“Pháo đài” Chelsea: Đặc sản Catenaccio của Conte
4 trận thắng liên tiếp tại NHA, ghi được 11 bàn và giữ sạch lưới, Conte đang biến Chelsea thành một pháo đài thực sự theo đúng phong cách phòng ngự trứ danh Catenaccio của người Italia.
Video Southampton 0-2 Chelsea ở vòng 10 NHA:
Thất bại là mẹ của thành công
Cách đây hơn 1 tháng (24/9), Conte và Chelsea chìm trong thất vọng sau trận thua tan nát 0-3 trên sân của Arsenal. Trước đó, “The Blues” cũng phơi áo 1-2 ngay tại Stamford Bridge trước Liverpool.
Những thất bại đó cho thấy rất nhiều điểm yếu của Chelsea khi chơi với sơ đồ 4 hậu vệ. Vì thế, HLV Conte buộc phải thay đổi trong sức ép của ban lãnh đạo Chelsea, đặc biệt là Chủ tịch Abramovich và tất nhiên là cả từ phía các CĐV.
Sự chắc chắn bên phần sân nhà chính là bệ phóng giúp Chelsea thắng 4 trận liên tiếp tại NHA
3-5-2 là sở trường của Conte từ hồi còn dẫn dắt Juventus đến ĐT Italia, nhưng ông đã không cứng nhắc áp dụng cho Chelsea. Conte có một chút thay đổi bằng cách để “The Blues” đá với sơ đồ 3-4-3.
Hiệu quả đến tức thì, Chelsea thắng như chẻ tre trước đủ các đối thủ, từ yếu như Hull (2-0) hay khá hoặc mạnh Leicester (3-0), MU (4-0), Southampton (2-0).
Thắng 4 trận liên tiếp tại NHA, ghi 11 bàn và không để thủng lưới bàn nào, Chelsea thực sự cho thấy họ là một ứng viên nặng kí cho chức vô địch, bởi chỉ kém 3 đội đầu bảng Man City – Arsenal và Liverpool đúng 1 điểm.
Catenaccio là công thức chiến thắng?
Hull quá yếu còn Leicester sa sút, nhưng thắng MU đến 4-0 và hạ Southampton bất bại 8 tháng liền tại St Mary’s (10 thắng sau 14 trận) thì chẳng phải chuyện chơi.
Vậy đâu là công thức chiến thắng của Conte và các học trò? Xét trên nhiều khía cạnh, chính chất Italia với việc thấm nhuần triết lý phòng ngự trứ danh Catenaccio của Conte đã biến Chelsea trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm và cũng là một cỗ máy chiến thắng.
Conte đang xây dựng Chelsea phòng ngự theo triết lý Catenaccio
Thoạt nhìn, 3-4-3 của Chelsea có vẻ lỏng lẻo, nhưng thực tế cỗ máy ấy đang hoạt động vô cùng hiệu quả, chắc chắn. Việc bố trí 2 cầu thủ có thể lực, tốc độ và kĩ thuật ở 2 bên cánh Moses – Marcos Alonso giúp “The Blues” thực tế khi phòng ngự có tới 5 hậu vệ. Cộng thêm 2 máy quét Kante – Matic, Chelsea có tới 7 cầu thủ tham gia bảo vệ khung thành của Courtois.
Với cách bố trí như vậy, Chelsea phòng ngự vô cùng kín kẽ dù cầm ít bóng hơn đối thủ (44% trước MU và 45% trước Southampton). Trước MU, Chelsea để đối thủ sút 16 lần nhưng chỉ có 5 lần trúng đích, còn trước Southampton vốn chơi cực hay trên sân nhà, Courtois chỉ một lần phải cứu thua sau 9 lần đối thủ ra chân.
Conte cũng có cách tiếp cận trận đấu cực kì khôn ngoan, dùng đòn phủ đầu. Pedro xé lưới MU ngay ở giây thứ 30, còn Hazard khiến các CĐV của Southampton chết lặng với pha xử lý mẫu mực ở phút thứ 6.
Rõ ràng, Conte đã nghiên cứu rất kĩ các đối thủ và ông đồ rằng đối phương thường mất tập trung khi trận đấu mới bắt đầu do chưa kịp “nóng máy”. Dự tính của Conte là hoàn toàn chính xác, Chelsea liên tục có bàn thắng sớm và sau đó chủ động chơi phòng ngự khoa học để chờ thời cơ kết liễu đối thủ, dù MU hay Southampton là những đội có hàng thủ không hề tệ.
Một chi tiết nữa cũng rất đáng chú ý trong cách bố trí của Conte, đó là 3 trung vệ David Luiz – Cahill – Azpilicueta đều có khả năng chuyền dài tốt, điều rất quan trọng khi Chelsea chơi phòng ngự, giống với việc bố trí Bonucci, Barzagli và Chiellini ở ĐT Italia.
Trên hàng công, Conte cũng bố trí nhân sự phù hợp. Costa xông xáo, mạnh mẽ, càn lướt tốt được bố trí đá cao nhất. Còn Hazard, Pedro (Willian) với khả năng xuyên phá luôn tỏ ra cực kì nguy hiểm trong các pha phản công.
3-4-3 là sơ đồ rất ít đội nào dám chơi trong bóng đá hiện đại, phòng ngự theo kiểu Catenaccio hiệu quả cũng là của hiếm, nhưng Chelsea của Conte đang làm tốt cả hai. Một cỗ máy hủy diệt đang dần hình thành dưới bàn tay nhào nặn của Conte để thách thức các đại gia tại giải Ngoại hạng Anh theo một phong cách mới, phong cách Catenaccio…
Catenaccio là gì? Catenaccio là một hệ thống chiến thuật trong bóng đá, trong đó chú trọng đến việc phòng ngự. Trong tiếng Ý, Catenaccio có nghĩa là "cái then cửa", với ý nghĩa một hệ thống phòng ngự có tổ chức tốt và hiệu quả để bảo vệ cầu môn. Chiến thuật này bắt đầu nổi tiếng khi được HLV người Argentina Helenio Herrera của Inter Milan áp dụng trong thập kỉ 1960. Về bản chất, Catenaccio là hệ thống chiến thuật sử dụng kỹ năng kèm người xuất sắc của các hậu vệ để chiến thắng trong các pha đối đầu 1 đấu 1. Trong thời kỳ mà kỹ thuật phòng ngự đơn giản chỉ là cài các cầu thủ đá thấp hơn các tiền vệ trong đội hình để tranh chấp bóng, Catenaccio và những tiền thân của nó đã khiến các tiền đạo gặp phải vấn đề thực sự khi thường xuyên phải đối mặt với một hậu vệ đối thủ ở khoảng cách quá gần để phô diễn kỹ thuật hoặc bứt tốc thoát đi. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ để hệ thống phòng ngự danh tiếng này trở nên nổi tiếng. Sức mạnh chủ yếu của chiến thuật kinh điển này nằm ở cầu thủ được mệnh danh là "cái chốt cửa": Catenaccio luôn sở hữu một hậu vệ tự do (trung vệ thòng, hậu vệ quét), người vừa là nhân vật thứ 3 để đảm bảo chiến thắng tuyệt đối của đội nhà trong các pha tranh chấp 1 đấu 1, vừa là chốt chặn cuối cùng của hàng hậu vệ để đảm bảo cự ly đội hình khi các trung vệ triển khai "bám người". |