹ, đến Trung Quốc rồi về nhà.
Điều quan trọng hơn, trong việc ký kết với United Vansen International Sport, lợi ích của Real và Barca bị xem nhẹ. Nói chính xác hơn, khoản lợi nhuận thu về chủ yếu dành cho RFEF, cũng như thế lực của vị Chủ tịch Angel Maria Villar.
Một lý do khác mà hai Chủ tịch Florentino Perez và Sandro Rosell đưa ra là lợi ích của các CĐV. Nếu Siêu Cúp đá tại Trung Quốc, các CĐV hai đội sẽ không có cơ hội đến sân để theo dõi trận đấu. Trong khi đó, các trận Siêu Cúp được tổ chức ở sân Camp Nou và Bernabeu luôn được lấp kín. Việc những khán đài đầy ắp người hâm mộ cũng là một nguồn thu đáng kể cho hai đội bóng.
Việc Real và Barca từ chối sang Trung Quốc là cái tát mạnh vào tham vọng của RFEF, dù không phải năm nào họ cũng cùng nhau đá Siêu Cúp. Trước đó, một số cầu thủ Real và Barca cũng đã lên tiếng phản đối việc tổ chức Siêu Cúp trong một trận duy nhất tại Bắc Kinh.
Ngày 10/7 tới, đại hội đồng RFEF sẽ tiếp tục, và các quan chức liên đoàn buộc phải thuyết phục hai “ông lớn” này đồng ý. Để đạt được điều đó, RFEF không có lựa chọn nào khác là phải chia đều hơn khoản tiền mà họ nhận được trong hợp đồng với đối tác từ Bắc Kinh.