Ông Lê Thế Thọ "hỏi xoáy" VFF về bạo lực sân cỏ
Theo chuyên gia Lê Thế Thọ, những nguyên nhân khiến bạo lực ở giải trong nước gia tăng được bắt nguồn từ lỗi của cả một hệ thống bóng đá. Đó là sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, giáo dục và cả những dấu hỏi về cái “bắt tay” phía sau hậu trường giữa những nhà tổ chức và người tham gia cuộc chơi.
Video cuộc trao đổi với chuyên gia bóng đá Lê Thế Thọ:
Từng là danh thủ tên tuổi trên sân cỏ ở thập niên 60-70 thế kỷ trước và là cựu Phó Chủ tịch VFF, ông Lê Thế Thọ hiểu rõ về những vấn đề của bóng đá Việt Nam. Và trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Thọ không ngần ngại chia sẻ những nhận định "gai góc" của một người đã từng nhiều năm "ăn bóng đá, ngủ bóng đá".
Theo ông Thọ, bóng đá có luật 12 và nó quy định cho mỗi cầu thủ bị phạt như thế nào trên sân, FIFA đã quy định khá chi tiết và chặt chẽ. Nhưng ở Việt Nam, các cầu thủ lại tận dụng những sai phạm tới mức không thể tưởng tượng nổi, trong đó có tư tưởng chơi bóng "hủy diệt" đối phương, một thói quen xấu.
“Việc cầu thủ chơi bóng thô bạo, liên quan đến rất nhiều phía. Thứ nhất là bộ máy lãnh đạo, họ đã làm gì, có những quy định, điều lệ gì và trước những sự việc đó cách hành xử của họ như thế nào?.
Vấn đề bạo lực không phải xảy ra ngày hôm nay, nó tồn tại ở các mùa giải và có sự lặp lại. Nhưng bộ máy điều hành lại không có những biện pháp xử lý triệt để, hoặc có nhưng lại theo kiểu…tình cảm, theo quan hệ với các CLB và nó khiến một bộ phận trọng tài không theo nổi. Họ nghĩ nếu làm mạnh sẽ ảnh hưởng đến ông này, bà nọ. Chỉ khi sự việc xảy ra trước mắt quần chúng, họ không thể lấp liếm được, nên buộc lòng Ban kỷ luật phải làm mạnh”, ông Thọ chia sẻ về nguyên nhân tồn tại của nạn bạo lực trên sân cỏ trong nước.
Ông Thọ quan tâm đến hai trường hợp bạo lực khiến dư luận bức xúc nhiều nhất, đó là pha vào bóng của Đình Đồng và cầu thủ nhập tịch Đinh Văn Ta ở V-League gần đây.
“Trọng tài chỉ rút thẻ vàng sau pha vào bóng khiến Anh Hùng gãy chân, nhưng sau đó Ban kỷ luật lại ra án phạt rất nặng. Vì sao như vậy?. Đây là thái độ “tiền hậu bất nhất”. Những thói quen, mối quan hệ đã khiến trọng tài không biết phương hướng của mình như thế nào để đưa quyết định tại một thời điểm.
Sau khi bản án được ban hành cho hai cầu thủ trên, Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hương có phát biểu, bây giờ VFF sẽ ủng hộ việc làm quyết liệt hơn với những lỗi thô bạo và hành vi chơi xấu. Tôi xin hỏi lại, thế từ trước đến nay VFF không ủng hộ việc đó sao? Đó có vẻ là việc một số đội bóng “nuông chiều” các quan chức để dựa dẫm, dẫn đến tình trạng như bây giờ”, ông Thọ phân tích.
Chuyên gia Lê Thế Thọ chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực như hiện nay của bóng đá Việt Nam - Ảnh Hồng Phú
Cũng theo chuyên gia này, vấn đề kỷ luật liên quan đến những sai phạm của các trọng tài, cầu thủ, HLV, thành viên BHL, hay cả các quan chức chưa thực sự minh bạch và nghiêm minh.
