Pele và bí ẩn vì sao không tới châu Âu chơi bóng
Pele là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá, nhưng vì sao ông lại không hề đặt chân tới châu Âu để khoác áo những CLB danh tiếng như Real Madrid hay MU?
Người hùng Maracana
Trong lúc chính trị trong nước rối ren, bóng đá Brazil lại bước vào thời hoàng kim với Pele dẫn đầu. Chức vô địch World Cup 1958 biến Pele thành người hùng dân tộc, giúp người trong nước quên đi nỗi đau ở World Cup 1950 và mở ra một thời đại mới mà Pele và các tuyển thủ Brazil được xem là những nhân vật được công chúng ưa chuộng nhất.
Pele - Niềm vui của dân tộc Brazil
Cho đến năm 1960, Pele đã ghi hơn 230 bàn thắng trong chỉ hơn 210 trận cho CLB Santos, ở một giải VĐQG Brazil đầy rẫy tài năng tấn công. Như một lẽ tất yếu, các đội bóng châu Âu muốn có Pele. Họ đã biết về Pele từ nhiều năm trước, nhưng đầu thập niên 1960 là lúc sự quan tâm lớn hơn bao giờ hết.
Real Madrid, Inter Milan, Juventus và Manchester United đều hỏi Santos về cơ hội được sở hữu Pele. Năm 1961, Inter Milan ra giá 1 triệu USD cho Pele nhưng Santos có đủ can đảm để từ chối. Dù vậy, Santos không thể làm gì được khi Juventus tiếp cận Pele, chủ tịch Gianni Agnelli còn hứa hẹn Pele sẽ được sở hữu cổ phần của tập đoàn FIAT.
Trên con phố Vila Belmiro, nơi đóng đại bản doanh của Santos, Pele chuyển tới châu Âu đã trở thành một bí mật “mở” mà ai cũng biết và chờ đợi. Không ai vui mừng cả, bởi Pele đã mang đến niềm vui cho người dân ở đây và toàn nhân dân Brazil bởi những màn trình diễn tuyệt vời của ông tại Maracana. Để cho Pele rời Brazil sẽ là một điều tồi tệ không kém gì cấm bikini ở bãi biển.
Ông vua bị cầm tù
Trong bối cảnh sự ủng hộ tụt xuống mức cực thấp, tổng thống Janio Quadros tuyệt vọng tìm một giải pháp tự cứu mình. Quadros nhanh chóng nhận ra rằng Pele rời Brazil để sang châu Âu chơi bóng sẽ “đóng đinh” số phận chính trị của mình, và ông cùng với guồng máy vận động hành lang bắt đầu làm việc.
Quadros cùng những người ủng hộ đề xuất một đạo luật coi Pele là “tài sản quốc gia”. Thuật ngữ như thể một sự tâng bốc dành cho Pele, nhưng kỳ thực đó là một đạo luật ngăn chặn tiền đạo của Santos rời khỏi lãnh thổ Brazil.
Trở thành "tài sản quốc gia", Pele bị cấm rời Brazil trong hơn một thập kỷ
Mặc dù đã tạo ra vô số kẻ thù chính trị, nhưng Quadros nhận được sự ủng hộ đa số cho đạo luật này. Với các chính trị gia, bỏ phiếu phủ quyết đạo luật (tức cho phép Pele rời Brazil) cũng sẽ gây tổn hại uy tín chính trị của họ. Với Quadros, ngài tổng thống sẽ tạm thời có chút sự ủng hộ để không bị mất ghế sớm. Với CLB Santos, họ sẽ lại có một cầu thủ xuất chúng luôn ghi bàn để thống trị bóng đá trong nước.
Rốt cuộc nhiệm kỳ tổng thống của Janio Quadros chỉ kéo dài 7 tháng, nhưng những người kế vị đã không tìm cách bác bỏ đạo luật ấy. Họ không ngu ngốc, Pele mang đến niềm vui cho dân tộc Brazil và có thể tạo PR tốt nếu một nhiệm kỳ tổng thống đang đi tới chỗ thất bại. Cho đến khi sự nghiệp đã ở giai đoạn thoái trào, Pele mới rời khỏi Brazil để đến Mỹ chơi bóng, khi đó đạo luật đã không còn hiệu lực.
Ngày nay khi được hỏi vì sao không bao giờ rời Santos để sang châu Âu, Pele chỉ cười và đáp rằng ông không bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi nơi ấy khi đang ở thời đỉnh cao. Kỳ thực, “Vua bóng đá” đã bị giam cầm trên quê hương của chính mình vì những động cơ chính trị, và Pele có đủ khả năng tỏa sáng ở châu Âu sẽ mãi là một câu hỏi không có lời giải.