Phía sau cơn sốt U19 Việt Nam
Cơn sốt U19 Việt Nam đã tạm lắng xuống để trả lại những tháng ngày yên ả trên Hàm Rồng (Gia Lai) trước khi lứa cầu thủ này tham dự Vòng chung kết U19 châu Á. Đã rất nhiều người “giải mã” về cơn sốt đấy, nhưng điều quan trọng là sau cơn sốt đấy bóng đá Việt Nam thu hoạch được gì?
* Bóng đá không “chết” và khán đài không nguội lạnh
9 ngày ăn bóng đá ngủ bóng đá ở giải U19 Đông Nam Á - Cúp Nutifood đã đưa người hâm mộ và cả giới chuyên môn trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.
So với trận chung kết SEA Games 22 – 2003, hay lượt về chung kết AFF Cup 2008 thì sức sống U19 trên sân Mỹ Đình lớn hơn và cuồng nhiệt hơn. Điều mà ngay chính những nhà tổ chức cũng không thể ngờ được khi ban đầu còn tính chỉ bán vé ở hai khán đài A và B, nhưng sau đó thì… sập tường ở VFF, rồi cảnh khán giả quá sức chứa ở Mỹ Đình.
Sức hút U19 Việt Nam nằm ở chỗ nét mới lạ của một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản và tử tế. Một thế hệ mà hiện giờ các em vẫn còn đang học, đang hoàn thiện nhưng nền tảng thì lại tạo được niềm tin lớn bởi sự vô tư, hồn nhiên với sức sống từ những đôi chân mang đến nhiều yếu tố bất ngờ.
U19 Việt Nam giúp NHM sống lại cảm giác cuồng nhiệt vì bóng đá tưởng như đã nguội lạnh bấy lâu nay
Một lần nữa sức sống U19 lại khẳng định bóng đá không “chết” và khán đài không nguội lạnh, chỉ cần các cầu thủ đá hết mình, đá thật và đá có hồn như những điều các em U19 đã và đang làm.
Qua AFF - Cúp Nutifood lại mở ra cho chính những nhà làm bóng đá nhiều bài học. Nó không chỉ là chuyện bán vé làm khán giả bất bình, hay chuyện bức tường đổ sập mà là cả một chiến lược làm bóng đá và đầu tư cho bóng đá mà thay cho việc dậm chân tại chỗ của VFF là cách làm năng động của những người yêu bóng đá.
Khen bầu Đức thì có quá nhiều người khen rồi. Thậm chí là còn mang ơn ông bởi trong tình hình nhiều khó khăn, nhiều bực bội trong cuộc sống mà được vui với đám trẻ, được quên hết nhọc nhằn và được tề tựu cùng nhau hát vang quốc ca một cách sung sướng giữa sân Mỹ Đình đã là hạnh phúc lớn lao.
Bên cạnh đó còn phải khen những lò đào tạo bị “mất tiếng” nhưng đóng góp quân số khiêm tốn làm phong phú cho lứa U19 như Hà Nội T&T, như SL Nghệ An, hay SHB Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Bên cạnh những lời khen tặng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… cá nhân tôi rất cảm phục những cầu thủ không được ăn bóng đá, ngủ bóng đá trong môi trường tốt của HAGL – Arsenal JMG mà lại hòa nhập cực tốt như tiền vệ Phan Văn Long, tiền vệ Quang Hải, như trung vệ Tiến Dũng…
Chính họ là những cầu thủ trẻ vừa được hưởng thành quả chung từ lò đào tạo đến từ Arsenal lại vừa là người tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh và làm mới một U19 chỉ thiên về tấn công một cách hồn nhiên như lập trình.
Để có được điều này còn phải cảm ơn bầu Đức và thầy “Giôm” là những người đã biết hy sinh cái riêng cho sự nghiệp chung và cho cái tên U19 Việt Nam.
* Bóng đá VN không thể sống mãi với một lò đào tạo
Dài dòng một tí như trên không phải để tìm sự công bằng mà để muốn nhắc đến một vấn đề rất lớn sau cơn sốt U19, đó là hệ thống đào tạo của bóng đá Việt Nam mà ở đây điều muốn nhắn nhủ nhất chính là VFF – cơ quan điều hành bóng đá và được rất nhiều ưu ái từ nhà nước lẫn được thừa hưởng di sản rất lớn từ tấm lòng của người hâm mộ với bóng đá.
Hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi nếu đây là giải do VFF đơn thân tổ chức thì người hâm mộ có đến và có ủng hộ mạnh mẽ như thế không?
Chắc chắn là không! Rõ nhất là trận tuyển Việt Nam – Hong Kong trên sân Lạch Tray đúng một ngày sau khai mạc AFF – Cúp Nutifood.
Thế thì vì sao U19 khi kết hợp với Nutifood đi đến đâu thì người hâm mộ lại lũ lượt xếp hàng mua vé đến đấy.
Ngày công bố nhà tài trợ của U19 HAGL – Arsenal JMG tại TP.HCM, tôi có hỏi nhà tài trợ Nutifood rằng việc tài trợ này là cho U19 Việt Nam, hay U19 HA Gia Lai thì ông Lê Hùng Dũng lấy micro trả lời thay “Tất nhiên là cho U19 Việt Nam”.
Đó không phải là câu trả lời đúng bởi tôi tin nếu để ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood, Trần Thanh Hải trả lời thì ông sẽ trả lời đúng với sự thật là tài trợ U19 HAGL – Arsenal JMG.
Kể câu chuyện trên để thấy ngay cả cái cách những nhà tài trợ đi tìm đối tác họ cũng lựa chọn và cũng gửi gắm niềm tin và niềm tin đấy đã được đặt đúng chỗ.
Bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn một lứa U19 tài năng như thế này
Vì sao từ người hâm mộ đến nhà tài trợ đều đặt niềm tin vào những cầu thủ không nằm trong hệ thống đào tạo của VFF mà lại đi tìm cái riêng, tìm đến những tư nhân làm bóng đá một cách tử tế?
Vì sao những lò đào tạo khi góp quân cho U19 Việt Nam, dù họ rất ít được ghi nhận nhưng vẫn luôn sẵn sàng cống hiến và tin tưởng khi cầu thủ mình được đến và được sống, được thở trong môi trường tốt?
Chỉ mới niềm tin đấy đã tạo nên sức sống của U19 Việt Nam, dù ở đội bóng đấy còn nhiều việc phải làm. Sự tung hô dễ làm quên đi nhiều mặt tồn tại về chuyên môn, như hệ thống phòng thủ, như sự hoàn thiện trong lối chơi cần bớt tính cá nhân để thực tế hơn và tập đi đánh trận nhiều hơn…Tuy nhiên bấy nhiêu trong cơn sốt 9 ngày qua đã là tiền đề tốt cho một cách làm bóng đá.
Một nền bóng đá không thể sống mãi với một lò đào tạo, nhưng từ lò đào tạo đấy có thể nhân rộng ra nhiều lò đào tạo làm phong phú cho nền tảng của một nền bóng đá.
Sau bầu Đức chắc chắn nhiều ông bầu cũng đã và sẽ nghĩ đến chuyện mở học viện, chuyện chăm chút cho công tác đào tạo và hy vọng họ không bị mất lửa bởi chính những nhà điều hành bóng đá vốn hay làm những người làm bóng đá tử tế mất lửa và chán nản.
Video CĐV nhuộm đỏ sân Mỹ Đình cổ vũ U19 VN: