Real-Barca: Liên minh thần thánh & cuộc chiến bất tận
Trước giờ khai cuộc La Liga, các tít báo TBN vẫn sẽ tập trung vào Dải Thiên hà mới của Real Madrid, với James Rodriguez là cái tên đáng chú ý nhất, và tân binh nhiều tai tiếng Luis Suarez của Barcelona. Hãy xem phần còn lại có bao nhiêu % khả năng chống lại hai thế lực lớn nhất của bóng đá Tây Ban Nha?
Khoảng cách vẫn chưa được lấp đầy
Như thường lệ, thị trường chuyển nhượng là sân khấu của riêng Madrid và Barcelona, được góp thêm sự sôi động bất thường từ Atletico Madrid. Barca đã tiêu tổng cộng 165,7 triệu euro cho 6 tân binh, Madrid chi 120 triệu (riêng Toni Kroos và James Rodriguez đã “ngốn” của họ 110 triệu), còn Atletico tiêu 94 triệu.
Những con số của phần còn lại là tương đối thảm hại: Tổng số tiền mua sắm của 17 đội khác ở Liga chỉ là 83,5 triệu euro, không bằng một mình Atletico và thậm chí còn thua cả phí chuyển nhượng của Luis Suarez (94 triệu). Trong đó, có 6 đội không chi một xu cho TTCN (tất cả chỉ chuyển nhượng tự do và mượn người) là Almeria, Cordoba, Deportivo La Coruna, Elche, Getafe và Valladolid.
Valencia là đội bạo chi thứ tư ở Liga, với 31,3 triệu euro đã tiêu. Nhưng bản hợp đồng đắt giá nhất của họ là một cầu thủ vô danh: Andre Gomes từ Benfica giá 15 triệu euro. Almeria thậm chí phải mượn một tiền đạo người Thái Lan là Teerasil Dangda (Muongthong United) từ nơi được xem là vùng trũng của bóng đá Thế giới.
Real luôn chiêu mộ ít nhất là 1 siêu sao/mùa
Ngay cả Atletico, đội bạo chi thứ ba ở Liga, cũng chỉ đang tiêu số tiền họ đã thu về sau khi bán một loạt trụ cột của đội. Họ đã đẩy Sergio Asenjo sang Villarreal giá 5 triệu euro, Filipe Luis sang Chelsea giá 20 triệu, Adrian sang Porto giá 11 triệu và đặc biệt là Diego Costa sang Chelsea giá 38 triệu. Tổng cộng, Atletico đã thu về gần 80 triệu euro từ bán cầu thủ.
Nếu không đến Barca hoặc Real, hãy ra nước ngoài
Barca và Madrid không phải bán đi trụ cột nào, nhưng họ vẫn thỏa sức chi tiền trên TTCN, và đang là nơi tập hợp những cầu thủ ưu tú nhất hành tinh.
Điều đáng nói là họ vẫn tiếp tục “hút máu” của phần còn lại. Barca mua trung vệ Jeremy Mathieu, một trụ cột của Valencia, thủ môn số một của Real Sociedad là Claudio Bravo và tiền vệ dẫn dắt lối chơi của Sevilla, Ivan Rakitic. Keylor Navas, thủ môn số một của Levante, trở thành người của Real Madrid.
Điều nguy hiểm nhất của xu hướng này: Nó nói lên sự thống trị tuyệt đối của Madrid và Barca cả trong tâm tưởng của các ngôi sao đang thành danh ở các CLB khác ở Liga. Với các đội bóng khác, thành công thậm chí còn báo hiệu một sự sụp đổ. Các cầu thủ giỏi ở TBN thường không muốn chơi cho CLB nào khác ngoài Real Madrid và Barcelona, và nếu không gia nhập hai thế lực này, họ chỉ có thêm một lựa chọn: Tìm đường rời Liga.
Juan Mata, từng là một ngôi sao của Valencia, đội bóng đã thách thức Madrid và Barca một thời gian dài, tuyên bố rằng anh không hề cảm thấy rằng các CLB khác có khả năng cạnh tranh với Barca và Real: “Tôi hy vọng rằng các đội bóng khác cũng có thể thật sự tham gia vào cuộc đua giành chức vô địch. Điều này rất tốt cho Liga”.
Nhưng Diego Forlan, Sergio Aguero, David Silva và mới đây là Diego Costa, Filipe Luis, những ngôi sao đủ đẳng cấp chống lại Madrid và Barca, đã phải tìm đường rời Liga để tìm tính cạnh tranh.
