Ông Nguyễn Hồng Thanh: Có thể nhân rộng mô hình đào tạo trẻ của HA.GL
Ông Nguyễn Hồng Thanh dành nhiều lời khen ngợi đối với mô hình Học viện đào tạo bóng đá trẻ của HA.GL nhưng cho rằng, đề xuất để đội U19 thay tuyển U23 tham dự SEA Games 27 tại Myanmar vào cuối năm là không hợp lý.
“Bóng đá trẻ, chỉ chênh lệch vài tuổi là đã có sự khác biệt rất lớn. Không nên ca tụng quá mức các cháu, có thể dẫn đến hệ quả thiếu tích cực”- ông Thanh cho biết.
Ông đánh giá thế nào về thành tích của đội tuyển U19 VN tại giải vô địch ĐNA và vòng loại U19 châu Á vừa qua?
Thực ra việc lọt vào VCK U19 châu Á thì chúng ta từng nhiều lần làm được rồi. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng những gì các cầu thủ U19 thể hiện vừa qua là rất đáng khen ngợi. Tôi rất ấn tượng với trình độ kỹ thuật, thái độ thi đấu của các cháu. Nếu có sự đầu tư thích đáng, chúng ta có quyền hy vọng vào lứa cầu thủ này trong tương lai.
Lứa cầu thủ U19 đang phát triển tốt của HA.GL được xem là mô hình đáng để nhiều địa phương, CLB học tập (Ảnh: VSI)
Sự ca tụng của truyền thông và dư luận đối với Học viện bóng đá HA.GL có khiến các “lò” đào tạo khác của VN như SLNA cảm thấy chạnh lòng không thưa ông?
Tôi không thấy có gì phải buồn trong chuyện đó. Học viện HA.GL nếu thành công là một tín hiệu đáng mừng với bóng đá VN. Chúng tôi cũng có động lực để tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo trẻ. SLNA vẫn tự hào là địa phương đào tạo nên nhiều cầu thủ tốt cho bóng đá VN. Chúng tôi có cách làm của mình. Tôi chỉ lưu ý là với các cầu thủ trẻ, chúng ta cần có sự khen ngợi đúng đắn và vừa đủ để tạo động lực cho các cháu phấn đấu, thay vì nảy sinh tâm lý tự mãn.
Theo ông, đâu là thuận lợi của Học viện HA.GL so với “lò” đào tạo của các địa phương khác?
"Chỉ khi hướng tới phát triển bóng đá lâu dài, và đào tạo trẻ có thể tạo ra sản phẩm để bán, các CLB mới tập trung hơn cho công tác này". TGĐ công ty CP bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh |
HA.GL có những lợi thế nhiều đơn vị khác chưa đạt được. Thứ nhất, công tác tuyển chọn của họ được tiến hành trên toàn quốc nên đầu vào rất tốt. Như SLNA chúng tôi, về cơ bản chỉ là ở địa phương. Thứ hai, họ có được sự hỗ trợ từ phía Arsenal. Khâu đào tạo trẻ của Arsenal nổi tiếng không chỉ ở Anh mà còn cả trên thế giới. HLV cho đào tạo trẻ của HA.GL lại có kinh nghiệm, trình độ. Cơ sở vật chất kỹ thuật của họ cũng tốt hơn nhiều so với các địa phương khác. Về chế độ dinh dưỡng, việc ăn uống ở học viện HA.GL đảm bảo cho các em trẻ phát triển. Nói thật như ở SLNA chúng tôi, khâu dinh dưỡng mới chỉ đảm bảo ở phần “no”. Với những lợi thế trên thì những gia đình có con em muốn theo nghiệp bóng đá cũng tin tưởng và muốn gửi gắm cho HA.GL hơn.
Nói như vậy thì việc nhân rộng mô hình đào tạo trẻ của HA.GL đối với các địa phương khác, trong tình hình hiện nay là rất khó khăn?
Tôi không cho là như vậy! Có rất nhiều địa phương và ông chủ có thể đầu tư cho đào tạo trẻ như HA.GL. Chẳng hạn như anh Hiển (Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển-pv), anh Hoàng Mạnh Trường của The Vissai Ninh Bình, hay B.Bình Dương…LĐBĐVN (VFF) và PVF trong TP Hồ Chí Minh tôi nghĩ là cũng hoàn toàn đủ năng lực tài chính để có thể làm được.
Tuy nhiên nhiều đội bóng vẫn có chủ trương mua cầu thủ cho nhanh, thay vì tốn chi phí đào tạo?
Đây là vấn đề về chính sách làm bóng đá của mỗi đội. Chỉ khi hướng tới phát triển bóng đá lâu dài, và đào tạo trẻ có thể tạo ra sản phẩm để bán, các CLB mới tập trung hơn cho công tác này.
Một câu hỏi cuối, quan điểm của ông thế nào về ý tưởng để đội U19 tham dự SEA Games thay đội U23?
Theo tôi đề xuất này không thích hợp. Mỗi lứa tuổi có sân chơi riêng, và bóng đá trẻ chỉ chênh lệch vài tuổi đã rất khác biệt. Chúng ta có thể thực hiện theo cách khác, là các cầu thủ trong độ tuổi tham dự SEA Games và đủ trình độ thì triệu tập vào U23, bao gồm cả những cầu thủ ở U19 hiện nay. Chứ nếu đem cả đội U19 đi tham dự SEA Games thay U23 thì không ổn.
Cảm ơn ông!