“VFF xử án theo dư luận chứ không phải án tại hồ sơ. Có thể ví dụ, đối với trường hợp của cầu thủ Đinh Văn Ta, tôi cho rằng lỗi sai phạm khi vào bóng với Danny David còn nguy hiểm hơn cả tình huống Đình Đồng phạm lỗi với Anh Hùng. Nhưng Ban kỷ luật không thấy có gãy chân, hoặc tổn thương nặng, nên họ không xử nghiêm.
Còn Đình Đồng dù mức độ nhẹ hơn, nhưng do dư luận quan tâm, lên án, nên họ phải làm mạnh tay. Mặt khác, bản thân việc xử án của Ban kỷ luật cũng không giữ đúng phong độ, làm theo kiểu có chỉ đạo…và phụ thuộc vào dư luận”, ông Thọ đưa thêm dẫn chứng cho những câu chuyện thời sự của bóng đá nội.
Vấn đề thứ hai khiến nạn bạo lực trên sân bóng Việt Nam có xu hướng gia tăng, theo ông Lê Thế Thọ là do công tác giáo dục. “Hiện tại, giới bóng đá phần đông không được giáo dục đầy đủ về mặt tư cách đạo đức, làm người, làm nghề và cách hành xử giữa con người với con người. Từ trước tới nay, tôi chưa nhìn thấy VFF tổ chức một buổi tham luận, hay một lớp tập huấn về đạo đức cho HLV, cầu thủ, trọng tài… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực như hiện nay. Nếu các nhà làm bóng đá không chấn chỉnh và kịp thời hành động, tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục bùng phát”, ông Thọ nói.
Một nguyên nhân nữa mà theo ông Thọ có ảnh hưởng khá nhiều tới tư cách và nhân cách cầu thủ, đó là việc treo thưởng lớn cho mỗi trận thắng.
Trước câu hỏi, phải chăng các trọng tài đang hành nghề ở V-League yếu kém về mặt chuyên môn nên dẫn đến hàng loạt các sai phạm, ông Thọ đã cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng, các trọng tài đang làm việc chuyên môn chỉ ở mức bình thường. Có những người bắt ở trong nước kém, nhưng điều hành các trận đấu quốc tế lại khá tốt. Vậy nguyên nhân từ đâu? Giải quốc tế họ chấp nhận những điều đúng, còn ở Việt Nam chuyện tình cảm nhiều khi còn quan trọng hơn luật lệ”.
Bóng đá Việt Nam đã gắn mác chuyên nghiệp được hơn 10 năm nay, nhưng do còn yếu kém trong công tác quản lý điều hành giải, nên mới đây VPF đã quyết định thuê một chuyên gia nước ngoài làm trưởng BTC. Vấn đề này đã được ông Thọ đề cập: “Chưa khi nào tôi nghĩ V-League là giải đấu chuyên nghiệp, có chăng chuyên nghiệp ở đây chỉ là tiền lương cao. Còn tất cả các cách hành xử, điều hành từ trên xuống dưới, tới các đối tượng, nhà quản lý, cầu thủ, BHL… và các ông bầu không phải là những người chuyên nghiệp.
Về việc VPF mời một người nước ngoài điều hành giải trong nước là một sự trớ trêu. Việt Nam có hàng triệu công dân, hàng trăm chuyên gia lại không làm được trưởng BTC giải bóng đá. Đưa một người ngoài vào quản lý “đứa con” của mình, làm sao họ hiểu tính nết “con mình" như thế nào, đâu là điểm mạnh, điểm yếu, làm sao họ hiểu những mối quan hệ ngầm, giữa trọng tài, đội bóng và ông chủ…
Tôi cho rằng việc mời người nước ngoài điều hành giải là họ trốn trách nhiệm, đưa lên để dễ đùn đẩy những tai tiếng. Trong khi đó, những người đang làm việc ở VFF, VPF, họ được ăn lương để làm bóng đá, tại sao họ không làm mà lại đi thuê người khác làm cho mình? Tôi nghĩ đây là một sự xấu hổ”, ông Thọ nhấn mạnh.