Phía sau các vụ bán độ: Cầu thủ VN không thiếu tiền
Hồi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng làm Giám đốc điều hành đội Ngân hàng Đông Á, ông là người đầu tiên khai sinh ý tưởng tạo mức lương thật cao cho cầu thủ để họ ý thức với giá trị nghề nghiệp và an tâm cống hiến.
Hệ quả của thời “ném chuột không để vỡ bình”
Điều đầu tiên ông Dũng làm được khi ấy là nâng mức lương cho Lê Huỳnh Đức lên 25 triệu đồng/tháng. Một mức thu nhập rất cao so với các cầu thủ khác chỉ vài triệu đồng một tháng. Vài năm sau khi làm Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Lê Hùng Dũng đã đột phá vào mức thưởng lớn kỷ lục đó là 5 tỷ cho chức vô địch SEA Games 2005 cùng những khoản thưởng lớn trong từng giải đoạn…
Cả hai ý tưởng đột phá vào tiền lương và tiền thưởng mà ông Dũng nghĩ rằng sẽ tạo ra được mặt tích cực trong bóng đá chuyên nghiệp đều gãy. Khi mà cầu thủ đã được chăm chút đã có nhiều tiền, rồi lại còn muốn kiếm nhiều hơn qua những đồng tiền phạm pháp. Rõ nhất là SEA Games 2005 đấy một nhóm cầu thủ ngoài việc phấn đấu vô địch để lĩnh thưởng của VFF vẫn đánh lẻ để lĩnh thưởng của những tay trùm cá độ.
Bản chất của các vụ án mua bán độ từ thời năm 1997 liên quan đến các cầu thủ Hải Quan đến năm 2001 ở mùa V-League đầu tiên, rồi 2005 dính đến nhóm cầu thủ U23 Việt Nam, năm 2014 là gần một đội hình Vissai Ninh Bình và mới đây là các cầu thủ Đồng Nai, đó là ai cũng có chung một suy nghĩ nếu làm mạnh, làm hết thì tróc gốc bóng đá Việt Nam.
Năm 1997 vụ các cầu thủ Hải Quan bị xã hội đen dọa cắt gân nếu không giữ đúng hợp đồng, khi cơ quan điều tra TP.HCM lần ra thì các cán bộ điều tra giật mình vì lây lan đến các đội Hải Phòng, CA Hà Nội, Lâm Đồng và thậm chí là cả đội CA TP.HCM… Cuộc làm việc giữa cơ quan điều tra và VFF khi đấy đứng đầu là Chủ tịch Mai Văn Muôn đã đi đến thương lượng chỉ khép lại ở chỗ cầu thủ Hải Quan qua câu nói bất hủ “Ném chuột không để vỡ bình”.
Đến giờ thì nhiều người vẫn tự hỏi đâu là “chuột” và đâu là “bình” bởi “chuột” thì không chết mà “bình” thì cũng chẳng có.
Vụ án 2005 tại Bacolod thực tế chỉ nhắm vào sáu cầu thủ U23 Việt Nam và đường dây cá độ nhỏ, lẻ ở TP Vinh do Trung tá Doãn Công Huân “lập công” khi đi cùng đội U23 lúc bây giờ. Cũng qua vụ án này, ông Huấn còn lôi ra nhiều vụ khác liên quan đến các đội bóng, đến trọng tài mà phần khóa đuôi vụ án là nhiều trọng tài, quan chức phải ngồi tù, còn đội Ngân hàng Đông Á thì bị đánh rơi hạng và giải thể.
Đến giờ ai cũng hiểu vụ án trên nghe rầm rộ nhưng mức độ thì chỉ qua loa bởi nếu làm mạnh làm tới thì hư cả nền bóng đá.
Đã có thời các trọng tài và quan chức bóng đá ăn không ngon, ngủ không yên khi không biết vụ án trên sẽ lần ra đến đâu, như một trong tài giải nghệ từng tự thú: “Thời điểm đấy không trọng tài nào là không cầm tiền bẩn. Vấn đề là cơ quan điều tra có làm tới và làm mạnh hay không”.
Cũng thời điểm trên, chính một thành viên trong ban chuyên án xác định còn rất nhiều, nhưng chỉ làm điểm vài vụ điển hình và mong các cầu thủ các CLB sẽ trật tự. Thành viên này còn nói bóng đá chỉ là phần nhỏ của xã hội so với nhiều vụ án tham nhũng lừa đảo lớn với giá trị vài chục tỷ so với vài triệu mà trọng tài, cầu thủ tham gia đánh bạc…
Không được giáo dục để giữ mình, không ít các cầu thủ đã sa ngã bằng cách cá độ và làm độ
Nỗi lo từ những canh bạc luôn rình rập
Hai vụ án gần đây nhất là vụ Vissai Ninh Bình và Đồng Nai tham gia tổ chức cá độ và làm độ thực chất không lạ trong làng bóng Việt Nam khi nhà cái đã đưa nhiều trận của bóng đá nội lên mạng. Có cầu ắt có cung và nhà cái rõ ràng đã ăn sâu vào lòng bóng Việt kể cả những giải trẻ.
Theo thống kê không chính thức của các tổ chức nghiên cứu cá cược thì Việt Nam là thị trường béo bở và có số người tham gia chơi độ lớn… Từ việc cung tận răng đấy đã mời gọi nhiều cầu thủ tổ chức chơi cá độ theo dạng vừa đánh, vừa đá (cho chắc ăn) và còn cấu kết với những cánh tay nối dài bên ngoài.
Bây giờ hỏi lãnh đạo đội bóng biết chuyện đó không thì chắc chắn ai cũng biết. Hỏi ban tổ chức, hỏi lãnh đạo VFF biết không thì ai cũng nói biết, nhưng tìm ra biện pháp để ngăn chặn thì chỉ biết trông chờ vào ngành công an. Mà rõ ràng ngành công an thì còn có quá nhiều tệ nạn xã hội để lo hơn là chuyện banh bóng, chuyện đánh bạc trên mạng và đá cho đúng tỷ số đấy.
Ngay cả những trận bóng của đội U23 và đội tuyển cũng có những trận thật nặng mùi, đặc biệt là “phong trào” chơi tài - xỉu vốn chỉ tính tổng số bàn thắng của trận đấu (hai đội).
Cầu thủ bây giờ chế độ đãi ngộ rất cao với lương thưởng lớn, nhưng vẫn muốn kiếm tiền bất hợp pháp từ các canh bạc đầy rẫy luôn mời gọi. Đã có lần chương trình thời sự của VTV chỉ ra việc muốn chơi cá lậu bây giờ thật dễ khi chỉ cần một máy tính nối mạng và tài khoản là có thể “vô tư”.
Nguy hiểm của bóng đá Việt Nam là nhiều người cứ lo trả lương cao cho cầu thủ, nhưng ít ai có trách nhiệm đến việc giáo dục cầu thủ biết giữ mình và trân trọng với nghề.