Quan chức VFF đua nhau…tiền hậu bất nhất
Không phải chờ đến câu chuyện nóng hổi liên quan tới tương lai của HLV Toshiya Miura, mà trong suốt gần 2 năm làm việc của Ban chấp hành VFF khóa VII (nhiệm kỳ 2014-2018), các “đầu tàu” của bộ máy quản lý bóng đá Việt Nam liên tiếp tiền hậu bất nhất trong phát ngôn…
Có lẽ chưa ở nơi đâu trên thế giới, vào đúng thời điểm đội tuyển U23 đang làm việc cật lực để khẳng định vị thế của bóng đá nước nhà trên đấu trường quốc tế, thì ở trong nước, các quan chức của Liên đoàn lại tố nhau, mất đoàn kết nội bộ.
Đến giờ giới truyền thông vẫn chưa quên buổi chiều cuối tháng 12.2015, trong cuộc trao đổi thông tin với báo chí xung quanh Đại hội thường niên VFF, khi được đặt câu hỏi về tương lai của HLV Miura, ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông-đối ngoại VFF đã khẳng định: “U23 Việt Nam đang có nhiệm vụ rất quan trọng và vị “tướng” cần phải có tâm lý thoải mái, lạc quan thì ra trận mới có thể giành chiến thắng được.
Vậy nên chúng tôi không bàn tới tương lai của HLV Miura vào lúc này”. Vậy mà đùng một cái, khi U23 Việt Nam vẫn đang thi đấu tại Qatar, trên một tờ báo, ông Gụ tuyên bố sẽ đề nghị thường trực VFF dứt khoát sớm sa thải HLV Miura chứ không đợi đến khi hết hợp đồng vào tháng 4.2016 mới bàn (?!).
Lãnh đạo VFF đang không có được sự thống nhất trong phát ngôn cũng như cung cách làm việc. Ảnh: Hiền Anh
Trước đó nữa, trong nhiều lần gặp gỡ báo chí, khi được hỏi về tình hình “nội bộ” VFF, ông Gụ cũng luôn nhấn mạnh: “Không có chuyện mất đoàn kết”. Nhưng tại Hội nghị triển khai công tác ngành TDTT 2016, vẫn lại ông Gụ “bật mí” nhiều chuyện hậu trường để chứng minh lãnh đạo VFF không hề có sự thống nhất trong cách làm việc.
Và nếu coi những lời ông phát biểu trước lãnh đạo ngành Tổng cục TDTT là tâm huyết, thì những lời ông khẳng định với báo chí là gì?
Nhưng ông Gụ cũng chỉ là một ví dụ về cách nói trước sau không như một trong đội ngũ lãnh đạo VFF.
Mới đây nhất, khi được báo chí hỏi về việc có sớm sa thải HLV Miura hay không? Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF nói: “Việc này là quyết định của tập thể, cụ thể là của thường trực VFF, trước khi được đưa ra ban chấp hành.
Không cá nhân nào có quyền đưa ra quyết định cho ông Miura thôi việc”. Điều ông Tuấn nói là hoàn toàn đúng! Nhưng tại sao với trường hợp liên quan tới HLV đội tuyển bóng đá nữ, cũng là người Nhật Bản, ông Norimatsu Takashi, thì thường trực VFF lại không được thông qua?
Chính ông Gụ nói: “Trong tháng 10, ông Norimatsu Takashi có đến phòng tôi chào. Tôi hỏi vì sao thì ông ta nói ông Tuấn (ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF – PV) không ký hợp đồng với tôi nữa”.
Liên quan tới chuyện các HLV Nhật Bản đến dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam và nữ trong thời gian qua, dấu ấn của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là rất lớn. Ngay khi mới nhậm chức, ông Dũng đã khẳng định: “Chấp nhận chịu “ném đá” để đặt niềm tin vào các HLV Nhật Bản.
Họ làm việc bài bản, có lập trình, kế hoạch rõ ràng trong từng giai đoạn. Lúc đầu có thể phát triển chậm, nhưng khi đã đâu vào đó thì tiến rất nhanh. Trong nhiệm kỳ của tôi, tôi không đặt nặng vấn đề thành tích mà cố gắng gia cố ngôi nhà bóng đá Việt Nam từ “móng”. Hy vọng sau 3-4 năm, diện mạo bóng đá nước nhà sẽ tươi sáng hơn”.
Ấy vậy mà lúc này, khi HLV tuyển nữ Takashi đã bị sa thải trước thời hạn, HLV tuyển nam Miura đang bị “ném đá” dữ dội, thì ông Dũng lại ốm, gần như không xuất hiện trước truyền thông để tái khẳng định quan điểm (?!).
Cũng liên quan tới HLV Miura, 1 vị khác trong thường trực VFF là ông Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức lúc thì nói phải sa thải ngay HLV Miura càng sớm càng tốt!
Nhưng gần đây nhất lại bảo “nên giữ lại HLV Miura để bóng đá Việt Nam có thêm những… bài học quý”. Người thứ 5 trong thường trực VFF là ông Trần Anh Tú thì không có ý kiến gì vì chỉ quan tâm tới… futsal.
Nhìn diện mạo “đầu tàu VFF” như vậy để thấy rằng việc cần làm nhất lúc này là phải cải tổ, đi tìm sự thống nhất, đoàn kết cao từ trong cách phát ngôn ở thượng tầng VFF.
Chỉ khi đó, quyết định thay hay không thay HLV Miura mới có được những lý lẽ, lập luận đúng đắn, thay vì bị cuốn theo dư luận vốn cũng đang phân thành 2 luồng khá rõ rệt. Và cũng chỉ khi đó, người lên thế chỗ HLV Miura (nếu có) mới có thể an tâm làm việc!