Quyền và lợi trong Ban Trọng tài
Từ nhận định sai làm ảnh hưởng kết quả trận đấu, trọng tài Nguyễn Trung Kiên (B) đã dũng cảm nhận lỗi về mình và gửi lời xin lỗi đến CLB SL Nghệ An lẫn người yêu bóng đá…
Không phải trọng tài nào sau sai lầm của mình cũng biết cầu thị và đủ dũng khí nói lời xin lỗi dù biết “nạn nhân” SL Nghệ An không dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi ấy.
Trọng tài Kiên (giữa) bị phản ứng và khiếu nại (ảnh lớn) và tình huống sai phạm quá rõ khi cầu thủ Thanh Hóa tấn công thủ môn. Ảnh: CTV
Bóng đá thời công nghệ không thể cãi chày cãi cối như trước và sau khi xem lại clip trên mạng, trọng tài Nguyễn Trung Kiên đã lập tức gọi điện thoại cho Chủ tịch CLB SL Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Thanh, xin lỗi một cách chân thành. Trọng tài Kiên tạm thời bị treo còi một trận và chắc chắn sẽ nhận tiếp những án kỷ luật khác từ Ban Trọng tài VFF.
Điều đáng nói hơn là sau một sự cố, cấp trên của trọng tài đã hành xử như thế nào để giữ nghiêm kỷ cương, đồng thời giữ cho cái uy của trọng tài vừa đủ, giúp họ tiếp tục hành nghề?
Câu nói cửa miệng của Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi là: “Trọng tài cũng là con người và sai lầm của họ là một phần của bóng đá”. Tuy nhiên, không phải lúc nào, trọng tài nào sai cũng được thông cảm bởi tùy vào sai phạm lẫn cách nhìn mặt mà bắt hình dong của cấp trên.
Ông Mùi cho biết sau khi soi băng ghi hình kỹ thuật do ban tổ chức sân cung cấp mới có quyết định xử lý nội bộ trọng tài Kiên. Trước mắt ông đã khẳng định trọng tài này gặp lỗi nặng ở tình huống phút 72, làm ảnh hưởng đến kết quà thua của SL Nghệ An.
Tuy nhiên, với còi vàng 2016 Nguyễn Ngọc Châu bỏ lỗi, bỏ thẻ cho hai cầu thủ Hà Nội đạp vào đùi đồng nghiệp Châu Ngọc Quang ở vòng 3 V-League lại không có kiểu xử lý như trọng tài Kiên. Còn nhớ Ban Trọng tài VFF sau khi nghiền ngẫm kỹ các loại băng ghi hình đã khăng khăng trọng tài Châu vô tội và hai cú đạp triệt hạ đối phương bị sửa thành “liều lĩnh” để che đậy sai phạm của trọng tài.
Cần biết trọng tài Châu năm ngoái đoạt còi vàng nhờ cầm còi nhiều trận đấu mà trong làng gọi là “dễ nuốt” và tất nhiên là sai sót nếu có cũng dễ xí xóa hơn những trận cầu xương. Điều quan trọng là sai sót của còi vàng lần này do chính Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền làm giám sát trận đấu nên không thể “lạy ông, tôi ở bụi này” hoặc vì một động cơ khác.
Chính vì thế cái sai rành rành của trọng tài bị hô biến thành sự bình thường cho đến khi dư luận và giới chuyên môn phản ứng mạnh mẽ, đánh động đến sự lên tiếng của Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL.
Dù Ban Kỷ luật đã đưa ra án phạt nguội chữa cháy nhưng vẫn phải thừa nhận rõ ràng Ban Trọng tài VFF có một “đế chế” riêng với mối liên kết chặt chẽ với nhau mà bầu Đức gọi là nhóm lợi ích không thể đụng đến. Bằng chứng là khi Ban Kỷ luật nhấn mạnh lỗi hành vi nghiêm trọng và treo giò Samson cũng đồng thời khẳng định Ban Trọng tài sai nhưng chẳng ai dám xử lý cái sai ấy.
Chả lẽ bóng đá Việt Nam lại cứ chịu thua cái vòng luẩn quẩn ấy?
Báo động đỏ cho giới trọng tài Ban Trọng tài mùa nào cũng có những lớp tập huấn với nhiều phương pháp đổi mới và bám sát thực tế nhưng V-League mùa này mới qua năm vòng, các trọng tài đã gặp quá nhiều sai sót lớn. Chính vì thế, uy tín của trọng tài lẫn cấp trên của họ đang đi xuống và trong thời gian tới trọng tài còn khó làm việc hơn nữa do không nhận nhiều sự tôn trọng của các CLB. Ví như SL Nghệ An biết sai luật khiếu nại trọng tài về lỗi nhận định nhưng họ vẫn làm dù không thể thay đổi kết quả. Đáng nói hơn là những cái sai của trọng tài không được các đội bóng nhìn nhận theo hướng yếu kém hoặc sơ sót về chuyên môn mà thường bị quy về lỗi tư tưởng có vấn đề. Những cơn phản kháng âm ỉ của nhiều CLB như nước đã đến chân, e rằng Ban Trọng tài khó mà nhảy kịp. |