HLV Erik Ten Hag đã chính thức rời khỏi băng ghế huấn luyện Man United. Nhiều người nhớ lại câu chuyện Cristiano Ronaldo “tiên tri” về ông thầy người Hà Lan ở cuộc phỏng vấn của Piers Morgan 2 năm về trước.
Trong bài phỏng vấn vạch trần nhiều vấn đề nội bộ của Man United với nhà báo Piers Morgan cuối năm 2022, siêu sao người Bồ Đào Nha đã thẳng thắn thừa nhận một trong những nguyên nhân khiến đội chủ sân Old Trafford chìm sâu vào khủng hoảng chính là năng lực cầm quân bị nghi ngờ của ông thầy người Hà Lan. Theo Ronaldo chia sẻ, Ten Hag bị đánh giá không đủ khéo léo để dẫn dắt một đội bóng lớn với nhiều ngôi sao như Man United và không thể cạnh tranh được với các đối thủ như Man City hay Liverpool ở cả Ngoại hạng Anh lẫn Champions League.
Câu chuyện 2 năm trước của Ronaldo dù sao cũng chỉ là góc nhìn cá nhân của một ngôi sao một thời lừng danh ở MU. Còn trên thực tế, các dữ liệu về Ten Hag ở Old Trafford đã cho thấy việc ông bị thôi việc không phải là điều bất ngờ.
Sau 128 trận dẫn dắt “Quỷ đỏ”, chiến lược gia 54 tuổi để lại những kỷ lục đáng buồn cho lịch sử hào hùng của đội bóng vĩ đại nhất nước Anh. Sau 9 trận đấu mùa này, Manchester United đang xếp thứ 14, hiệu số bàn thắng bại (- 3) và vẫn chưa đối đầu với các đội Manchester City, Arsenal hay Chelsea.
Đây chưa phải là khởi đầu tệ nhất của United, bởi vào năm 2019, họ chỉ có 10 điểm trong mùa giải đầu tiên của Ole Gunnar Solskjaer. Tuy nhiên, các thông số chuyên môn đều cho thấy Ten Hag là HLV có thành tích thống kê kém cỏi trong lịch sử nửa đỏ thành Manchester, nguyên nhân thực sự để ông phải dừng lại cuộc chơi ở Old Trafford.
Điểm số thấp kỷ lục
Nguyên nhân đầu tiên khiến ban lãnh đạo “Quỷ đỏ” hết kiên nhẫn với Ten Hag, chính là hiệu quả từ các trận đấu của đội bóng. Dưới thời Ten Hag, MU có điểm số trung bình trên 1 trận đấu thấp gần chót bảng xếp hạng các HLV từ thời Sir Alex Ferguson (tổng cộng 6 người, Ten Hag xếp 5/6).
Theo cơ sở dữ liệu của Stats Perform tính bắt đầu từ mùa giải 2008/09 của Premier League, MU dưới thời Ten Hag chỉ đạt 1.7 điểm trung bình 1 trận đấu, xếp áp chót trong tổng số 6 HLV từng dẫn dắt “Quỷ đỏ”. Trong một mùa giải 38 trận, 1,7 điểm mỗi trận sẽ kém theo tổng số điểm khoảng 65 điểm, con số chưa đủ để đội bóng lọt vào Top 4, chứ đừng nói đến việc đua ngôi vô địch ở giải đấu cạnh tranh khắc nghiệt như Ngoại hạng Anh.
Số điểm trung bình mỗi trận của 6 HLV MU từ năm 2008 (Ảnh: Opta)
Trong khi đó, đội bóng của Sir Alex Ferguson chưa từng giành ít hơn 75 điểm/mùa, đạt hiệu số cao kỷ lục 2.28 điểm/trận.
Xếp tiếp theo là 2 mùa giải của Jose Mourinho cũng không bao giờ dưới 69 điểm, đạt 1.89 điểm trung bình/trận. Xếp thứ 3, Ole Gunnar Solskjaer đạt 68.78 điểm, trung bình 1.81 điểm/trận. Louis van Gaal đứng thứ 4, 66 điểm (trung bình 1.79 điểm/trận). Ten Hag đứng thứ 5 trong danh sách với 1.70 điểm/trận, chỉ hơn David Moyes (đạt trung bình 1,68 điểm mỗi trận và ông bị sa thải sau 34 trận đấu).
Phòng ngự kém, thủng lưới nhiều hơn ghi bàn
Sau gần 3 năm nắm quyền tại Old Trafford, Ten Hag được chi tổng cộng 616 triệu bảng Anh để nâng cấp đội hình. Nhưng hàng thủ "Quỷ đỏ" lại ghi nhận số bàn thua cao kỷ lục, bởi vấn đề lớn nhất trong thời kỳ của Ten Hag là MU để đối thủ ghi bàn khá dễ dàng. Rất nhiều trận, các đội bóng tầm trung, đội yếu ở Ngoại hạng Anh cũng “bắt nạt” được đội chủ sân Old Trafford. Cụ thể, đội quân của chiến lược gia người Hà Lan nhận về trung bình 1.33 bàn thua một trận đấu, xếp bét bảng khi so sánh với 5 đời HLV còn lại.
Trung bình số bàn thua dưới thời 6 HLV ở MU từ năm 2008 (Dữ liệu: Opta)
Một đội mạnh luôn luôn phải được xây chắc từ hàng thủ đi lên, dưới thời Sir Alex, con số này chỉ là 0.87 bàn/trận, tỉ lệ tăng đáng mơ ước so với thời của Ten Hag. Trong 5 mùa giải Premier League gần đây, đội xếp thứ 10 của giải trung bình để thủng lưới 50,4 bàn mỗi mùa. Nhưng qua hơn 2 mùa của Ten Hag, United có phần tệ hơn một chút với tỷ lệ đá 38 trận, bị thủng lưới tới 50,5 bàn.
Lý do khiến hàng thủ MU tệ hại cũng khá đơn giản. Dưới thời Ten Hag, họ để đối thủ có nhiều cơ hội dứt điểm hơn và tạo ra số tình huống nguy hiểm đe dọa cầu môn đội nhà cao hơn bất kỳ huấn luyện viên nào trước đó. Trung bình mỗi trận trong tay HLV Ten Hag, “Quỷ đỏ” nhận tới 1.33 bàn thua. Thêm vào đó, họ để đối thủ có 30 lần chạm bóng trong khu vực 16m50 mỗi trận, trong khi kỷ lục tệ nhất của MU trước thời Ten Hag là 21 lần mỗi trận như giai đoạn Solskjaer cầm quân.
Hàng thủ của Man United luôn bị đặt dưới tình trạng báo động mỗi khi đối phương tổ chức tấn công. Họ dường như không thể phong tỏa tốt được các mũi nhọn tấn công, do để đội bạn tung ra quá nhiều cú dứt điểm về phía cầu môn. Cộng với khả năng pressing kém, dẫn đến lỗ hổng phía sau rất lớn, nhiều trận có cảm giác như chỉ cần đối phương sút trúng khung thành là MU sẽ thủng lưới.
Bàn thắng ít ỏi
Một sự đánh đổi lớn khác giữa phòng ngự và tấn công là việc chấp nhận những vấn đề ở hàng thủ để tập trung ưu tiên ghi nhiều bàn thắng hơn. Barcelona là CLB làm điều này tốt nhất ở châu Âu, khi dưới thời Hansi Flick, họ đẩy cao đội hình và thường xuyên bị ghi bàn, nhưng bù lại hàng tấn công của họ làm quá tốt nhiệm vụ bù đắp cho hàng thủ. Tại La Liga sau 10 trận đã đấu, Bragana ghi được 37 bàn, thủng lưới 10, đạt hiệu số 27, cao nhất giải đấu, gần gấp 3 lần so với đại kình địch Real Madrid. Điều này giúp họ trở thành một trong những đội mạnh nhất thế giới khi chấp nhận những rủi ro ở hàng thủ.
Số bàn thắng kỳ vọng của các đội Ngoại hạng Anh 2024-25 (Ảnh: Opta)
Nhưng MU không thể làm được điều đó. Không chỉ hàng thủ có sự suy yếu dần dưới thời Ten Hag, MU còn không có sự cải thiện đáng kể nào ở mặt trận tấn công. Trong mùa đầu tiên của Ten Hag, MU khá may mắn khi kết thúc ở vị trí thứ 3 trên BXH Ngoại hạng Anh.
