Real không cần phải sợ Barca?
Barcelona đá như một buổi tập 90 phút và giành chiến thắng 7-0 trước Levante, trong khi Real Madrid cực kỳ chật vật mới vượt qua Betis với tỉ số tối thiểu 2-1. Thầy trò ông Carlo Ancelotti có quá nhiều lý do để lo lắng?
Barca đã chơi một thứ bóng đá khủng bố thực sự. Họ cầm bóng lên đến 77 %, tạo ra số cơ hội gấp... 6 lần đối thủ (17 cú sút so với 3), ghi 7 bàn thắng (hiệu suất gần 50%), không cho Levante cơ hội lên bóng. Họ vây ráp, cô lập và giành lại bóng rất nhanh, rồi ghi những bàn thắng như thể đá tập. Levante đã bị hút sạch oxi. Họ không chỉ thua về tỉ số, mà còn rời Camp Nou với sự tuyệt vọng chưa từng thấy.
Real Madrid bị thủng lưới trước, chơi một cách rất chật vật và không thể áp đặt thế trận lên Betis. Sergio Ramos liên tục bị tiền đạo đối phương vượt qua. Các tiền vệ phòng ngự không thể che chắn cho hàng thủ. Cedrick của Betis hoàn toàn thảnh thơi bên cánh trái. Một số thời điểm, Madrid hoàn toàn bị động trước lối chơi giàu thể lực và tốc độ của đội khách. Thậm chí, khung thành của Diego Lopez đã rung lên một lần sau pha đánh đầu dội xà của Nosa.
Barca dưới bàn tay Gerardo Martino chơi nhanh, trực diện và mạo hiểm hơn hẳn. Tiki-taka của HLV người Argentina hạn chế tối đa những đường chuyền ngang, và dấu ấn tích cực đến ngay lập tức. Barca đáng sợ đến mức có thể ghi bàn mà không cho đối thủ chạm chân vào bóng lấy một lần.
Barca ra quân hoành tráng
Ngược lại, Madrid dường như mong manh hơn dưới thời HLV Jose Mourinho. Không có một tiền vệ phòng ngự đích thực, trung tuyến của họ thường xuyên bị đâm thủng, và khả năng tấn công cũng chưa tạo được ấn tượng rõ nét: Mesut Oezil đã “giẫm chân” Isco, chơi tương đối mờ nhạt. Đội bóng áo trắng thậm chí không thể chiếm ưu thế ở giữa sân, và để Betis chơi một trận khá ngang ngửa ngay tại Bernabeu.
Sự bảo thủ của Ancelotti
Nhưng đội Real Madrid đầy bối rối ấy, thật đáng ngạc nhiên, mới đúng là đội bóng mang tính cách của ông Ancelotti.
HLV người Ý đã bố trí một hàng tiền vệ khá mạo hiểm: Sami Khedira và Luka Modric, đều có xu hướng chơi con thoi, án ngữ ở giữa sân. Phía trên là Cristiano Ronaldo (cánh trái), Isco (hộ công) và Mesut Oezil (cánh phải). Madrid không có một tiền vệ phòng ngự đích thực.
Chỉ có Khedira là còn tranh chấp quyết liệt, nhưng kỹ năng phòng thủ của anh không thực sự tốt. Modric phân phối bóng cũng chưa được an toàn, dù anh đưa ra khá nhiều ý tưởng tấn công sáng tạo. Isco thì được giải phóng hoàn toàn khỏi nhiệm vụ phòng ngự, và thường xuyên xâm nhập vòng cấm khi Madrid có bóng (bàn thứ hai).
Ancelotti có lẽ không thể không nhận ra sự thiếu cân bằng của Madrid, nhưng đó có lẽ mới là lối chơi ông đang xây dựng. Tại AC Milan, Ancelotti từng cho đội bóng đỏ đen chơi với 3 cầu thủ được giải phóng hoàn toàn nhiệm vụ tấn công là Kaka-Seedorf-Rui Costa. Andrea Pirlo cũng giỏi điều tiết hơn là tranh chấp. Tại PSG, ông sẵn sàng bố trí một hàng tiền vệ không có cầu thủ đánh chặn, với Verratti, Nene và Pastore sát cánh bên nhau.
Ancelotti không thay đổi triết lý của mình ở bất kỳ đâu ông đặt chân đến: Muốn chiến thắng, đội bóng phải phát triển lối chơi của mình lên đỉnh cao, chứ không phải thắng bằng cách phá lối chơi của đối phương.
Đó là lý do khiến ông không thành công ở năm đầu tiên tại PSG. Nhưng đến khi lối chơi của Ancelotti trơn tru, đội bóng thủ đô nước Pháp đã chơi rất ấn tượng, vô địch Ligue 1 và tiến đến tứ kết Champions League mùa trước.
7-0 hay 2-1 thì cũng là 3 điểm
Hãy nhớ là mùa 2008-2009, mùa đầu tiên của Pep Guardiola ở Barca, đội bóng xứ Catalunya đã mở màn bằng 3 trận không thắng liên tiếp (thua Wisla Krakow 0-1 ở Champions League, thua Numancia 0-1 và hòa Racing Santader 1-1 tại Liga).
Nhưng Pep vẫn vững tin. Ông xây dựng đội bóng theo triết lý của riêng mình, đặt phong cách lên trước hiệu quả, và lịch sử đã chứng minh rằng niềm tin ấy là đúng đắn.
Real chật vật hơn nhưng quan trọng là họ cũng có 3 điểm
Madrid cũng có thể tin tưởng rằng ông Ancelotti sẽ làm được điều tương tự. HLV người Ý không chạy theo thành tích vội vã. Ông tuân thủ triết lý của mình đến bảo thủ, và đây vẫn là thời gian mà Madrid đang phải thích ứng.
Triết lý truyền thống của Barca tương tự triết lý của Gerardo Martino, một “đệ tử” của Marcelo Bielsa, cũng là người thầy về chiến thuật của Pep Guardiola. Điều đó giải thích rằng tại sao Barca dưới tay ông lại tiếp nối những tinh hoa của cách chơi pressing một cách đơn giản đến vậy. Cũng cần nhớ rằng đội hình Barca đã chơi bên nhau nhiều năm và rất ăn ý (họ chỉ cần được đánh thức về mặt tinh thần). Martino chỉ khuyến khích họ chơi táo bạo hơn, và thành công.
Ngược lại, ông Ancelotti dường như phải bóc tách và làm lại từ đầu sau khi tiếp quản Madrid từ tay Mourinho. Đó là hai HLV có phong cách trái ngược, và đây là thời gian ông Ancelotti vẫn phải làm cho Madrid chơi theo triết lý của ông.
Thắng 2-1 trong bối cảnh như vậy là điều có thể chấp nhận, và sự nghiệp của Ancelotti chứng minh rằng đội bóng của ông sẽ chơi cực hay nếu thấm nhuần triết lý của ông.
Đó mới là điều Madrid hướng tới, hơn vì một thắng lợi hoành tráng để ra oai cùng Barca. Thắng 7-0 hay 2-1 thì cũng đều là 3 điểm, và lịch sử cho thấy rằng trước khi El Clasico diễn ra, bất cứ một kết luận nào về tương quan trận Kinh điển cũng đều là vội vã.