Pháp lại cần một chiến thắng để hàn gắn
Loại bỏ những tài năng như Benzema không khiến đội Pháp yếu đi mà thậm chí còn mạnh hơn. Họ đang cần một chiếc cúp để hàn gắn những vấn đề xã hội.
Sân Maracana một chiều tháng 7 năm 2014, chàng trai trẻ Antoine Griezmann đứng khóc trên sân, kéo vạt áo đấu lau nước mắt.
Đội tuyển Pháp của Antoine vừa thua Đức trong trận đấu tứ kết World Cup 2014. Mới 23 tuổi và lần đầu tham dự một giải đấu quốc tế, Antoine không thể níu giữ nỗi buồn thua trận trong trái tìm mình. Cùng với Griezmann, hàng triệu trái tim người Pháp tan nát bởi một “kẻ thù” quen thuộc, Đức - đội bóng được ví như là chúa tể hắc ám Darth Vader trong loạt phim Star Wars.
Griezmann không kìm được nước mắt khi Pháp bị Đức loại ở World Cup 2014
Chiến thắng cho Griezmann...
32 năm trước đó, trong một đêm nóng bức ở Seville (TBN), đội tuyển Pháp đã nếm trải sự tổn thương ghê gớm nhất lịch sử của mình. Tập thể những Platini, Alain Giresse, Jean Tigana... chơi thứ bóng đá đẹp mắt bậc nhất mọi thời đại bị Tây Đức cầm hòa 3-3 trong 120 phút và thất bại trong loạt sút 11m. Nhưng bị loại khỏi Espana 82 chưa phải là nỗi đau lớn nhất.
Đau đớn nhất với người Pháp là cú ra đòn như đá karate của thủ môn Harald Schumacher đưa tiền vệ Patrick Battiston thẳng vào bệnh viện. Schumacher sau pha triệt hạ ấy thản nhiên đứng chống nạnh và nhai kẹo cao su mà không thèm liếc nhìn Battiston đang nằm bất động trên mặt cỏ. Trong ký ức của người Pháp thời ấy, cú ra đòn và vẻ vô cảm lạnh tanh của Schumacher như gợi lại “nỗi ám ảnh” mà phát xít Đức từng gây ra cho họ trong Thế chiến II.
Bởi thế, chiến thắng của người Pháp ở Marseille đêm 7/7 vừa qua là một cuộc trả thù lịch sử. Nó chấm dứt những nỗi đau mà người Đức gây ra cho họ suốt hơn nửa thế kỷ. Nó khép lại những ký ức áp ảnh về Espana’ 82.
ĐT Pháp đang đứng dậy mạnh mẽ từ những thất bại trong quá khứ
Và nó làm khô đi giọt nước mắt của Griezmann, người rồi đây có thể sẽ là một biểu tượng mới của bóng đá đất nước lục lăng, sau Michel Platini và Zinedine Zidane.
Chiến thắng cho nước Pháp, người Pháp
Trong một đất nước đa tạp bậc nhất về văn hóa thì chỉ có chiến thắng mới có thể kết nối người Pháp với đội tuyển bóng đá quốc gia của họ.
Trong rất nhiều thời kỳ lịch sử, mối quan hệ giữa người Pháp và “Les Bleus” giống như một cuộc hôn nhân đổ vỡ mà một bên (người Pháp) luôn cảm thấy bị phản bội.
Đội tuyển Pháp đã từng là một nỗi hổ thẹn. Chẳng hạn ở World Cup 2010, các cầu thủ cãi vã với HLV trưởng và kiên quyết ngồi trên xe buýt để tẩy chay buổi tập. Chiếc xe buýt trên đồi Knysna được truyền thông Pháp gọi là chiếc xe buýt của sự ô nhục.
“Les Bleus” chống lại nước Pháp. Dân Pháp quay lưng với Les Bleus. Bóng đá hóa ra không được chào đón ở Pháp như chúng ta tưởng bởi trong mắt những người bảo thủ, bóng đá là môn thể thao của dân nhập cư mà đa số là người da màu, hoặc Hồi giáo. Đó là đối tượng không được xem trọng bởi họ nghèo và thường liên quan đến những vấn đề xã hội gây nhức nhối…
Người Pháp yêu mến đội tuyển rugby hơn bởi đó là môn thể thao của người Pháp da trắng "thuần chủng". Năm 2013, một cuộc khảo sát cho kết quả là 82% dân Pháp không có thiện cảm với “Les Bleus". Cùng năm ấy, Paul Pogba bắt đầu chơi cho đội tuyển quốc gia và kể lại rằng mỗi khi thi đấu ở Stade de France, anh luôn có cảm giác giá lạnh với những gương mặt khán giả cứng đờ cứ như thể đang làm khách ở đâu đó.