Quảng Nam và những mối quan hệ “gia đình” của V.League
Ngay sau thất bại 1-4 trước SLNA, Quảng Nam lập tức thông báo ông Đào Quang Hùng sẽ rời khỏi vị trí HLV trưởng, nhường quyền chỉ đạo cho HLV Nguyễn Thành Công. Nhưng sự xuất hiện của ông Công không đem tới bất ngờ bằng thông tin Dương Nghiệp Khôi, cựu Phó Tổng thư ký VFF, Giám đốc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội cũng được điều vào Quảng Nam.
Quảng Nam, “con nuôi” bầu Hiển?
Đây không phải lần đầu tiên bầu Hiển đưa quân từ Hà Nội vào Quảng Nam “giải cứu” đội bóng này. Đầu mùa này, Ibou Kebe - chân sút người Pháp mà Hà Nội cất công đem về ở nửa cuối mùa trước với giá không dưới 80.000 USD tới Quảng Nam để khỏa lấp vị trí tiền đạo cắm do Hoàng Vũ Samson bỏ lại, vốn là một công thần kể từ khi Hà Nội gắn liền với thương hiệu tập đoàn T&T.
HLV Vũ Hồng Việt, người về thay ông Hoàng Văn Phúc trước đó thuộc biên chế trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội, là HLV gắn bó với lứa U19 Hà Nội vô địch quốc gia 2 lần. Đi cùng ông Việt vào xứ Quảng còn có Nguyễn Hồng Sơn, trưởng thành từ trung tâm PVF nhưng đầu năm 2018 được CLB Hà Nội ký hợp đồng
Nói xa hơn một chút, HLV Hoàng Văn Phúc vào Quảng Nam làm việc năm 2013 là vì duyên số đi ăn đám giỗ, bất ngờ gặp một lãnh đạo quản lý Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội) và được gợi ý vào miền Trung cầm đội bóng. Sau khi rời Quảng Nam, ông lại trở về chính… trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, phụ trách vấn đề chuyên môn. Nhắc chi tiết này mới nhớ, trung tâm của CLB Hà Nội được quy hoạch như sau: Ông Phúc làm chuyên môn, ông Khôi lo chuyện điều hành, công tác tổ chức thi đấu.
Chuyện này thú vị ở chỗ: Trước khi ra Hà Nội đầu quân cho bầu Hiển, ông Khôi cũng từng đảm nhiệm vị trí chủ tịch CLB Sài Gòn trong một mùa giải. Khán giả theo dõi V.League lâu năm thừa hiểu CLB Sài Gòn cũng thuộc quyền sở hữu ông bầu họ Đỗ trước khi được bán đứt cho Bến Thành Holding đầu mùa bóng năm nay. Bây giờ, ông Khôi lại vào Quảng Nam làm giám đốc điều hành.
Cũng đừng quên rằng, cầu thủ đầu tiên sát cánh cùng HLV Hoàng Văn Phúc tại Quảng Nam là Nguyễn Huy Hùng, một sản phẩm đích danh của lò đào tạo trẻ Hà Nội. Có thể nói, ở đâu trong xứ Quảng cũng nhìn thấy dấu vết của bóng đá thủ đô.
Từ năm 2011, bầu Hiển được cho là ông chủ thật sự của bóng đá Quảng Nam dưới nhiều hình thức tài trợ ẩn danh khác nhau. Ngày ấy, đội bóng này có tên QNK Quảng Nam, và QNK vốn dĩ là công ty liên kết với tập đoàn T&T.
Thực tế, việc thay tướng ở Quảng Nam đã được tính toán cặn kẽ tới từng quy trình nhỏ lẻ. HLV Đào Quang Hùng vốn dĩ cũng được “nhắm từ trước” khi thay tướng trẻ Hồng Việt. Ông vốn là Phó giám đốc trung tâm đào tạo trẻ Đà Nẵng, đơn vị có liên quan mật thiết tới bầu Hiển như đúng tên gọi của đội bóng SHB Đà Nẵng. Giờ nghỉ Quảng Nam, ông Hùng lại trở về làm công việc cũ, vị trí được để sẵn chờ ông kết thúc sứ mệnh tại Quảng Nam.
