Ông Kim Sang-sik cần mạo hiểm hơn
TP - Nhà cầm quân Hàn Quốc cần được cởi bỏ áp lực về thành tích trong ngắn hạn để mạnh dạn hơn trong việc trao cơ hội cho các gương mặt trẻ tiềm năng tại ASEAN Cup 2024 sắp tới. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu có sự đồng thuận giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), giới hâm mộ cũng như những người làm chuyên môn.
Cầu thủ Việt Nam sau trận hòa Ấn Độ 1-1 hôm 12/10
Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Kim Sang-sik trong bản hợp đồng 2 năm với VFF là đưa đội tuyển Việt Nam vào tới trận chung kết ASEAN Cup 2024, diễn ra cuối năm nay. Đây là mục tiêu tương đối hợp lý nếu xét thành tích 2 kỳ gần nhất của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo.
Tuy nhiên, với những diễn biến của bóng đá Việt Nam gần đây cũng như tương quan với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á, đến thời điểm hiện tại có thể thấy đó không phải mục tiêu dễ đạt được. Thái Lan sau một thời gian sa sút khi chia tay HLV Kiatisuk hồi năm 2016 đã sớm trở lại vị thế số 1, và 2 cúp vô địch AFF Cup (tiền thân ASEAN Cup) là minh chứng. Đội bóng xứ Chùa vàng sở hữu lực lượng có chiều sâu, với những ngôi sao nổi bật như Chanathip Songkrasin, Theerathorn Bunmathan…
Malaysia, đối thủ khó chịu với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, đang có phần đi xuống. Tuy nhiên chiều ngược lại, Indonesia và Philippines lại trở nên khó lường dựa vào chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch hàng loạt. HLV Shin Tae-yong cũng đã cầm quân lâu năm, đủ thời gian để xây dựng một đội bóng ổn định, đồng thời lại rất hiểu bóng đá Đông Nam Á.
Nhìn lại đội tuyển Việt Nam, lứa cầu thủ hay bậc nhất trong lịch sử như Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải hay cả Hoàng Đức… hiện đều không còn giữ được phong độ và khát vọng chiến đấu thời đỉnh cao. Bản hợp đồng với đội hạng Nhất Phù Đổng Ninh Bình của Hoàng Đức khiến giới hâm mộ không khỏi lo lắng. Bản thân HLV Kim Sang-sik hẳn không thể yên tâm khi quân bài quan trọng bậc nhất ở hàng tiền vệ lại xuống chơi bóng ở hạng đấu thấp hơn, vốn khó đảm bảo được chất lượng chuyên môn như V-League.
Ngoài Hoàng Đức, một tuyển thủ khác là thủ môn Đặng Văn Lâm cũng xuống hạng Nhất chơi bóng. Về mặt cá nhân, những cầu thủ như Hoàng Đức, Văn Lâm có quyền lựa chọn theo mục tiêu của mỗi người nhưng với bóng đá Việt Nam, đó không thể là câu chuyện bình thường. Nó cho thấy bóng đá Việt Nam đang tồn tại những vấn đề hiếm khi xảy ra trong chuỗi vận động thông thường của bóng đá.
Trên thực tế khi ký hợp đồng với HLV Philippe Troussier, một mục tiêu VFF và nhà cầm quân người Pháp hướng đến là đào tạo cầu thủ trẻ để chuẩn bị cho các mục tiêu lâu dài. Đó là một phép tính đúng, ngoại trừ một thực tế VFF không tính đến: áp lực về thành tích trong ngắn hạn. Ông Troussier đã ra đi khi những thử nghiệm về nhân sự, đội hình và lối chơi của đội tuyển Việt Nam còn chưa hoàn thiện.
Những thất bại liên tiếp khi sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, không động viên được tinh thần chiến đấu của cầu thủ cũ đã khiến ông Troussier chịu sức ép rất lớn, bị số đông giới hâm mộ phản ứng. Điều này hoàn toàn có thể tái diễn với HLV Kim Sang-sik nếu ở ASEAN Cup 2024, thành tích của đội tuyển Việt Nam không tốt.
Có vẻ như chính áp lực trên đã khiến ông Kim Sang-sik không thể mạnh tay hơn trong việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ như người tiền nhiệm. Ông đã gọi lại những cái tên quen thuộc như Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải, Quang Hải… sử dụng bộ khung với đa số là các trụ cột thời đồng hương Park Hang-seo. Chỉ số ít gương mặt trẻ được ra sân trong các trận đấu giao hữu chuẩn bị trước thềm ASEAN Cup 2024.
Với thực tế bóng đá Việt Nam hiện nay, nếu không đưa ra những kế hoạch “thay máu” quyết liệt, đội tuyển Việt Nam có thể tiếp đà sa sút kéo dài khi mà lứa già đã cạn động lực còn lứa trẻ lại không được thử lửa thường xuyên. Nếu không chấp nhận những thất bại trong ngắn hạn, đội tuyển Việt Nam khó lòng đạt được những mục tiêu cao hơn trong dài hạn.
Nguồn: [Link nguồn]
(PLO)-Tuyển Việt Nam rất nhạt nhòa, mảng miếng tung ra đúng thời điểm không có, tính sáng tạo, đột biến cũng không