Pep Guardiola trong cơn khủng hoảng: "Thuyết âm mưu" muốn bị sa thải?
Hầu như không còn HLV nào chủ động từ chức, trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Mặt khác, HLV xuất sắc hoặc nổi tiếng mà bị sa thải thì đấy là chuyện quá đỗi bình thường trong thời buổi này. Hiếm thấy tượng đài nào chưa từng bị sa thải. Không ai huấn luyện mãi một đội bóng. Vậy, Pep Guardiola sẽ chia tay Manchester City theo hình thức nào?
Từ chức và bị sa thải: Quá khác biệt!
Thay vì nói về nguy cơ bị Manchester City sa thải, Pep Guardiola chỉ nói vì sao ông không sợ bị sa thải. Đại khái, giới chủ Man City nhìn vào những gì ông đã làm được suốt 8 năm qua, chứ không chỉ nhìn vào các trận trước mắt. Đấy là câu nói lúc Man City chỉ đang ở vào khoảng giữa của cơn khủng hoảng “thua 8 trong 11 trận”.
Chưa khi nào Pep tỏ ra bất lực đến thế trong sự nghiệp
Phát biểu mới đây nhất của Guardiola hoàn toàn trái ngược. Trước trận derby Manchester, Guardiola thừa nhận ông có thể bị sa thải. Còn sau trận ấy (Man City thua), Guardiola nói rất đơn giản: “Tôi là HLV. Tôi phải tìm ra giải pháp, nhưng tôi không tìm ra được giải pháp. Tôi chưa đủ tài”.
“Đội bóng có nhiều cầu thủ chấn thương? Lịch thi đấu quá dày? Không. Tôi là HLV và tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi không đủ tài, đơn giản thế thôi”. Vì sao Guardiola cứ phải nói đi nói lại, nhấn mạnh rằng ông không đủ tài? Đấy là thái độ hờn dỗi trước sức ép từ dư luận? Không hề! Ông mà hờn dỗi, thì đã… từ chức.
Cũng chỉ mới đây, Guardiola nói rằng Man City sẽ là CLB cuối cùng trong sự nghiệp huấn luyện của ông. Có thể sau Man City sẽ là một ĐTQG nào đó. Cũng có thể đấy là lúc Guardiola nghỉ ngơi. Tóm lại, ông tuyên bố không huấn luyện CLB nào khác. Sau tuyên bố ấy, Guardiola gia hạn 2 năm hợp đồng với Man City. Hợp đồng cũ sẽ hết hạn vào cuối mùa này.
Ngày xưa, HLV Marcello Lippi đưa Juventus lên ngôi vô địch Serie A 1995, ngay mùa đầu tiên dẫn dắt đội này, và đấy là scudetto đầu tiên trong gần chục năm sa sút của “Bà đầm già”. Lippi còn gặt hái rất nhiều thành công khác, gồm cả danh hiệu vô địch Champions League và 3 lần liên tiếp đá trận chung kết giải này (tính cả cúp UEFA là 4 trận chung kết các cúp châu Âu liên tiếp, trong 4 mùa bóng).
Chỉ vì một cơn hờn dỗi không đáng có, Lippi đệ đơn từ chức. Ngay lập tức, giới lãnh đạo Juventus… nói lời cám ơn. Lippi chuyển sang Inter. Thầy trò Lippi thua trận khai mạc Serie A ở mùa thứ 2. Lippi nói: “Tôi không đủ tài. Inter chơi bóng quá tệ. Tôi mà là chủ tịch CLB thì sẽ bắt toàn đội đứng úp mặt vào tường, đá đít từng cầu thủ, rồi sa thải HLV”. Thế là Lippi bị Inter sa thải!
1/4 thế kỷ đã trôi qua kể từ bài học kinh điển HLV Lippi để lại trong làng bóng chuyên nghiệp. Khác biệt giữa từ chức và bị sa thải là được và không được bồi thường hợp đồng. Rất hiếm thấy HLV nào từ chức, trong khoảng 20 năm nay. Guardiola nói ông “chưa đủ tài” sau trận thua M.U.
Nhưng không nói rằng ông đủ thông minh và tỉnh táo để nhớ rõ mức lương khoảng 20 triệu bảng/năm của ông. Ở một khía cạnh khác, có nên liên kết phát biểu “chưa đủ tài” mà Pep tự nói về mình, với câu nói “láu cá” của Lippi ngày xưa, gài Inter sa thải ông?
Pep đang gặp khó với chính những gì mình gây dựng tại Man City
"Thuyết âm mưu": Pep rất muốn bị... sa thải?
Đây vốn dĩ là mùa bóng cuối cùng của Guardiola ở Man City, theo bản hợp đồng cũ. Ai cũng biết về vụ án “115 tội danh”, có thể khiến Man City bị đẩy ra khỏi Premier League (chứ khoan nói chuyện trừ điểm, hay tước danh hiệu vô địch). Và đấy là vụ án kéo dài, dự kiến đến khoảng cuối mùa may ra mới có kết quả. Ai lại gia hạn hợp đồng với một đội bóng còn chưa biết rõ số phận như thế. Đã vậy, Pep còn gia hạn (hoặc được mời gia hạn) sau khi tuyên bố đây sẽ là CLB cuối cùng trong sự nghiệp huấn luyện của mình.
Có hai chi tiết đáng lưu ý: Man City sẽ phải bồi thường 2 năm hợp đồng, nếu họ muốn sa thải Guardiola, cụ thể ở đây là bồi thường đến hàng chục triệu bảng. Chính Pep nói rằng ông sẽ không huấn luyện CLB nào khác. Nhưng đấy là nói trong trường hợp ông được làm việc đến hết hợp đồng. Còn trong trường hợp ông bị “đuổi việc”, câu chuyện lại khác. Đâu phải Pep phản bội Man City!