Xét về chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG), một dữ liệu dùng để đánh giá hiệu suất ghi bàn của một đội bóng. Chỉ số xG càng cao, khả năng ghi bàn của tình huống đó càng lớn. Theo đó ở chỉ số này, MU xếp thứ 6 ở mùa giải 2022/23 và thứ 15 mùa giải tiếp theo 2023/2024. Mặt khác, các học trò của Ten Hag chỉ đạt trung bình chỉ số xG là 1.43 mỗi trận, thấp hơn so với mức 1.46 của Van Gaal, 1.62 thời Mourinho, 1.65 thời David Moyes, 1.79 thời Solskjaer và tất nhiên kém xa con số 2.14 của Alex Ferguson.
Mùa giải này, khả năng dứt điểm của MU đặc biệt kém. Khoảng cách giữa số bàn thắng kỳ vọng và số bàn thắng thực tế của họ là lớn nhất tại Premier League sau 9 trận. Dù đã tính đến sự kém hiệu quả này, “Quỷ đó” vẫn có hiệu số bàn thắng kỳ vọng âm mùa này, và tổng điểm số kỳ vọng cũng chỉ giúp họ xếp thứ 10.
So sánh với 5 huấn luyện viên trước đó của United: Đội của Ten Hag chỉ tạo ra 50,7% bàn thắng kỳ vọng. Nói cách khác, mỗi trận đấu của họ như sự đặt cược cho kết quả 50-50, 50% cho chiến thắng và còn lại là khả năng thất bại trước các đối thủ.
Lối chơi pressing kém hiệu quả
Khi Ten Hag đến Old Trafford từ Ajax, báo chí Anh đã mô tả ông là một HLV nổi tiếng với lối chơi tấn công hấp dẫn. Trong buổi tập đầu tiên, Ten Hag cũng tuyên bố: "Chúng tôi muốn pressing, pressing suốt cả ngày và chơi thứ bóng đá chủ động". Sau hơn hai mùa giải, pressing của MU vẫn không xuất hiện.
Chỉ số để đo lường mức độ tích cực trong việc pressing (PPDA)
Để đánh giá mức độ pressing của một đội bóng, chúng ta có thể sử dụng chỉ số PPDA (Passes allowed Per Defensive Action). Chỉ số này phản ánh sự tích cực của đội trong việc gây áp lực lên đối thủ. Cụ thể, PPDA tính toán số lượng đường chuyền mà đối phương được phép thực hiện trước khi đội bóng thực hiện một hành động phòng ngự, như tắc bóng, đánh chặn, phạm lỗi hoặc chặn đường chuyền, ở khu vực ngoài 1/3 sân phòng ngự của mình.
Dưới thời HLV Erik Ten Hag, chỉ số PPDA của MU đạt gần 0.82, cao hơn bất kỳ huấn luyện viên nào trước đó. Điều này cho thấy lối chơi áp sát của Ten Hag không phát huy hiệu quả như mong đợi. Chỉ số PPDA cao cho thấy đội bóng thực hiện ít tình huống pressing hoặc pressing không hiệu quả, dẫn đến việc đối thủ có nhiều cơ hội chuyền bóng hơn trước khi bị ngăn chặn.
Kiểm soát bóng
Vấn đề cốt lõi của thời kỳ Ten Hag là họ không tìm ra cách kiểm soát bóng với đội hình hiện có. Mỗi câu lạc bộ lớn đều có một kế hoạch để kiểm soát bóng, giữ bóng, và sử dụng hiệu quả cách cầm bóng để tạo ra các cơ hội nhiều hơn đối thủ.
Tỷ lệ kiểm soát bóng dưới thời các HLV từ năm 2008 (Ảnh: Opta)
Thông thường, các HLV thành công đều đã xây dựng được phong cách rõ ràng trước năm thứ ba, những điều dễ nhận biết về đội bóng của họ đã làm tốt hay chưa. Các HLV như Jurgen Klopp (Liverpool), Pep Guardiola (Man City), và Mikel Arteta (Arsenal) đều đã có phong cách chơi rõ ràng ở 1-2 mùa đầu họ đến làm việc ở đội bóng mới, trước khi đạt đến đẳng cấp cao nhất.
Với Ten Hag, không chỉ là không có kết quả ở MU, mà ông không có dấu hiệu khả quan cho thấy đang xây dựng một lối chơi ổn định ở Old Trafford. Sau mỗi trận đấu, “Quỷ đỏ” lùi dần, lùi dần, như biến thành “cừu non” ốm yếu, để rồi các ông chủ MU không thể chịu đựng nổi và Ten Hag đã chính thức bị sa thải.
Nguồn: [Link nguồn]