Quan, bóng và “Chùa Bà Đanh” ở giải U19
Trước trận Việt Nam – Hong Kong, Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng cùng HLV trưởng Hoàng Văn Phúc đến sân Thanh Hóa tuyển chọn cầu thủ nội trong hoàn cảnh Thanh Hóa và B. Bình Dương mỗi đội đá “5 tây”. Bây giờ thì giải V-League cuối tuần rồi và cả giải U19 toàn quốc đang diễn tại Pleiku chẳng thấy bóng dáng “VIP” nào.
Làng bóng nội bây giờ ở các giải đấu như V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc Gia và cả những giải trẻ như U19 đang diễn ra giờ khó thấy bóng các quan chức vì ai cũng lo ghế Đại hội VFF nhiệm kỳ VII. Thay vào đó, các báo cáo vẫn lạc quan và vẫn “vui như tết” khi mà lượng khán giả sân Cẩm Phả làm “vỡ sân” trong trận Than Quảng Ninh – Hải Phòng được những nhà làm bóng đá xem như kỳ tích để che đi hình ảnh khán đài trống huơ trống hoác ở các sân Hàng Đẫy, Pleiku, Long An…
Cùng là U19, nhưng ở Cup Nutifood thấy các quan xếp hàng “nhào zô” trong khi giải U19 toàn quốc ở Pleiku thì vắng bóng các quan. Vì sao lại có sự lệch pha như thế và vì sao các quan cứ hút vào U19 HA Gia Lai đang nổi đình nổi đám mà quên hết đám trẻ rất cần được động viên để phát triển đúng hướng từ các lò đào tạo khác?
Đại hội VFF nhiệm kỳ VII sắp diễn ra nhưng đã có ai tổng kết đủ những gì còn tồn đọng ở nhiệm kỳ VI? Hay là tất cả lại lấy hình ảnh của U19 thi đấu giải vô địch Đông Nam Á, rồi vòng loại châu Á và Cup Nutifood mà che đi mọi khiếm khuyết của một nền bóng đá? Rõ ràng là nên mừng với lứa “gà nòi” của bầu Đức đã được phát triển đúng hướng theo kiểu đào tạo chuyên nghiệp của lò JMG, nhưng nếu lấy tất cả những gì của lò đào tạo này mà khoán cho tất cả tương lai của một nền bóng đá thì rõ ràng là quá vội. Bởi JMG không đào tào cho hệ thống đội tuyển mà chỉ phục vụ cho bài toán kinh tế là đào tạo tiền vệ và tiền đạo rồi bán cho các CLB kiếm lời.
Giải U19 toàn quốc diễn ra trong sự thờ ơ của quan chức và khán giả
Nhìn vào việc “cả làng” ôm một lứa trẻ khoảng 20 cầu thủ có tiềm năng, rồi đặt ra những mục tiêu viển vông như dự vòng chung kết World Cup 2018, và xem đấy là sản phẩm của một nền bóng đá thật đáng lo. Chính những người làm công tác điều hành mà lại có suy nghĩ ôm cả lứa cầu thủ gà nòi của JMG đào tạo cho mục đích của mình mà bỏ qua hết tất cả những vấn đề cốt lõi cần làm là nền tảng chung trong kế hoạch đào tạo trẻ quốc gia thì cực kỳ nguy hiểm.
Xin được hỏi có ai, hay có chuyên gia nào ở Pleiku theo dõi lứa U19 quốc gia đang thi đấu để tìm người bổ sung cho đội tuyển U19? Hay là tất cả đều có suy nghĩ chỉ cần một lứa của bầu Đức và các cầu thủ đã quen ở đội U19 là đủ rồi?
Thế thì giải U19 quốc gia còn có ý nghĩa gì nữa?
Sự hời hợt trên vô tình sẽ “giết chết” khả năng sáng tạo của nhiều cầu thủ trẻ và sự nhiệt tình lẫn tấm lòng của nhiều ông chủ CLB đang muốn đầu tư cho bóng đá trẻ một cách tử tế.
Ngay cả V-League và giải hạng Nhất bây giờ cũng thế. Có ai cho cầu thủ có động lực để họ nỗ lực giành suất vào đội tuyển quốc gia bằng việc nhìn nhận được các quan quan tâm đến mình không?
Nguy hiểm cho một nền bóng đá ở chỗ nhiều người đã cố tình ngộ nhận bề nổi của một vấn đề được dư luận quan tâm, rồi “bơm” nó lên để che chắn cho những tồn tại chưa khắc phục. Một khán đài náo nhiệt như ở sân Cẩm Phả vòng 8 V-League 2014 không khó để giải mã, nhưng lại được xem là sức sống của cả một giải đấu sẽ không thể che được phần phong rêu ở nhiều khán đài các sân bóng khác; một đội tuyển U19 đang được quan tâm và được xum xuê vun xới sẽ không thể che được sự thờ ơ đến lứa U19 của các CLB đang đá giải quốc gia.
Lại thấy lo cho một Đại hội mà “cả nhà” và những người cũ chen vào đấy rồi hô hào sẽ làm mới trên cái nền cũ.