Hình hài bóng đá Việt
Quảng Nam mới là “một nhánh” trong sơ đồ gia phả bóng đá do ông Đỗ Quang Hiển xây dựng. Ông đã hai lần “phù phép” Hà Nội B, lứa U21 đá giải hạng Nhất thành các đội bóng chuyên nghiệp, lần lượt mang tên Sài Gòn FC và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Mới đây, tỉnh Phú Thọ cũng đã tiếp nhận lứa trẻ của Hà Nội để đá giải hạng nhì, với HLV trưởng là Dương Hồng Sơn, một công thần khác của đế chế bóng đá nhà bầu Hiển.
Thực tế, đây là một cách kinh doanh bóng đá mà bầu Hiển đã theo đuổi nhiều năm qua. Nhưng ông không hề nghĩ ra phương pháp này bởi suốt chiều dài lịch sử phát triển V.League, có rất nhiều tiền lệ đã xảy ra.
Chính những người phê phán bầu Hiển ngày xưa đã tung hoành, làm mưa làm gió với các vụ giao dịch chuyển nhượng. Thời đỉnh cao, HAGL có Bình Định là đội bóng vệ tinh, dù Bình Định cũng chẳng phải dạng vừa với sự chống lưng của tập đoàn Pisico.
Hay như bầu Thắng (Võ Quốc Thắng), cựu chủ tịch VPF khóa I thời còn mặn mà với bóng đá còn nắm trong tay tới 3 CLB mang thương hiệu Đồng Tâm ở ba hạng đấu cao nhất. V.League họ có Gạch Đồng Tâm Long An, hạng Nhất có Sơn Đồng Tâm, còn hạng Nhì có Ngói Đồng Tâm. Đội Sơn Đồng Tâm này còn có một số phận kỳ lạ hơn: Vốn dĩ là tập thể Ngân hàng Đông Á bị giải thể sau tiêu cực dàn xếp tỷ số năm 2005, được ông Thắng mua về, đầu tư, đào tạo rồi sau đó tìm bên thứ ba tiếp nhận. Mấy năm sau, bầu Trường lặn lội từ Ninh Bình vào tận miền Tây, hỏi mua Sơn Đồng Tâm và lập ra Vissai Ninh Bình.
Những liên minh bóng đá từ lâu đã là một phần của bóng đá Việt Nam. Ngay cả Quảng Ninh và Hải Phòng, hai kẻ thù không đội trời chung ở Đông Bắc cũng trao đổi cầu thủ, thậm chí là gửi cả trụ cột sang bên kia nhằm cứu “đối thủ” tránh xuống hạng. Hay có một dạo, Hải Phòng cứ thiếu người là bầu Đức cử quân từ Gia Lai xuống, rồi là chuyện SLNA cử cả ê-kíp HLV về đất Cảng làm việc theo dạng “biệt phái”.
Bóng đá Việt Nam bản chất là thế, bao năm qua vẫn vậy và có lẽ sau này cũng thế. Việc của NHM là chờ tới những cao trào của từng mùa giải và đón xem những câu chuyện “lá lành đùm lá rách” mà thôi.
Thành Công, gã thợ hàn của người Việt Nếu bóng đá châu Âu có Claudio Ranieri được mệnh danh là gã thợ hàn thì sân cỏ Việt Nam cũng chứng kiến một gương mặt tương tự là trường hợp của HLV Nguyễn Thành Công, con trai HLV nổi tiếng Nguyễn Thành Vinh. Ông Công ra mắt V.League cách đây hơn 2 năm khi tới Sài Gòn giải cứu đội bóng này sau giai đoạn lượt đi bết bát mùa 2018 dưới thời Phan Văn Tài Em. Sau đó, ông xin nghỉ dù nhận được nhiều tình cảm của cầu thủ và CĐV vì lý do gia đình. Đầu năm nay, ông Công lại tới Thanh Hóa trục vớt con tàu đắm Thanh Hóa, kéo CLB này từ bét bảng lên hạng 8 rồi lại phải ra đi vì bất đồng quan điểm với lãnh đạo. Lần này, nhiệm vụ của ông Công là giữ Quảng Nam ở lại V.League 2021. Tuy nhiên, lãnh đạo đội bóng cam kết dù Quảng Nam phải xuống hạng, họ cũng muốn đồng hành cùng ông Công và ông Khôi từ 3-4 năm tới để gây dựng bóng đá Quảng Nam phát triển căn cơ, bền vững. |
HLV Thành Công đã nhận lời dẫn dắt Quảng Nam và đối đầu đội bóng cũ Thanh Hóa ở lượt trận tới đây.
Nguồn: [Link nguồn]