Premier League: Lò luyện sao số 1 thế giới
Đừng nghĩ rằng nếu các siêu sao lớn không chọn Premier League thì có nghĩa là giải đấu này đã xuống giá. Premier League thực tế chưa bao giờ là nơi mua siêu sao.
Premier League không hút siêu sao
Nỗi sợ lớn nhất với những người làm bóng đá ở Anh lúc này, đó là sự tràn ngập của cầu thủ ngoại. Chỉ 38% số cầu thủ đang thi đấu ở Premier League đủ điều kiện để gia nhập đội tuyển của HLV Roy Hodgson cho World Cup 2014. Không thể có con số nào đáng lo ngại hơn.
Thậm chí mùa sau, tỷ lệ ấy có thể thấp hơn. Sau khi thị trường chuyển nhượng hè 2013 đóng cửa, 20 CLB ở giải Ngoại hạng đã mua 252 cầu thủ. 119 người trong số đó đến từ nước ngoài, và số cầu thủ nội địa đã giảm xuống chỉ còn chiếm 29% trong tổng số 518 người có hợp đồng thi đấu tại Premier League.
Bale vừa được "xuất khẩu" sang Liga
Các CLB thực ra có lý do rất chính đáng: các tài năng bản địa thường bị đánh giá quá cao và dễ bị giới “cò” hét giá, trong khi tài năng ngoại quốc rẻ hơn và có triển vọng hơn. Nhưng điều đáng nói là không một ai trong số đó được đánh giá là thuộc đẳng cấp siêu sao.
Tất cả những ngôi sao lớn hiện đang tránh mặt các CLB Anh. Neymar tới Barcelona, Falcao đã ở Monaco. Edinson Cavani sang Paris Saint-Germain sau khi từ chối Chelsea. Robert Lewandowski từ chối những lời mời của M.U, và David Villa, dù không phải siêu sao nhưng vẫn là một cầu thủ lớn, chọn Atletico Madrid.
Tổng kết chuyển nhượng hè 2013, các CLB Anh đã chi tới hơn 630 triệu bảng để mua sắm cầu thủ, phá kỷ lục của kỳ chuyển nhượng năm 2008/09 (500 triệu bảng). Nhưng các fan của NHA vẫn khó có thể hào hứng với những bản hợp đồng mới, bởi rất ít các ngôi sao top đầu đến với đội bóng của họ.
Willian, Roberto Soldado, Erik Lamela, Jesus Navas, Stevan Jovetic, Alvaro Negredo, Andre Schurrle, Christian Eriksen, Paulinho và Fernandinho…đã tới Anh. Những con người này đều không phải hạng xoàng, nhưng họ cũng chẳng có trình độ ở mức mà buộc một CLB phải xây dựng cả đội bóng xung quanh mình. Premier League có vẻ khô cằn trong mắt những “lính đánh thuê” hạng sang.
Nhưng biết cách tạo nên ngôi sao
Đấy là những gì người ta nói, còn thực tế đôi lúc không đúng. Premier League thực sự chưa bao giờ là nơi những ngôi sao bóng đá hàng đầu được mua về, chưa bao giờ như vậy cả. Trái lại, đó lại là giải đấu tạo ra những ngôi sao hàng đầu.
Ronaldo chỉ là "ngọc thô" khi mới đến MU
Premier League là nơi làm nên tên tuổi của Cristiano Ronaldo, Cesc Fabregas, Juan Mata, David Silva, Van Persie, Van Nistelrooy, Thierry Henry, Patrick Vieira, Dennis Bergkamp, Robert Pires và Freddie Ljungberg… Khi họ đến, họ chưa phải là ngôi sao, nhưng khi một vài người trong số đó đi, họ đã là siêu sao.
Chỉ có một số ít siêu sao đã thành danh đến với Premier League. Andriy Shevchenko, Hernan Crespo, Juan Veron, Marc Overmars, Jurgen Klinsmann, Gianfranco Zola, hay ở một góc độ nào đó là Eric Cantona. Cantona, Zola, Klinsmann và Overmars thành công, và cả 4 người đều đến với Premier League trong giai đoạn giá trị chuyển nhượng của cầu thủ còn chưa bùng phát như hiện nay.
Các CLB Anh đã và đang nghiêm túc với tình hình kinh tế hiện nay và họ sẽ không dễ dàng nhảy vào những cuộc “chạy đua vũ trang” mà thậm chí ngay cả khi rất giàu họ chưa chắc đã thắng, bởi phong cách bóng đá Anh không dễ gì hòa nhập được. Manchester City dù giàu cũng biết cái bất lợi của mình và họ dù sao chỉ cần mua những cầu thủ cho những vị trí cần tu bổ.
Cái giả thuyết rằng Premier League đang kém hấp dẫn, nếu được rút ra chỉ bằng những mẩu tin rằng sao này sao kia đang chọn giải đấu khác chứ không phải giải Ngoại hạng, thực ra chẳng đúng chút nào. Premier League không mua sao, nhưng họ luôn biết tạo sao.