‘Quyền lực mềm’ của bóng đá Thái Lan
Đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup lần thứ năm nhưng người Thái không cho đấy là điều tự hào bởi cái đích xa hơn của họ vẫn chưa thực hiện được.
Sau khi CLB Leicester City của tỉ phú Vichai người Thái Lan lên ngôi vô địch Premier League, ông chủ này đã kết hợp với LĐBĐ Thái Lan đưa hàng chục cầu thủ trẻ sang CLB này tu nghiệp dài hạn.
Trong khi đó thì các doanh nghiệp Thái Lan lại đang đổ xô vào Việt Nam đầu tư với tiêu chuẩn quản lý ngang hàng các công ty Nhật. Song song đó, Thái Lan đi đầu ở Đông Nam Á trong việc thu hút các nhân tài trong khu vực Đông Nam Á.
Người Thái, doanh nghiệp Thái và bóng đá Thái Lan đã nhận ra thị trưởng Đông Nam Á lớn lao bởi dân số của khu vực này ngang bằng với cả châu Âu và được xem là một thị trường khu vực thuộc vào hàng lớn nhất thế giới. Chính từ đó mà người Thái Lan đang thực hiện chiến lược dùng đồng baht làm thứ “quyền lực mềm” để chinh phục thị trường Đông Nam Á.
Thái Lan (trái) với những cầu thủ tuổi 18-19 cho thấy sự vượt trội hơn hẳn hai đội U-21 Việt Nam và U-21 HA Gia Lai. Ảnh: ĐỨC HUY
Chưa đầy một tháng khi bóng đá Thái Lan mở cửa “quota” cho cầu thủ khối ASEAN, lập tức làn sóng cầu thủ khu vực này đổ vào. Họ tìm việc ở Thái và xem đấy là cơ hội bởi trình độ Thai-League đã lên đỉnh khu vực cùng mức lương tương đương với khoảng 165-250 triệu đồng Việt Nam/tháng (theo con số công bố của báo chí Thái Lan).
Người Thái đã thực thi công việc này từ rất lâu và có lộ trình. Hơn một thập niên trước đã có tỉ phú Thái Lan Thaksin là chủ nhân CLB Man. City. Rồi bây giờ, ngoài tỉ phú Vichai sở hữu CLB Leicester City còn có hai tỉ phú khác sở hữu các CLB hạng nhất Anh cũng mang sứ mệnh mang tài năng nhí Thái Lan sang Anh đào tạo.
Nói Thái Lan có âm mưu làm trùm bằng “quyền lực mềm” mới thấy tính đồng bộ từ chiến lược doanh nghiệp đến bóng đá. Những bước tiến rất đồng bộ và vững chãi trong từng bước đi.
Nhìn sang đội trẻ tuổi 18-19 Thái Lan dự giải U-21 quốc tế tại TP.HCM mới thấy trình độ của một đội bóng trẻ của họ bài bản và nghiêm túc như thế nào. Cũng cần biết đấy mới chỉ là thành phần lót đường là sân sau cho U-23 Thái Lan dự SEA Games.
Bóng đá Việt Nam từ sau SEA Games 18-1995 đã ấp ủ giấc mơ đánh bại Thái Lan từ cấp đội tuyển quốc gia đến các tuyến trẻ nhưng với kiểu đụng đâu làm đó và có gì ăn nấy thấy thật khó. Người Thái đã quy hoạch Thai-League từ rất lâu, còn ta không chuyên nghiệp nổi theo kiểu tiền bóng đá nuôi bóng đá.
Sắp tới là SEA Games 29-2017, Việt Nam lại đặt mục tiêu vô địch nhưng HLV Hữu Thắng đã cạn vốn và ngao ngán khi nhìn lẫn tìm quân ở giải U-21.
Vì thế, khi nào bóng đá ta có những bước đồng bộ như người Thái Lan thì hãy nghĩ đến chuyện qua mặt Thái Lan.