Nửa đường V-League
Sau nhiều quãng nghỉ mà các CLB phải hy sinh và chấp nhận đội lương lên vì các đội tuyển làm nhiệm vụ V-League đã cho ra sản phẩm gì?
V-League đi nửa chặng đường mà có cổ động viên SL Nghệ An dám thề rằng đội nhà sẽ hạ cánh ở khung hạng 5-7 chứ không thể vô địch khi lực thì yếu mà tài chính thì thiếu. Cũng nửa chặng đường đấy ai cũng nói B. Bình Dương sẽ một mình về đích bởi ông bầu thích vô địch là bầu Hiển thì đã dốc sức vào “cúp Man xanh” chứ không máu chơi cúp Toyota.
V-League năm nay ít cãi cọ và tranh chấp phần vì ít ông bầu máu kiểu bầu Đức, bầu Thắng ngày nào. Được mỗi ông bầu có cá tính là bầu Đệ thì chưa đi nửa đường đã bỏ cuộc chơi để đội Thanh Hóa phải gấp rút “đổi chủ”. Còn mỗi Than Quảng Ninh chơi bằng tiền của nhiều doanh nghiệp và có cơ chế thoáng thì chưa đủ cơ để đánh bại những đội sừng sững như B. Bình Dương.
Các cầu thủ trẻ HA Gia Lai vật lộn với V-League khi sớm bị bắt lên đá V-League vì sự hưng phấn quá đà của “người lớn”. Ảnh: QUANG THẮNG
Những mùa trước, B. Bình Dương cứ muốn vô địch là phải rước thầy Lê Thụy Hải về nhưng bây giờ thì điều ấy gần như không hiện hữu nữa. Ông Hải đi rồi (đúng hơn là bị B. Bình Dương cho nghỉ) thì đội bóng đất Thủ vẫn mạnh hơn và ổn hơn, đặc biệt là những cầu thủ ông Hải nhốt trên ghế dự bị lập tức khẳng định mình.
Nửa mùa V-League nhìn xuống thấy chẳng ai dám tuyên chiến với B. Bình Dương. Trước đây còn có SL Nghệ An nhưng bây giờ thì đội bóng này đang chơi mùa 2015 mà lo kinh phí, lo tìm nhà tài trợ mới cho mùa 2016 thì tâm trí đâu mà nghĩ đến ngôi vô địch. Đó là chưa kể có bao nhiêu biểu tượng, bao nhiêu cầu thủ giỏi đến tuổi được đi đã đi hết thì lấy đâu người để tranh giành ngôi vua.
Nửa đường V-League ngay cả nhà đài được ưu tiên số một chọn trận hay, đội hay cũng phải thay đổi kế hoạch. Họ không còn “đeo” đội bóng đông khán giả nhất và có ông bầu chịu chơi lẫn chịu chi nhất.
Nếu cân đong đo đếm yếu tố chuyên môn thì nửa đường V-League có gì đáng nêu từ yếu tố đấy? Có thể lấy trận nhiều cầu thủ cao giá nhất (B. Bình Dương) với trận nhiều cầu thủ trẻ nhất (HA Gia Lai) làm thước đo cho bộ mặt chuyên nghiệp của Toyota V-League thì có gì đáng để mừng?
Khi mà lứa U-19 từng gây sốt giờ phải phá đi lối chơi truyền thống làm nên bản sắc của mình để chống chọi với đội bóng có thể đá với sáu “Tây”; hoặc khán giả Bình Dương đội nắng đến chật sân và chờ cả tiếng đồng hồ chỉ để thỏa mãn với những tên tuổi U-19 được nhắc đến ra rả nhưng khi bị bắt đá V-League để thỏa mãn sự sung sướng của người lớn thì nhọc nhằn với nỗi khổ của người trẻ. Nói về vấn đề này bài báo “Nghiệp dư “toàn tập”” của tác giả Trường Huy trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 29-6 đã nói lên tất cả. Giật mình khi đây đang là mùa chuyên nghiệp thứ 15 của bóng đá Việt Nam.
Có ai biết V-League vừa khởi đi thì cái công ty cổ phần VPF lo điều hành giải đấu họp đại hội cổ đông mà có quan to ở VFF (VFF thực chất cũng chỉ là một trong những cổ đông) lại dám chỉ ông tổng giám đốc rồi đòi ông này phải nghỉ để nhường ghế lại cho người của VFF (!?). Và lúc đấy thì nhiều người giật mình vì cái Công ty Cổ phần VPF do các CLB làm cổ đông chính lại bị điều hành như một công ty gia đình thì lấy đâu người làm chuyên môn.
Nửa chặng đường V-League rõ ràng vẫn còn tối tăm lắm và chưa thấy có gì sáng ở nửa còn lại.
Cực trên vô đối, cực dưới mất bản sắc Sau 13 vòng đấu, đương kim vô địch B. Bình Dương (thắng 9/13 trận, 28 điểm, ghi 30 bàn thắng nhiều nhất giải) vẫn chễm chệ trên ngôi đầu trong khi HA Gia Lai phải lo trốn rớt hạng. Ở đáy bảng, HA Gia Lai luôn gây nên một sự kỳ thú cho V-League với tư thế một kẻ đang tìm đường chạy trốn rớt hạng nhưng lại là cái tên làm cháy phòng vé. Thầy trò HLV Guillaume đứng thứ 12, có cùng điểm 9 với Đồng Nai nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại và chỉ hơn đội cuối bảng Cần Thơ 2 điểm. Sai lầm lớn nhất của HA Gia Lai là cầu thủ trẻ quá thiếu chỗ dựa từ các đàn anh lão luyện vì sợ đánh mất đi bản sắc. Nghiệt nỗi sau chuỗi trận thua dài tám trận, họ lại đang dần từ bỏ bản sắc để mong trụ lại V-League lành ít dữ nhiều. GIA HUY |