Phó TT Vũ Đức Đam: VFF cần lấy lại niềm tin của người dân
"Người hâm mộ có tới hàng chục triệu người và họ không bao giờ quay lưng với bóng đá. Khi họ còn bày tỏ sự không đồng tình nghĩa là còn quan tâm tới bóng đá...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chiều nay (25.3), BCH VFF khóa VII đã có buổi gặp mặt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ VFF, Phó Thủ tướng nói: "Bóng đá không chỉ là thể thao mà còn thể hiện tinh thần dân tộc. Đó là lý do bóng đá được toàn xã hội quan tâm và VFF cần nhận thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mình khi mang theo kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ. Trong những năm qua, công luận không hài lòng về thành tích của các đội tuyển. BCH VFF khóa VII cần mạnh dạn đổi mới triệt để, lấy lại niềm tin của người dân".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh từ internet.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "VFF cần có chiến lược khoa học, bài bản phát triển bóng đá phong trào trong đó có bóng đá học đường, đào tạo bóng đá trẻ đối với cả nam và nữ. Người hâm mộ có tới hàng chục triệu người và họ không bao giờ ngoảnh mặt lại. Khi họ còn bày tỏ sự không đồng tình nghĩa là còn quan tâm tới bóng đá... Hãy cố gắng làm sao cho BĐVN tốt lên, xứng đáng với kỳ vọng của công chúng”.
Trước đó, tại Đại hội VFF, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cũng đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Bộ trưởng khẳng định: "Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một văn bản rất quan trọng, mở ra nhiều thuận lợi để bóng đá phát triển. Trong điều kiện kinh tế suy thoái, VFF vẫn duy trì được hoạt động và tiếp tục có những tìm tòi, thử nghiệm mở rộng tổ chức, bộ máy, phát triển thêm các tổ chức thành viên, tăng cường nhân sự cho hoạt động của Liên đoàn. Công tác đối ngoại của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được mở rộng. VFF đã nâng cao được uy tín trong các hoạt động bóng đá quốc tế; đóng vai trò là tổ chức thành viên tích cực của FIFA, AFC, AFF…"
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế của VFF và bóng đá Việt Nam những năm qua: "Trình độ chuyên môn của các đội tuyển bóng đá quốc gia, đặc biệt là bóng đá nam chưa đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng của xã hội; mô hình quản lý, điều hành hoạt động bóng đá chuyên nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đạt được hiệu quả cao; công tác đào tạo lực lượng trẻ kế cận ở nhiều nơi còn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức... niềm tin của những người hâm mộ bóng đá đã bị suy giảm... BCH VFF nhiệm kỳ VII phải tìm ra giải pháp, khắc phục hạn chế, yếu kém, vực dậy tinh thần, đồng tâm hành động để lấy lại niềm tin của người hâm mộ đối với Bóng đá Việt Nam".
Bộ trưởng đề nghị VFF tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bóng đá Việt Nam, tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, điều hành hoạt động thi đấu bóng đá, nhất là bóng đá chuyên nghiệp; việc thực hiện Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở hoạch định phát triển của bóng đá Việt Nam.
2) Chủ động nghiên cứu, tham mưu với nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách phát triển bóng đá phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển trong gian đoạn mới. Cải tiến lối làm việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên đoàn. Coi đó là khâu đột phá của nhiệm kỳ này.
3) Tăng cường chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các đội tuyển bóng đá quốc gia để giành được thành tích cao ở khu vực và châu lục trong những năm tới, đặc biệt, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia để tham gia thi đấu thành công, đạt được mục tiêu đề ra tại Vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá nữ Châu Á năm 2014.
4) Quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo trẻ để chuẩn bị lực lượng cầu thủ kế cận, đồng thời quan tâm đào tạo đội ngũ huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt để đảm nhận được nhiệm vụ đào tạo lực lượng trẻ kế cận, tạo bước đột phá về thành tích của các đội tuyển trẻ quốc gia.
5) Triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đẩy lùi những hành vi tiêu cực, bạo lực trong thi đấu bóng đá; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Thi đấu, Điều lệ và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.