Ông Tanaka Koji bình về bạo lực ở V-League
Sau khi chứng kiến một số trận đấu, tìm hiểu về nền bóng đá Việt Nam (BĐVN), tân trưởng BTC V-League 2014 ông Tanaka Koji cho rằng nếu muốn phát triển và loại bỏ những cái xấu, BĐVN phải thay đổi toàn bộ.
Sau 7 vòng đấu V-League 2014, BĐVN tồn tại hàng loạt những hình ảnh xấu, các sự cố liên quan đến trọng tài và đó là những vấn đề khiến dư luận "bức xúc". Trước sự việc trên, chúng tôi đã có buổi trao đổi với trưởng BTC V-League 2014, ông Tanaka Koji người Nhật Bản về những kế hoạch của VFF trong thời gian tới.
* Sau hai tuần làm việc ở Việt Nam và dự khán một số trận đấu tại V-League 2014, cảm nhận của ông về BĐVN và V-League như thế nào?
Thứ nhất, trình độ chuyên môn của V-League là chưa cao, ý thức thi đấu của cầu thủ vẫn thiếu chuyên nghiệp, tình trạng bóng “chết” còn rất cao. Theo thống kê của tôi, một trận đấu có 90 phút thi đấu chính thức, nhưng trên thực tế ở V-League mới chỉ đạt được 45 đến 46 phút. Con số này khá thấp, bởi ở Nhật Bản của chúng tôi hiện đang là 55 phút, còn những trận đấu tại Champions League lên tới 66 phút. Bên cạnh đó, số lượng thẻ phạt, các cầu thủ phạm lỗi, hay chơi bóng thô bạo cũng khá nhiều.
Ông Tanaka Koji đã có hơn hai tuần làm việc tại Việt Nam trên cương vị trưởng BTC V-League 2014
* Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để tăng chất lượng giải đấu và giảm thiểu thẻ phạt, cũng như lối chơi bóng thừa quyết liệt của các cầu thủ?
Đây là điều mà VPF, VFF đang hướng tới. Nhưng để làm được phải có lộ trình, kế hoạch và cách thức thực hiện. Về cơ bản, nếu muốn phát triển các giải đấu trong nước, BĐVN phải thay đổi toàn bộ. Từ các nhà tổ chức, VFF, VPF, đội bóng, cầu thủ, khán giả và truyền thông. Tất cả phải cùng hành động và cùng nhau làm, nếu chỉ VFF và VPF “đá bóng” chắc chắn sẽ không thực hiện được.
* Là người đang được kỳ vọng giúp cho các giải đấu ở Việt Nam đi lên, trước những vấn đề bức xúc nêu trên, ông đã có ý tưởng và kế hoạch cụ thể nào chưa?
Tôi đã xây dựng những kế hoạch khá chi tiết và đầy đủ. Nhưng hiện tại đang chờ ý kiến phê duyệt của lãnh đạo, nên tôi chưa thể công bố được.
* Những vòng đấu vừa qua, BĐVN có quá nhiều các pha bóng bạo lực, tình trạng chấn thương có, gãy chân có, bên cạnh đó công tác trọng tài cũng gặp vấn đề bị phản ứng nhiều. Từ góc nhìn của mình, ông có thể cho biết nguyên nhân của lối chơi bạo lực từ đâu?
Các giải bóng đá đều là cuộc chơi và có luật lệ, mỗi cá nhân tham gia trước mắt phải tuân thủ và làm tốt điều này. Về vấn nạn bạo lực và số thẻ nhiều, theo tôi nguyên nhân chính bắt nguồn từ chính các cầu thủ. Họ phải thay đổi tư tưởng, cách chơi bóng, bởi đó là cái nghề kiếm sống của chính họ. Tôi có thể ví dụ, ở những nền bóng đá tiên tiến, khi một cầu thủ phạm lỗi với đối phương, họ không dừng lại để phản ứng hay có ý định trả đũa, mà họ sẽ tiếp tục chạy và thi đấu như bình thường. Bởi trên sân, ngoài luật còn có trọng tài.
* Sau 2 tuần làm việc và đã dự khán một số trận, ông có ấn tượng nhất ở trận đấu nào?
Tôi đã đi xem được 4 trận ở V-League, trong đó ấn tượng tốt nhất của tôi là trận đấu giữa chủ nhà Thanh Hóa gặp ĐTLA ở vòng 7 V-League 2014. Đây là trận đấu rất tốt về mặt chuyên môn, những diễn biến trên sân nhanh, không có nhiều tình huống phạm lỗi. Đặc biệt tôi rất ấn tượng với trọng tài Nguyễn Trọng Thư, anh ấy đã điều khiển khá tốt, gần như không mắc một lỗi nào trong cả trận.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!