Quên giấc mơ World Cup thôi bóng đá Việt Nam?
Một đội tuyển không thể giành nổi 1 điểm sau 4 trận đấu liệu có thể giành vé đi World Cup trong 4 năm tới?
Trong một giấc mơ thì có thể. Và thực tế trong 4 năm tới, khi World Cup tăng từ 32 đội hiện tại lên 48 đội, cơ hội của đội bóng cũng sẽ lớn hơn?
Đúng. Cơ hội sẽ lớn hơn. Với toàn bộ nền bóng đá châu Á, cơ hội tăng gần gấp đôi. Từ 4,5 suất hiện nay sẽ lên thành 8 suất.
ĐT Việt Nam miệt mài tập luyện hướng tới mục tiêu giành điểm số đầu tiên ở vòng loại 3 World Cup
Nhưng làm thế nào để Việt Nam từ chỗ đang mơ có điểm đầu tiên, rồi nhiều khả năng chỉ giành được tối đa 3 điểm ở vòng loại thứ 3, trở thành 1 trong 8 đội mạnh nhất của châu lục?
2 năm trước, Việt Nam từng lọt vào tới vòng tứ kết Asian Cup, tức là 8 đội cuối cùng. Chỉ có điều, Asian Cup không phải là giải đấu phản ánh đúng sức mạnh của nền bóng đá này.
Nếu như EURO phản ánh đúng sức mạnh của các nền bóng đá châu Âu, hay phần nào đó là Copa với Nam Mỹ, CAN với châu Phi, thì Asian Cup lại là một câu chuyện khác.
Nhật Bản, Saudi Arabia không vô địch Asian Cup 2 kỳ gần đây, hay Hàn Quốc lần cuối vô địch mãi từ 1960, nhưng vẫn là 3 đội bóng hàng đầu. Họ không hay cử lực lượng mạnh nhất tham dự giải đấu này, không phải lúc nào cũng triệu tập đủ những trụ cột chơi bóng ở châu Âu để đá Asian Cup, Asian Games, hay U23 châu Á.
Và quan trọng nhất, kế hoạch chuẩn bị cho World Cup 2026 của Việt Nam đang đứng bên bờ vực.
Kế hoạch đó được dựng lên cách nay 3 năm bao gồm những bước đi bùng nổ: Trung tâm PVF của Vin Group có Giám đốc (hình ảnh) là Ryan Giggs (huyền thoại của Man Utd), có Giám đốc Kỹ thuật (vai trò, quyền lực thực chất) là “Phù thủy trắng” Philippe Troussier.
Đây là những cái tên trong mơ với ngay cả nhiều nền bóng đá phát triển ở châu Á. Troussier từng đưa Nhật Bản tới World Cup và cũng từng thành công với cả Nam Phi.
Ông Troussier cách nay 2 năm được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U19, những cầu thủ sẽ sang tuổi 25 khi vòng loại cuối cùng của World Cup 2026 diễn ra. Rõ ràng là trẻ trung và không hề thiếu kinh nghiệm nếu được thử lửa đỉnh cao liên tục, và sẽ có những trụ cột dẫn dắt như Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Toàn, Đình Trọng, Duy Mạnh, Hoàng Đức… Họ sẽ bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp.
Ông Troussier có một kế hoạch đầy tham vọng, đã đi được những bước ban đầu với tư cách như là tổng kiến trúc sư của dự án World Cup 2026 ấy: Ông rũ bỏ cái mác là người của PVF, xin dùng danh vị HLV U19 QG để làm việc với toàn bộ các HLV các đội trẻ cùng lứa trên toàn quốc. Họ báo cáo cho ông tiến trình phát triển của các cầu thủ. Ông chia sẻ cho họ những kinh nghiệm quý giá mà chưa có HLV ngoại nào ở Việt Nam làm được.
Troussier thậm chí còn tính xa hơn, chuẩn bị nền móng cho nhiều năm sau như việc ông mỗi tháng lại tổ chức một ngày hội bóng đá ở PVF, để tất cả các trung tâm năng khiếu quanh miền Bắc đưa các đội bóng nhí tới thi đấu giao lưu từ sáng tới tối. Đây là lúc để tiếp tục tuyển chọn tài năng và trao cho những cầu thủ nhí cơ hội khi họ bước sang tuổi 13 hoặc 15.
Cách làm của ông thày người Pháp hứa hẹn giúp PVF và Việt Nam có những cầu thủ hiện đại thay vì như PVF đã từng vô địch gần như mọi giải đấu bóng đá trẻ quốc nội nhờ lối đá thực dụng, không thể cung cấp cho BĐVN những tài năng như là HAGL, Hà Nội, hay thậm chí là cả một lò nuôi tự nhiên như là Sông Lam Nghệ An.
Nhưng Covid xảy ra. VCK U19 châu Á bị hủy bỏ. PVF đổi chủ. Ông Troussier với mức lương hơn 1 triệu USD/năm phải rời Việt Nam, bỏ dở dự án mà ông đã bỏ vào đó tất cả nhiệt huyết, kinh nghiệm và tri thức.
Lứa cầu thủ tài năng của BĐVN liệu có cơ hội dự World Cup?
Một con đường nếu không muốn nói là cửa ngách để ra châu Âu chơi bóng cho PVF hay các cầu thủ Việt Nam cũng đã đóng lại. Đội bóng FK Sarajevo bị các ông chủ Việt bán lại cho chính tỉ phú người Mã Vincent Tan hồi cuối tháng 8/2021.
Hai năm trước, đội trẻ FK Sarajevo đã từng sang Việt Nam như là một chuyến thăm công ty mẹ, giao hữu với các đội trẻ của PVF. Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam có tên trong một tuyên bố của CEO tập đoàn Berjaya, Jalil Rasheed cho biết tỷ phú Vincent Tan đã mua lại từ các ông chủ người Việt 60%, còn Ismir Mirvic một người Bosnia gốc Mỹ đã mua 30%. CLB mạnh nhất của đất nước Bosnia này thường để lại 10% cho chính quyền thành phố như là cách thể hiện sự cam kết với địa phương.
Sự kiện bán lại CLB liệu có thể gọi là gì nếu như không phải là một dấu chấm, ám chỉ việc bước chân ra khỏi cuộc chơi bóng đá của bầu Vượng?
Bóng đá Việt Nam vẫn còn bầu Hiển, Viettel, và có thêm những ông bầu mới, nhưng cách làm hiện nay có thể tạo ra những sản phẩm đột biến về chất lượng, phong phú về số lượng?
Liệu một V-League nếu làm chặt chẽ sẽ có bao nhiêu đội đi theo số phận của Than Quảng Ninh (không đủ tiêu chuẩn cấp phép) và chấp nhận không còn là sân chơi thể hiện ý chí của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành?
Thử hỏi với nền tảng như hiện tại, ông Park có dám nhận chỉ tiêu đưa Việt Nam tới World Cup khi chính ông còn chưa biết là liệu chiến dịch lần này chúng ta có thể chơi 10 trận và giành 1 điểm?
Chúng ta không cần trả lời ngay. Vì đây chỉ là bước đầu hòng làm thức tỉnh một giấc mơ.
Chiều ngày 10/11, Liên đoàn bóng đá Việt Nam chính thức công bố việc VFF và HLV Park Hang Seo đạt được thỏa thuận về việc...
Nguồn: [Link nguồn]