Ở Premier League, trọng tài mới “là cha là mẹ”
Ở một nền bóng đá phát triển nhất thế giới như xứ sương mù, các trọng tài được FA bảo vệ tuyệt đối và thậm chí không bị đếm chứ đừng nói đến soi mói những sai lầm cá nhân.
Napoleon có một câu bất hủ: "Nếu không trực tiếp chỉ huy, đừng bao giờ chỉ trích một trận đánh". Rõ ràng chê bai bao giờ cũng dễ hơn là làm.
Công bằng mà nói các trọng tài nên nhận được sự tôn trọng trừ khi đạo đức có vấn đề (dàn xếp tỷ số, mua độ). Nên nhớ khi xem bóng đá qua TV, chúng ta có góc nhìn tốt hơn là những người "mặc đồ đen". Đa số đều không khó để ra quyết định đúng chỉ với một lần xem quay lại.
Trọng tài chỉ nên bị trừng phạt nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp
Khi trọng tài mắc sai lầm, tức giận nhất vẫn là các CĐV - những người xem bóng đá bằng trái tim chứ không phải lý trí. Tiếp đến là cầu thủ, HLV và ban huấn luyện.
Liên đoàn bóng đá Anh (FA) hiểu rõ tâm lý ấy và luôn cố gắng bảo vệ những nhân viên của mình theo cách tốt nhất có thể.
FA là một trong những liên đoàn từ chối quyết liệt việc áp dụng công nghệ vào trận đấu. Dù điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho trọng tài trong việc đưa ra quyết định đúng.
Họ ủng hộ các ông Vua áo đen theo cách khác, cứng cỏi và trực diện hơn. Từ mùa giải năm ngoái, FA đã nới rộng khoảng cách giữa trọng tài và các cầu thủ. CLB sẽ bị phạt nếu có hơn 2 cầu thủ của họ trách vấn trọng tài hay trợ lý trọng tài trên sân.
Khi có điều phàn nàn hay bất mãn, trọng tài sẽ trao đổi với cầu thủ đó cùng với đội trưởng của anh ta. Không có chuyện dùng số đông để gây sức ép với thiểu số, như những hình ảnh xấu xí chúng ta thường thấy tại Champions League hay La Liga.
Cầu thủ Barca bao vây trọng tài ở một trận Clasico
Cầu thủ Chelsea gây sức ép để Ibrahimovic bị đuổi ở Champions League mùa trước
Từ 1/6 tới, trọng tài còn có thể rút thẻ đỏ ngay bên ngoài sân, trong đường hầm để đuổi cầu thủ hay là HLV.
Những chuyện như hành hung trọng tài hay bỏ thi đấu chẳng bao giờ xảy ra ở giải đấu cao nhất nước Anh. Các cầu thủ chuyên nghiệp đều hiểu sai lầm là một phần của bóng đá. Hôm nay cay cú vì một quả phạt đền oan uổng, hôm sau rất có thể đến lượt họ hưởng lợi. Đó là chuyện bình thường và chỉ trở nên to tát bởi truyền thông lắm chuyện.
FA bảo vệ các trọng tài ở nước Anh tuyệt đối đến mức cấm mọi hình thức "tấn công" dù bằng lời nói. Nếu các cầu thủ hay HLV không giữ được "mồm miệng", họ sẽ phải trả cái giá đắt bằng tiền phạt và cả án truất quyền ra sân vài trận.
Trọng tài Mark Clattenburg của Anh sẽ bắt trận chung kết Champions League mùa này
Nhà cầm quân tài ba, Jose Mourinho, nổi tiếng với những phát ngôn ngông cuồng cũng phải chùn "miệng" trước FA. Ông càng khiến Chelsea thêm suy sụp ở lượt đi mùa này với phát biểu "có một chiến dịch chống lại chúng tôi" hay "phân biệt đối xử trắng trợn".
Cho đến khi bị sa thải, Mourinho chỉ còn biết "lải nhải" kiểu úp mở: "Các bạn đều biết điều đã xảy ra. Nhưng nếu tôi nói ra thì sẽ bị phạt". Hai "cây đa cây đề" Sir Alex và Arsene Wenger cũng chịu chung số phận.
Cuối cùng, FA không bao giờ đếm số lỗi của các trọng tài để ghi lại. Họ không cho phép một ông Vua áo đen thừa nhận hay thảo luận về sai lầm của bản thân.
Chuyện này có nghĩa người "cầm cân nảy mực" ở Anh luôn đúng trong sự nghiệp cầm còi. Nếu mắc sai lầm nào đó quá nghiêm trọng khiến lương tâm cắn rứt, đôi khi trọng tài sẽ ghé qua phòng thay đồ của đội bóng để nói lời xin lỗi, giữa hiệp hay cuối trận đều được nhưng phải kín đáo.
FA không cho phép trọng tài thừa nhận dù mắc lỗi khó tin
Dĩ nhiên chuyện này không được ghi lại và chỉ xuất hiện trên báo chí theo dạng truyền khẩu.
Đó là lý do các giải đấu không bao giờ công bố tên trọng tài bắt chính từ quá sớm. Nếu ông ta mắc lỗi ở vòng trước thì sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý và cần có thời gian để "hồi phục". Khi ấy tốt nhất là cho nghỉ một tuần hay điều cho các trận đấu ít căng thẳng hơn.
Không đâu như ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, trọng tài mới thực sự “là cha là mẹ”.