Phía sau ước mơ của cầu thủ U19 Việt Nam
Những hiệu ứng từ U19 Việt Nam không thể cứu được cả nền bóng đá đã “chạm đáy”, nhưng ít nhiều nó đang mang đến những hy vọng, niềm tin cho người hâm mộ vào lúc này.
Từ nỗi buồn bóng đá nội
Hôm 15/3, ông Tanaka Koji chính thức được VPF giới thiệu trong vai trò Trưởng Ban tổ chức V-League 2014. Và chuyên gia người Nhật này đã có chuyến “vi hành” đầu tiên ở sân Gò Đậu để theo dõi trận đấu giữa chủ nhà B.Bình Dương và QNK Quảng Nam diễn ra chiều qua.
Trận đấu giữa đội bóng đất Thủ và QNK Quảng Nam đã diễn ra khá hấp dẫn với tổng cộng 7 bàn thắng được ghi. Có điều, dù gần như dự đoán được đội chủ nhà sẽ có chiến thắng tưng bừng và trận đấu này cũng diễn ra chiều Chủ nhật, nhưng các khán đài sân Gò Đậu hôm qua lại không được lấp kín như mọi khi.
Ông Tanaka Koji (phải) trên khán đài sân Gò Đậu
Ở phía khán đài B, Hội cổ động viên chủ nhà vẫn tổ chức múa rồng, đánh trống, thổi kèn cùng dàn hot girl nhảy múa và cổ vũ khá cuồng nhiệt. Còn ở khu vực khán đài C dành cho đội khách, số CĐV xứ Quảng không đông bằng fan chủ nhà nhưng cũng thể hiện tinh thần hết mình với đội nhà trong suốt 90 phút trận đấu. Nhưng dù thế nào, sân Gò Đậu với sức chứa khoảng 22.000 chỗ ngồi chiều qua vẫn còn rất nhiều ghế trống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban tổ chức sân Gò Đậu đã bán vé trở lại (dù mức giá vé khá thấp) chứ không mở cửa tự do như trước nữa là nguyên nhân chính khiến các khán đài thưa thớt đến thế. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi sau khi trận đấu kết thúc, ông Tanaka Koji giải thích rằng có thể chất lượng chuyên môn các trận đấu ở V-League chưa thật sự cao, cùng với những scandal bạo lực trong thời gian qua nên chưa thể lôi kéo nhiều người hâm mộ đến sân.
“Bóng đá Việt Nam để bóng chết nhiều quá, các tình huống đó sẽ làm khán giả nhàm chán và dẫn đến chuyên môn chưa cao. Cầu thủ Việt Nam đá nhiều pha phức tạp không cần thiết, bóng đá hiện đại chỉ cần đá đơn giản nhưng hiệu quả, có nhiều cầu thủ cố ý đá bóng khó và giảm đi tính hiệu quả”, ông Tanaka Koji nói.
Các trận đấu ở giải bóng đá nữ VĐQG diễn ra trong tình cảnh các khán đài không một bóng người
Cũng trong chiều qua, sân Pleiku chỉ có khoảng chưa đến 5000 người hâm mộ tới cổ vũ đội nhà HAGL trong cuộc tiếp đón HV An Giang. Một đồng nghiệp của chúng tôi tại Pleiku cho biết, do trận đấu giữa HAGL và HVAG diễn ra cùng thời điểm với cuộc đọ sức giữa U19 HAGL và U19 Viettel tại Trung tâm huấn luyện thể thao Hàm Rồng nên người hâm mộ phố Núi đã kéo nhau lên cả Hàm Rồng để cổ vũ thầy trò HLV Đinh Hồng Vinh. Đó được cho là lý do chính khiến sân Pleiku khá vắng vẻ, dù ai cũng có thể đoán trước 3 điểm khó thoát khỏi tay đội bóng nhà bầu Đức.
Đến giấc mơ bóng đá Việt sôi động như ngoại hạng Anh
Mới đây, khi được dự khán trận đấu giữa chủ nhà Stoke City và West Ham ở vòng 30 giải ngoại hạng Anh, tiền vệ Đức Huy không khỏi chạnh lòng và thốt lên: “Em ước sao các sân bóng ở Việt Nam lúc nào cũng chật kín và người hâm mộ cuồng nhiệt như thế này…”. Quá khập khiễng nếu so sánh các trận đấu của giải đấu được coi là số một hành tinh như giải ngoại hạng Anh với các trận đấu ở Việt Nam.
Làm thể nào để kéo được người hâm mộ đến sân là câu hỏi khó với những người làm bóng đá Việt Nam
Các cầu thủ U19 Việt Nam đã từng khiến người hâm mộ “rồng rắn”, chen lấn nhau mua vé vào sân Thống Nhất trong dịp giải U19 Quốc tế diễn ra hồi tháng 1. Những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam từng hy vọng, với những hiệu ứng từ U19 Việt Nam ấy, người hâm mộ sẽ càng đến sân đông hơn.
Nhưng chỉ không lâu sau đó, cũng trên sân Thống Nhất, lượt đi giải bóng đá nữ vô địch quốc gia đã diễn ra không thể “lặng lẽ” hơn khi số người hâm mộ trên các khán đài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các trận đấu ở V-League 2014 đã thưa thớt dần và mới nhất là các trận đấu ở giải hạng Nhất, rồi cả Cúp Quốc gia cũng diễn ra trong tình cảnh các khán đài vắng như “chùa Bà Đanh”. Ngay cả trận đấu của ĐTQG trước Hong Kong ở vòng loại Asian Cup diễn ra trên sân Mỹ Đình cũng không thể kéo được người hâm mộ đến sân.
Trong buổi lễ ký kết tài trợ cho giải hạng Nhất quốc gia 2014, bầu Thắng bảo: “Bóng đá Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề. Bây giờ, nghe đến bóng đá Việt Nam là các nhà tài chợ sợ đến nỗi “chạy mất dép”, huống chi người hâm mộ.”
Trước đó, ông quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng nói rằng bóng đá Việt Nam đã “không thể tệ hơn” được nữa nên cái ghế Chủ tịch VFF chẳng thơm tho gì… Không lẽ, bóng đá xứ mình giờ lại tệ đến vậy sao và niềm hy vọng của cả một nền bóng đá chỉ còn đặt vào một lứa cầu thủ trẻ của bầu Đức? Câu hỏi nhiều năm chưa có lời giải đang chờ những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam "mổ xẻ" kỹ hơn để tìm giải pháp thực hiện, thay vì những phát biểu kiểu "hứa rồi để đấy" khiến người hâm mộ chán ngán.