Ông Miura, bầu Ðức và “cơn bão” với HA.GL
Cả 3 trở thành “từ khoá” nóng trong 1 năm đầy chia rẽ của bóng đá Việt Nam. HLV Toshiya Miura ra đi, sớm hoặc muộn, để sẽ chỉ còn lại bầu Ðức với giấc mộng cùng đội bóng phố Núi.
Nhận xét trên cùng những diễn tiến về sau, khi không trọng dụng số đông cầu thủ HA.GL, đã khiến HLV Toshiya Miura bị đặt sang một chiến tuyến đối ngược, hứng chịu sức ép và sự tấn công dữ dội. Ngay ở thời điểm đang cùng tuyển U23 chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016, ông Miura bị bầu Ðức chỉ trích là người “kém nhất trong lịch sử các HLV ngoại”, đặt điều kiện LÐBÐVN (VFF) không gia hạn hợp đồng với nhà cầm quân này để đổi lấy viện trợ từ một doanh nghiệp thân thiết. Ðây thực chất là sự tiếp nối các đợt chỉ trích từ phía bầu Ðức trước đó nhằm vào ông Miura.
Tiqui-taka của người Việt?
Bóng đá Việt Nam qua cả chục năm trời vẫn loay hoay xác định một lối chơi riêng. Giới chuyên môn và các nhà phân tích cũng đã nhắc đến khả năng chơi bóng ngắn, phối hợp nhỏ dựa trên nền tảng kỹ thuật tốt của cầu thủ, phù hợp với thể trạng người Việt. Nhưng rốt cuộc qua nhiều đời thầy ngoại, ít ai có thể chỉ ra đâu là là chơi thực sự “mang bản sắc bóng đá Việt Nam”.
Người thành công nhất, HLV Henrique Calisto, đã đưa Việt Nam lên đỉnh Ðông Nam Á với chiến thuật phòng ngự toàn diện trước Thái Lan. Những người khác, từ gắn bó lâu năm như A.Riedl, đến nhanh như Letard, Dido hay F.Goetz, đều không để lại dấu ấn nào.
ÐT U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ HAGL đã tạo nên một cơn sốt thực sự đối với người hâm mộ cả nước. Ảnh: VSI
Sự xuất hiện của HA.GL như một ví dụ trực quan sinh động về lối chơi bóng đá Việt có thể áp dụng. Khả năng kiểm soát bóng dựa trên nền tảng kỹ thuật bài bản của các cầu thủ HA.GL là điều khó phủ nhận. Người ta cũng biết rằng để một cầu thủ có thể tiến xa, điều tiên quyết là cần có nền tảng căn bản tốt.
Cầu thủ HA.GL đáp ứng được tiêu chuẩn này. Sự thăng hoa của HA.GL ở các giải trẻ cũng kích thích cảm hứng các CLB ở Việt Nam tập trung nhiều hơn cho bóng đá trẻ.
HLV Toshiya Miura đã im lặng sau lần đầu tiên nói về HA.GL. Sức ép lên nhà cầm quân người Nhật Bản lớn tới độ, ít ai có thể tin rằng ông Miura và cả VFF đủ dũng cảm để tiếp tục gắn bó khi hợp đồng đáo hạn.
Người ta đã quên đi một thực tế rất rõ ràng là Công Phượng, ngôi sao sáng nhất ở HA.GL, chỉ thực sự toả sáng trong một tập thể đòi hỏi tính kỷ luật và đồng đội cao hơn, một môi trường cạnh tranh công bằng hơn dưới tay ông Miura.
Công Phượng ở V.League là một cầu thủ hoàn toàn khác so với Công Phượng ở cấp trẻ quốc gia. Cũng sẽ ít người hâm mộ nào của HA.GL nhớ tới thực tế, vị HLV thích hợp nhất với lối chơi mang màu sắc Arsenal, Guillaume Graechen, hiện đã trở lại với công tác đào tạo trẻ sau 1 mùa giải gian khổ ở V.League.
Ông Toshiya Miura ra đi, và phần việc còn lại sẽ vẫn là của người Việt Nam.
Trong một năm có quá nhiều biến cố đối với bóng đá Việt Nam, cũng như với chính từng con người có trách nhiệm liên quan đến cả nền bóng đá, HA.GL xứng đáng là thực thể tạo nên sự chia rẽ, với một nửa ủng hộ và một nửa phản đối. Ðã có những hành xử vượt ra ngoài quy tắc ứng xử thông thường, những quy định (thành văn hoặc bất thành văn) của một tổ chức. |