Phải “dọn nhà” trước khi đón thầy
Ông thầy người Hàn Quốc Park Hang - Seo chuẩn bị "nhiếp chính" ở Đội tuyển Việt Nam. Với tôi, tân thuyền trưởng người Hàn gợi lại nhiều kỷ niệm về thầy Nhật Toshiya Miura. Chẳng phải vì hai con người này có vẻ ngoài giống nhau, mà vì tôi nghĩ có thể cả hai sẽ phải đối diện với những va vấp y như nhau, khi chính thức làm việc ở cái xứ sở này.
Hồi mới sang Việt Nam, có lần ông Miura đi thị sát sân Đồng Nai, và khi chui vào cái nhà về sinh thì ông phải lắc đầu vì... không thể nào tưởng tượng được. Ngồi tại phòng làm việc của mình ở VFF, thấy giờ nghỉ trưa nhiều quan chức Liên đoàn ra hàng bia trên đường Lê Quang Đạo làm... vài vại, ông cũng không thể nào tưởng tượng được.
HLV Park Hang - Seo
"Tại sao ở đây người ta lại uống bia vào buổi trưa, khi ngày làm việc chưa kết thúc?" - ông Miura thường xuyên đặt ra câu hỏi ấy. Mà thậm chí ông còn "bê" nguyên vấn đề ấy lên một tờ báo Nhật Bản. Nhưng những va vấp bên lề ấy chưa bõ bèn gì so với những va vấp chuyên môn. Ví dụ như trước các buổi tập, ông thường "ép" các học trò khởi động bằng cách chạy hàng chục vòng quanh sân. Ông cũng chạy cùng với các học trò. Nhưng trong khi ông chạy "ngon", chạy "ngọt" thì nhiều học trò của ông mệt bở hơi tai.
“Tại sao nhiều cầu thủ kém tuổi tôi nhưng lại không thể duy trì sức bền thể lực như tôi?” Có thể trong lòng mình, ông cũng đã tự hỏi mình như thế. Và ông sẽ biết đích xác câu trả lời khi nghe người đồng hương đồng thời cũng là Trưởng ban tổ chức V.League hồi ấy - Tanaka Koji kết luận: "Ở Việt Nam các cầu thủ chỉ có thể chạy trung bình 6 Km/trận, trong khi với cầu thủ châu Á, con số này là 10 Km". Thế đấy, ở Việt Nam có nhiều cái khác và khác xa so với mặt bằng chung châu Á.
Ông Miura đến từ một trong những nền bóng đá hàng đầu châu Á - Nhật Bản. Ông lại có thời gian dài tu nghiệp ở Đức và chịu ảnh hưởng lớn bởi tính kỷ luật của người Đức. Thế nên ông Miura tổ chức một đội bóng, lên sơ đồ chiến thuật, sắp xếp đội hình thi đấu một cách kỷ luật và chặt chẽ.
Điển hình nhất là việc có lần một trợ lý của ông tự động phát biểu trên truyền thông về điều này điều nọ, ông liền nói ngay: "Khi chưa có sự đồng ý của tôi, không ai được phát biểu như vậy cả". Cách tổ chức đội bóng kiểu như thế là chuyện bình thường ở những nền bóng đá phát triển, nhưng ở Việt Nam thì nó lại gây khó chịu cho nhiều người.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về chu kỳ cầm quân của ông Miura và tự kết luận rằng: sự thất bại của ông không chỉ là sự thất bại của một cá nhân đơn lẻ. Nguy hiểm ở chỗ, nó là sự thất bại của một nền văn hoá kỷ cương, nề nếp khi phải va chạm với một nền văn hoá tuỳ tiện, thiên về cảm xúc. Nói như nhà nghiên cứu văn hoá - Giáo sư Trần Ngọc Thêm thì "văn hoá Việt Nam nặng về âm tính" trong khi văn hoá của một số nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản lại nghiêng về "dương tính".
Tân HLV trưởng Việt Nam Park Hang - Seo cũng đến từ một nền văn hoá dương tính - Hàn Quốc. Là người Hàn Quốc, là cựu trợ lý của HLV danh tiếng châu Âu, Guus Hiddkin, ông Park khả năng cũng sẽ tổ chức đội bóng một cách nề nếp, kỷ luật giống ông Miura.
Vậy thì vấn đề quan trọng phải đặt ra: Nền bóng đá của chúng ta, bao gồm cả các quan chức Liên đoàn bóng đá lẫn các trợ lý người Việt và các học trò của ông Park đã chuẩn bị sẵn tư tưởng làm quen với một cách thức tổ chức mới mẻ như vậy hay chưa?
Chỉ sợ, sau một thời gian tiếp xúc, làm việc với một HLV kiểu đó các cầu thủ sẽ lại ngấm ngầm chống đối. Chỉ sợ, không ưng ý với một điều gì đó của ông là một quan chức nào đó trong VFF lại "gào" lên: nếu sa thải ông ấy, tôi sẽ tìm một nhà tài trợ cỡ bự cho Liên đoàn (?).
Muốn ông Park đến đây và làm việc hiệu quả, phải dọn dẹp lại cái nhà của mình với hàng loạt những thói quen tuỳ tiện của mình của trước đã.
Thách thức lớn cho thầy Hàn Quốc Ở sân chơi V.League trước đây, thầy Hàn Quốc đã từng xuất hiện ở các CLB Becamex Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai, nhưng đều không để lại nhiều dấu ấn. Ở Bình Dương, thầy Hàn Quốc Nam Dea Sik từng phải đối diện với những trận thua mà có vắt tay lên trán ông cũng không hiểu vì sao... thua. Đấy là những trận đấu bị tình nghi là "thầy chỉ đạo một đằng, trò chơi một nẻo". Kết quả là cuối cùng ban lãnh đạo Bình Dương phải thay ông Nam Dea Sik bằng một thầy nội có khả năng "đọc vị" các cầu thủ của mình. Ở Hoàng Anh Gia Lai, thầy Choi Um Kyum cũng mang đến một phong cách huấn luyện mới mẻ, nhưng dưới thời ông Choi, Hoàng Anh Gia Lai chỉ là một đội bóng trung bình khá, không đạt được bất cứ thành tích đáng kể nào. Tới đây, nếu ông Park Hag - Seo thành công với Đội tuyển Việt Nam thì đó là sẽ một cột mốc, một cuộc cách mạng lớn trong quá trình các thầy Hàn Quốc hành nghề tại Việt Nam. Ngọc Anh |
VFF chấp nhận trả mức lương kỷ lục để mời HLV Park Hang Seo dẫn dắt ĐT Việt Nam.