Ranieri: "Super League chỉ dành cho kẻ sợ Leicester"
HLV trưởng Claudio Ranieri kịch liệt chỉ trích ý tưởng Super League lẫn phát ngôn của Charlie Stillitano rằng Leicester không đủ tầm để được dự giải đấu.
Siêu giải đấu châu Âu: Giấc mơ Mỹ đâu của riêng người Mỹ
1. Về cơ bản, cái gọi là Super League – dự án “tái cấu trúc bóng đá châu Âu” (Theo Goal) sẽ đảm bảo cho sự xuất hiện của những CLB lớn nhất châu Âu. “Lớn nhất” ở đây có nghĩa được biết đến nhiều nhất, có lượng fan đông đảo nhất và … kiếm tiền nhiều nhất. Với giải đấu này, quyền lợi của những CLB lớn đang bất ổn ở đấu trường quốc nội sẽ được đảm bảo trong tương lai, từ đó đi đến thay thế Champions League.
Super League là dự án tham vọng của các CLB lớn ở Premier League
Mặt khác, Leicester City hay Tottenham – những CLB đang dẫn đầu Premier League hay PSV – gã khổng lồ của bóng đá Hà Lan sẽ không có suất tham dự.
Trên báo giới, chủ tịch công ty công ty Relevent Sports, ông Stilliano cho hay: "Đại diện phía MU đặt câu hỏi: 'Chúng tôi tạo ra bóng đá hay Leicester tạo ra bóng đá?'. Đúng, xét về những khoảng lợi nhuận kếch xù, lượng fan đông đảo trên khắp thế giới mà bóng đá mang lại, vậy MU hay Leicester mới giữ vai trò quan trọng hơn?”
Để lập luận thêm phần chắc chắn, ông còn lấy ví dụ về ICC – giải giao hữu mùa hè do công ty Relevent Sports khởi xướng, với thể thức tương đồng Super League: “Khi nhìn vào ICC, nhiều người hỏi tôi rằng ‘Đó có phải là Champions League không?’, tôi chỉ còn biết cười trừ đáp lại: 'Không, Champions League là nơi có những PSV hay Gent kìa!'.
2. Leicester đang thổi làn gió mát lành vào Premier League – giải đấu một thời bị thống trị bởi nhóm “Big 5” MU, Arsenal, Liverpool, Chelsea và Man City.
Câu chuyện cổ tích từ CLB từng quen với cuộc chiến trụ hạng khiến nhiều người hoài niệm về giai đoạn hơn 10 năm trước, nơi trận chung kết Champions League là sự góp mặt của Porto và Monaco, nơi Valencia chấm dứt sự thống trị của Real – Barca tại La Liga hay Hy Lạp hùng bá Euro 2004.
Xa hơn nữa, trước năm 1992 – thời điểm cúp C1 chưa đổi tên thành Champions League, có tới 9 nhà vô địch châu Âu đến từ 8 quốc gia khác nhau. Trong đó, nhiều CLB thuộc giải đấu tưởng chừng “biến mất” trên bản đồ Champions League như Romania, Serbia hay Hà Lan cũng tự viết cho mình những thiên cổ tích hùng tráng.
Tuy nhiên, khi đồng tiền dần chi phối, sự phân hóa mạnh mẽ của các nền bóng đá cũng đi theo tỉ lệ thuận. Việc Juventus sắp 5 lần giành Scudetto liên tiếp, hay Bayern, PSG 4 lần đứng trên đỉnh cao sẽ không còn là thứ đáng để bàn luận, nhưng lại kéo chúng ta về thực tế nghiệt ngã: những câu chuyện cổ tích đang dần biến mất.
Cần lắm những đội bóng như Leicester để người châu Âu nuôi dưỡng những "giấc mơ"
Vậy công bằng mà Stillitano nói ở đâu? Phải chăng, công bằng là khi những kẻ giàu có ngày càng giàu có, đồng thời thống trị phần còn lại bằng tiềm năng tài chính, quyền lực vô hạn.
3. “Giấc mơ Mỹ” là khái niệm lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà văn James Truslow Adams trong cuốn “The Epic of America” (xuất bản năm 1931). Từ đó đến nay, người Mỹ luôn đau đáu tìm kiếm giấc mơ về một “cuộc sống lẽ ra phải tốt đẹp và giàu có, và đủ đầy hơn với tất cả, cơ hội được chia đều cho mỗi người tùy vào khả năng hay thành tựu”.
Trong bóng đá châu Âu hiện đại, thật viển vông nếu mong chờ những ‘giấc mơ Mỹ” lặp lại, nhưng khoảnh khắc giấc mơ ấy bất chợt vụt lóe lên vẫn cần lắm, và Leicester, Tottenham đang rất tốt nhiệm vụ của họ.
Ấy mới là “giấc mơ Mỹ” của người châu Âu, làm ơn đừng dập tắt nó!