Ronaldo và Messi 2 giúp CLB của họ thống trị La Liga
Atletico đã phải bỏ ra 30 triệu euro cho ngôi sao của Real Sociedad là Antoine Griezmann, trong khi cũng với số tiền ấy, Madrid đã lấy về được một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất Thế giới hiện nay là Toni Kroos. Lý do? Sức mạnh của thương hiệu. Madrid không chỉ có tiền. Họ còn có sức hút và danh tiếng đủ để “đánh cắp” những siêu sao tốt nhất bằng với mức giá mà Atletico chỉ có thể mua được một ngôi sao mới nổi.
Chính tâm lý ấy mới là thứ hủy hoại Liga. Người hâm mộ bóng đá Tây Ban Nha có lẽ vẫn còn nhớ phát biểu kinh điển của HLV Manule Pellegrini thời ông này còn dẫn dắt Malaga, sau trận thua Real Madrid 0-7 vào mùa 2010-2011: “Tôi đã đưa ra sân đội hình phụ.
Trận đấu của chúng tôi không nằm ở đó”. Khi ấy, HLV của Real Zaragoza, ông Jose Aurelio Gay, còn vào hùa: “Ai làm HLV ở Liga mà không nghĩ vậy nhỉ?”. Tâm lý của phần còn lại ở Liga là thế này: Họ không thể chống lại Madrid - Barca, vậy thì đừng có thử làm gì. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Trong mắt Gay, giờ là HLV của đội… Real Madrid C, Real và Barca là những đội đến từ hành tinh khác. Tháng 3/2010, sau khi Barca đè bẹp Zaragoza của ông trong một trận đấu mà Lionel Messi lập hat-trick, Gay bảo rằng Messi là cầu thủ giỏi nhất mà ông từng chứng kiến. Vài tháng sau, Zaragoza bị Madrid “tàn sát”, và Gay lại nói Cristiano Ronaldo là siêu sao tốt nhất từng có trên cõi đời này.
Hy vọng phản kháng
Những HLV có tâm lý phản kháng ở Liga có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay (Manuel Preciado từng mắng chửi Mourinho thậm tệ khi HLV người Bồ còn dẫn dắt Real Madrid), nhưng những HLV vừa có cá tính vừa đủ tài năng chống lại hai thế lực ấy thì chỉ đếm trên đầu ngón tay trong hơn một thập kỷ qua, là Javier Irrureta thời còn dẫn dắt Deportivo, Rafa Benitez thời còn cầm Valencia và giờ là Diego Simeone.
Chính sách mua siêu sao ồ ạt không phải không có điểm yếu: Khi Madrid mua David Beckham thay vì Ronaldinho năm 2003 chỉ vì “Ronnie có hàm răng xấu quá” (lời một Giám đốc thể thao của Real Madrid kể lại), họ thu bộn tiền nhờ bán áo, nhưng đổi lại cũng là sự sa sút không phanh trên sân cỏ. Barca cũng trải qua một giai đoạn đầy bất ổn với những siêu sao không phù hợp với đội (Zlatan Ibrahimovic là ví dụ điển hình) và phí phạm quá nhiều tiền.
Rất hiếm những "chú ngựa ô" như Atletico tại Liga
Chức vô địch của Atletico Madrid mùa trước cũng đã chứng minh rằng phần còn lại không chỉ là một "bầy lừa vô dụng": Bóng đá là cuộc chơi tập thể và nhiều siêu sao chưa chắc đã làm nên một tập thể tốt. Atletico là một tập thể tuyệt vời, dù chất liệu không phải siêu việt. Họ đã vượt qua khoảng cách hàng năm ánh sáng trên giấy tờ với “liên minh” Madrid - Barca một cách ngoạn mục.
Đó là những hy vọng cho mùa giải tới. Khoảng cách giữa Madrid - Barca và phần còn lại không được rút ngắn là bao trên TTCN và từ góc độ tài chính, tiềm lực, nhưng điều đáng sợ nhất là có bao nhiêu đội bóng và HLV nghĩ rằng họ có thể chống lại liên minh thần thánh ấy?
Simeone và Atletico đã tạo ra một tiền lệ tốt bằng chiến thắng phi thường mùa giải trước, và khi con đường mới được khai phá, sẽ có thêm nhiều kẻ dấn thân. Chính vì thế, đây sẽ là mùa bóng rất đáng được chờ đợi, khi phần còn lại hiểu ra rằng, dù có được "vũ trang" tối tân đến đâu, thì Madrid và Barca cũng là con người, không phải Thần thánh.
|
|
|
|