Ngoài khác biệt về việc được, hoặc không được bồi thường hợp đồng, từ chức là hành động tự thừa nhận thất bại, điều mà dù muốn hay không, các HLV nhà nghề đều không muốn làm. Tự trọng ư? Cứ phải nhìn vào cái thực tế quan trọng hơn, ai lại tuyển mộ một HLV đã tự thừa nhận thất bại! Còn khi HLV bị sa thải, câu chuyện trở nên khác hẳn. Đấy là thất bại trong cách nhìn của giám đốc điều hành (hoặc giám đốc thể thao, chủ tịch…).
Người ta thà bị sa thải chứ không từ chức là vì vậy. Nhanh tay gia hạn hợp đồng và… chờ bị sa thải, thì đấy lại là câu chuyện cao cấp hơn nữa. Chẳng ai dám nói Guardiola thuộc dạng này. Nhưng hãy nhìn vào sự thật ông ký thêm 2 năm hợp đồng với một đội bóng mà cáo trạng 115 tội danh đang treo lơ lửng trên đầu!
Ai có thể thay Pep? Michel (Girona), Xabi Alonso (Leverkusen), Vincent Kompany (Bayern Munich), Roberto De Zerbi (Marseille), Ruben Amorim (M.U), Zinedine Zidane hiện là 6 ứng viên cao giá nhất trên thị trường cá cược, ở mục “HLV tiếp theo của Manchester City”.
Tỷ lệ cược cho họ là từ 6/1 (đặt 1 ăn 6) đến 20/1. Ngoài ra là Mikel Arteta (Arsenal), Eddie Howe (Newcastle), Julian Nagelsmann (Đức), Ange Postecoglu (Tottenham), Xavi (đều ở tỷ lệ 25/1). Tất nhiên, đề mục cá cược đã quá rõ ràng, chỉ cần là HLV (chính thức) sau Guardiola, không quan tâm điều này xảy ra vào thời điểm nào.
Không biết Pep đang suy tính điều gì cho tương lai?
"Nghề" huấn luyện rất mơ hồ!
Giả sử đội thua trong trận derby Manchester vừa qua là MU chứ không phải Man City (thật ra, thực tế cũng đã rất giống với chuyện “giả sử” ấy), thì câu chuyện sẽ hợp lý hơn. HLV Arsene Wenger từng nói trong một giáo trình huấn luyện rằng cần khoảng 6 tháng để HLV áp đặt triết lý; cầu thủ làm quen lối chơi, chiến thuật; HLV và cầu thủ hiểu nhau; đường nét của đội bóng được định hình qua đủ thời gian tập luyện.
Ruben Amorim không thể có một “sản phẩm hoàn chỉnh” ở thời điểm này, do ông chỉ vừa đến MU cầm quân, với toàn bộ lực lượng cầu thủ do những người khác tuyển mộ. Đằng này, thất bại lại thuộc về Pep Guardiola danh tiếng, và lực lượng cầu thủ Man City đã quá hiểu Pep. “Sai” chỗ nào?
Ilkay Guendogan, Bernardo Silva, Kevin De Bruyne, Kyle Walker… đều già nua, mau xuống sức và đã rớt phong độ từ lâu. Pep có thể chỉ đạo những điều rất hay, hợp lý, từ sân tập đến trận đấu, nhưng chưa chắc các cầu thủ trụ cột thực thi được những chỉ đạo ấy. Đấy chỉ là một chi tiết nhỏ làm cho “nghề huấn luyện” trở nên rất mơ hồ.
Không ai dám nói mình chơi bóng giỏi hơn Lionel Messi, bởi quá rõ ràng: Messi trực tiếp làm những gì anh làm, trước mắt hàng trăm triệu khán giả trên sân, cũng như qua truyền hình. Và đấy đều là công việc rõ ràng của một cầu thủ. Ngược lại, HLV phải làm những việc gì? Vì sao ai cũng dám chỉ trích mọi HLV, bảo họ sai lầm chỗ nọ, kém cỏi chỗ kia? Vì việc làm và sản phẩm của HLV không có hình hài cụ thể.
Bức tranh là sản phẩm trực tiếp của họa sĩ. Bản nhạc là sản phẩm trực tiếp của người chơi nhạc. Nhưng, sự thể hiện trên sân của đội bóng không bao giờ là sản phẩm trực tiếp từ công việc của HLV. Chẳng ai biết Pep (hoặc mọi HLV khác trên đời) đã nói gì, làm gì, truyền đạt điều gì, đến các cầu thủ City.
Càng không thể nói họ đã làm chính xác những gì Pep đã muốn họ làm. Tất cả đều chỉ là một sự phản ánh nào đấy, để người xem suy đoán, tưởng tượng, hình dung một cách mơ hồ về công việc của Pep.
Trước mỗi kỳ World Cup, người ta lại nói đất nước Brazil có đến hai trăm triệu HLV, là vì vậy. Vì ai cũng có thể chê HLV đội tuyển Brazil không làm được việc, thậm chí làm sai việc. Đấy là việc cụ thể gì, sai chỗ nào, thì chẳng bao giờ rõ ràng. Cái nghề nó vậy. Pep Guardiola hay Erik Ten Hag chưa chắc đã khác gì nhau, dù đội bóng của họ sẽ thể hiện những điều rất khác nhau.
Truyền thông Anh có những phản ứng đáng chú ý sau trận MU xuất sắc đánh bại Man City.
Nguồn: [Link nguồn]