Puyol và sự thoái trào của La Masia
Không ai chống lại được lịch sử. MU từng giành cú ăn ba huyền thoại với bộ khung là những cầu thủ tự đào tạo (được gọi là “Bầy chim non của Fergie”) nhưng sau đó không sản xuất được thêm danh thủ nào. Giờ tới lượt Barca cũng ở trong tình cảnh ấy.
Bấm đây xem tin HOT ngày 8/3 |
“Nông trang” La Masia đã được coi là một trong những lò đào tạo cầu thủ tốt nhất thế giới và có lẽ chỉ đứng sau lò của Ajax. Nhưng cũng trong vài năm gần đây, sức ảnh hưởng của nó đã giảm sút rõ rệt.
Già níu kéo, trẻ tuyệt vọng
Tại Barcelona lúc này ai cũng đã nhẵn mặt với những danh thủ tốt nghiệp từ La Masia ra. Già nhất thì có Carles Puyol cùng Xavi và Victor Valdes. Ở độ tuổi chín là Andres Iniesta, Lionel Messi, Cesc Fabregas, Gerard Pique, Pedro và Sergio Busquets. Lính mới có Cristian Tello, Marc Bartra, Jordi Alba, Martin Montoya, Isaac Cuenca và Sergi Roberto. Trong thành phần này có những người đã phải đi đường vòng để lên đội 1 Barca (Fabregas, Alba và Pique), nhưng nhìn chung những kỹ thuật nền tảng của họ đều được phát triển ở La Masia.
Như vậy chỉ có 7 cầu thủ trong đội hình Barca hiện tại không được đào tạo ở đội trẻ CLB mà được mua về qua chuyển nhượng. La Masia tất nhiên vẫn là nền tảng cho đội hình của đội bóng xứ Catalunya lúc này, cả từ nhân sự lẫn tư duy chiến thuật.
Carles Puyol sẽ chia tay Barca khi mùa giải này kết thúc
Tuy nhiên lứa cầu thủ từ La Masia bây giờ đã bắt đầu có dấu hiệu xuống dốc. Carles Puyol đã quá già và sẽ chia tay CLB, Victor Valdes chắc chắn không ở Camp Nou mùa sau, trong khi Xavi thì đã cao tuổi nhưng vẫn ra sân cày ải chờ người kế nhiệm xuất hiện. Chỉ có Lionel Messi là vẫn mạnh mẽ và Sergio Busquets vẫn ổn định, còn các cựu binh khác đều đã bị tuổi tác bào mòn, và số còn lại thì ít người được đánh giá là ngôi sao tầm cỡ.
Andres Iniesta đã xuống phong độ và trong vài năm nữa có lẽ sẽ không duy trì được, và ngay cả Lionel Messi cũng là một dấu hỏi của tương lai khi cơ thể anh đã trở nên dễ tổn thương hơn sau những năm tháng thi đấu. Hai con người này cùng với Xavi và Busquets vài năm nữa có thể vẫn đá chính cùng nhau ở Barcelona và đó là điều đáng lo bởi thế hệ kế tục có vẻ chưa đạt tới tầm vóc của họ.
HLV Tata Martino là một người không chịu ảnh hưởng của tư tưởng “cây nhà lá vườn” và đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào La Masia để làm mới đội bóng, tạo một nguồn năng lượng mới, động lực mới ở CLB. Tuy nhiên quá trình ấy sẽ mất nhiều thời gian, bởi chướng ngại lớn nhất của nó chính là sức ép danh hiệu hàng năm của CLB.
Barca cần thực hiện một cuộc thay máu lực lượng
Sự sa sút khó tránh
Có một thực tế là lò đào tạo trẻ nào cũng sẽ trải qua một giai đoạn thoái trào về sự nghiệp của sản phẩm đầu ra (chứ không phải chất lượng của sản phẩm đầu ra). Lý do rất đơn giản, một khi đã đôn lên đội hình chính những con người tinh tú nhất của đội trẻ và gắn bó với họ trong một thời gian dài, những tài năng tiếp theo sẽ phải đi tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Thiago Alcantara là ví dụ điển hình của sự thoái trào đó ở La Masia. Với Xavi, Iniesta và Busquets luôn chiếm lĩnh hàng tiền vệ Barca và chưa có dấu hiệu thoái vị để trao “kiếm ấn” cho thế hệ sau, Thiago không còn đủ kiên nhẫn để chờ. Bước đi sang Bayern Munich thể hiện sự thiếu cơ hội mà đội 1 Barcelona mang lại, và đó là điều không tránh được vì đội hình ấy đã đoạt quá nhiều cúp nên nó sẽ không bị thay đổi cho tới khi nào bắt đầu xuống dốc. Đó là câu chuyện đang xảy ra với Sergi Roberto, người vẫn chưa được kiểm chứng bởi Xavi vẫn còn ở đó và không dễ để anh được trao cơ hội.
Trường hợp của La Masia cũng giống như đội trẻ nổi tiếng của Ajax thập niên 1970. Với những Sjaak Swart và Johan Cruyff chiếm lĩnh sân khấu, Ajax thành công trong nhiều năm nhưng bắt đầu sa sút vào năm 1973 khi để cho Feyenoord và sau đó là PSV Eindhoven áp đảo ở giải VĐQG. Phải đến đầu thập niên 1980, thế hệ mới của Ajax với Marco Van Basten và Frank Rijkaard mới lại đưa Ajax trở lại vị thế năm xưa.