Ông Hải, Bình Dương và… đội tuyển
Từ trận B. Bình Dương thua đậm một CLB của Nhật ấy, ông Lê Thụy Hải bất giác chạnh lòng… so sánh đẳng cấp giữa các đội tuyển Việt Nam còn lâu mới theo kịp người Nhật.
Đêm 14-3, đội B. Bình Dương đã lên đường đi Hàn Quốc đá trận thứ ba vòng loại AFC Champions League trên sân Jeonbuk Huydai Motors. Bóng chưa lăn nhưng có thể thấy thầy trò ông Lê Thụy Hải sẽ lại thua vì đẳng cấp quá chênh lệch giữa hai đội và bởi tư tưởng “đá bỏ” sau hai trận ra quân toàn thua.
Thực tế B. Bình Dương đã gắng sức chơi hai trận đầu, thua Shangdong Luneng (Trung Quốc) 2-3 trên sân nhà và gãy nặng 1-5 ở sân khách Kashiwa Reysol (Nhật) khiến mọi toan tính gây sốc tiêu tan.
Sau trận B. Bình Dương thua đậm trong chuyến đi Nhật, ông Lê Thụy Hải thật lòng chia sẻ: “Các đội bóng Nhật có điều kiện tập luyện, sân bãi cực tốt, hệ thống đào tạo trẻ bài bản, chuyên sâu, còn chúng ta có gì?”.
Câu hỏi rất thực tế này không phải ai cũng trả lời đầy đủ và đấy mới chỉ là điều kiện cơ bản để xây dựng một chân đế vững chắc từ cái nền CLB. Dĩ nhiên, HLV Lê Thụy Hải không quên nhắc đến công tác đào tạo trẻ bài bản dù cách nói của ông có phần gay gắt: “Bóng đá Việt Nam khoan hãy mơ mộng Olympic, World Cup, AFC Champions League…
Vấn đề của chúng ta là phải đào tạo trẻ bài bản, phải tạo điều kiện để các CLB xây dựng hệ thống sân bãi, điều kiện ăn ở, tập luyện. Bởi thực tế ngoài HA Gia Lai, các CLB của mình có gì đâu? Sân là của địa phương, suốt ngày mít tinh, phong trào… Sân của CLB chuyên nghiệp không nên như thế”.
Mặt bằng bóng đá Việt Nam rất hiếm những CLB làm bài bản tuyến trẻ như HA Gia Lai và đó là lỗ hổng lớn trong giấc mơ Olympic hay World Cup
Ông Hải nói không sai về thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện tại bởi sự thiếu chuyên nghiệp đồng bộ VFF cho đến các thành viên CLB. Ngay cả B. Bình Dương của ông Hải có hẳn trung tâm đào tạo trẻ và những ông giáo dạy trẻ đá bóng nhưng có cho ra đời lứa trẻ nào lên đội lớn hay chỉ vác tiền đi mua cầu thủ giỏi về chơi bóng để giải ngân.
Chợt nhìn Trung tâm Đào tạo trẻ VFF xây dựng cùng thời kỳ với Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG của bầu Đức sau tám năm cũng chẳng có mống tài năng nào xuất hiện.
Không phải VFF không biết để thay đổi nhưng rồi nhiệm kỳ nào cũng chỉ thấy hô khẩu hiệu rồi… để đó, trong khi ở cấp đội tuyển chỉ mỗi việc giao khoán cho thầy ngoại là xong. Mỗi mùa giải, các đội gom quân đá vài tháng rồi nghỉ khỏe, còn các giải quốc tế đến hẹn lại lên thi xong xuôi chúng ta lại về.
Vì thế việc ông Lê Thụy Hải nhắn nhủ giới hâm mộ đừng kỳ vọng nhiều vào thành công của các đội tuyển dưới thời HLV Miura không phải vô lý. Cứ nhìn cái kiểu mỗi lần hội quân, ông thầy người Nhật lại hối hả nhồi thể lực và dạy các bài kỹ thuật cơ bản lẫn cầm tay chỉ việc cho mỗi cầu thủ học chiến thuật đủ thấy ông vất vả đến cỡ nào.
Hơn 20 năm qua kể từ ngày hội nhập quốc tế trở lại, bóng đá Việt Nam mãi một giấc mơ con vô địch SEA Games. Khi mà tư duy làm bóng đá của các nhà quản lý và điều hành vẫn chỉ một lối mòn thì lời ông Lê Thụy Hải tuy dễ mích lòng nhưng lại là một thực tế của người từng trải với một nền bóng đá cũ kỹ.