Nữ tiền đạo Huỳnh Như: “Hoa lạc giữa rừng gươm”
Người ta thường nói, 30 tuổi là lúc các cầu thủ bóng đá nghĩ tới những dự định tương lai. Trong khi nhiều đồng nghiệp nam đã sẵn sàng cho tâm lý giải nghệ ở “ngưỡng 30”, Huỳnh Như vẫn miệt mài cống hiến và thậm chí còn có cơ hội tới châu Âu thi đấu. Nhưng, trước ngưỡng cửa danh vọng, cô gái nhỏ bé người Trà Vinh vẫn chấp nhận gạt bỏ cơ hội đổi đời để ở lại phục vụ quốc gia và cũng là thực hiện giấc mơ của một người phụ nữ.
Một mình một kiểu
Từ lâu, Trà Vinh đã “mất tích” trên bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam. Vì thế, không ai ngờ rằng đây lại là nơi sản sinh ra tiền đạo nữ hàng đầu Việt Nam hiện nay: Huỳnh Như.
Bóng đá cũng như cuộc sống, luôn có những cơ duyên mà cho đến khi mọi chuyện đã xảy ra, người ta cũng không cách nào giải thích. Cũng giống như hành trình của Huỳnh Như đi lên từ một địa phương không có phong trào bóng đá mạnh, bắt đầu muộn nhưng gặt hái thành công nhanh chóng và bền bỉ.
Giống như hầu hết các cầu thủ bóng đá khác, thứ nuôi dưỡng tinh thần và thôi thúc cô theo nghiệp đá bóng chính là tình yêu trái bóng tròn. Chuyện kể rằng Huỳnh Như từng đi đá giải cấp nhi đồng huyện khi mới học lớp 5, cô tả xung hữu đột giữa các bạn nam và giành luôn giải “Vua phá lưới”.
Huỳnh Như được vinh danh ở quê nhà Trà Vinh sau những thành công cùng tuyển nữ Việt Nam.
Về xóm chợ nơi Huỳnh Như sinh ra, nói đến tên cô là ai cũng biết. Trước khi trở thành Đội trưởng tuyển nữ Việt Nam, giành 3 Quả bóng vàng nữ, Huỳnh Như từng có những năm tháng đầu đời chạy khắp xóm với trái bóng, luồn lách qua từng dãy hàng quán và chiếm luôn một bãi đất nhỏ trong chợ làm sân bóng. Không ai nhớ cô nàng và các bạn đã phải bao nhiêu lần rón rén lấy lại trái bóng sau khi lỡ chân sút đổ hàng hóa của những bà bán hàng ở chợ.
Trong những năm tháng đó, Huỳnh Như không thiếu thốn quá nhiều nhưng đam mê với trái bóng tròn khiến cô bỏ qua mọi trò chơi khác. Có người bảo cô yêu bóng đá từ trong bụng mẹ, bởi lẽ bà Lài - mẹ Huỳnh Như mang thai cô đúng vào dịp World Cup và xem không thiếu trận nào trên truyền hình.
“Hồi mang bầu Như, đúng dịp World Cup, hai vợ chồng xem hết các trận. Khi đó, tôi còn nói với ông nhà, giá như sau này mình cũng có đứa con giỏi đá bóng, đi khắp nơi thì thích biết mấy. Ai ngờ điều ước đã thành sự thật”, bà Lài bộc bạch.
Có lẽ thời gian 30 năm khiến bà nhầm lẫn đôi chút. Huỳnh Như sinh vào tháng 11-1991, trong khi World Cup Italia đã diễn ra từ một năm trước đó. Chỉ có một điều chắc chắn chính xác, cha mẹ Như đều yêu bóng đá và đó là nền tảng vững chắc cho cô tiến bước trên con đường sự nghiệp.
Trong cái rủi có cái may
Dù mê bóng đá nhưng phải đến năm 16 tuổi - khi học lớp 10, Huỳnh Như mới có cơ hội ăn tập chuyên nghiệp khi Trà Vinh mở CLB bóng đá nữ và đi khắp tỉnh tìm kiếm tài năng. Vốn “nổi tiếng” ở xóm chợ từ bé, Huỳnh Như nhanh chóng được mọi người giới thiệu và cô cũng không mất nhiều thời gian để lọt vào tuyển năng khiếu của tỉnh.
Huỳnh Như giành Quả bóng vàng 2020 sau khi giúp CLB TP Hồ Chí Minh giành cú đúp quốc nội.
Thời ấy, Huỳnh Như đạp xe 20 cây số mỗi lượt từ nhà đến sân tập rồi trưa lại đi học. Thể lực bền bỉ của Như có đóng góp không nhỏ của những ngày gian khó đó.
Tuy nhiên, trời không hay chiều lòng người. Nỗ lực đến vậy, được gia đình ủng hộ đến vậy nhưng Huỳnh Như suýt nữa phải bỏ bóng đá giữa chừng vì CLB bóng đá nữ Trà Vinh bị... giải thể. Ở địa phương mà bóng đá nam còn không phát triển thì tìm kinh phí cho bóng đá nữ là “nhiệm vụ bất khả thi”.
May mắn thay, đây chỉ là thử thách mà số phận sắp đặt cho Huỳnh Như lựa chọn. Bỏ ngang bóng đá và chuyển sang bộ môn khác đang được tỉnh đầu tư hoặc tự mình tìm hướng đi khác. Nếu ngày đó, Huỳnh Như từ bỏ bóng đá, tuyển... bi sắt Việt Nam có thể đã có thêm một vận động viên xuất sắc. Nhưng cô không từ bỏ và Việt Nam có một trong những tiền đạo nữ ở nhóm hàng đầu khu vực.
Thầy Minh (như lời Huỳnh Như gọi) là người tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đời của cô. Không muốn phí hoài tài năng hiếm có của Như, ông đã ngỏ lời đưa cô lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục theo học bóng đá.
Không mất nửa giây suy nghĩ, Huỳnh Như lập tức đồng ý. Cô bé 16 tuổi năm đó được mô tả là nhút nhát, khép kín nhưng luôn trở thành một phiên bản trái ngược khi liên quan đến trái bóng tròn. Sau này suy nghĩ lại, Huỳnh Như cũng không hiểu bản thân lấy ở đâu sự quyết đoán. Một cô gái nhỏ quyết định xa gia đình chỉ để chơi bóng.
“Quả thật tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ cần được đi chơi bóng là tôi sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu. Lúc đầu, thầy còn bảo ra Bắc, tôi cũng đồng ý luôn”, Huỳnh Như nhớ lại.
Có lẽ, sự quyết đoán đã nằm trong bản năng của Huỳnh Như. Nhờ vậy mà cô ngày càng trở nên đáng sợ trước khung thành của đối phương. Các tiền đạo đôi khi chỉ hơn thua nhau ở chỗ họ có dám sút bóng vào đúng thời điểm hay không.
Nếu không có sự quyết đoán đó, câu chuyện và số phận của Huỳnh Như đã khác. Lên TP Hồ Chí Minh, cô phải thử việc 3 tháng không lương. Cho dù được mẹ chu cấp tiền sinh hoạt nhưng Huỳnh Như vẫn thiếu thốn đủ đường. Cô thậm chí phải mượn tiền cô giáo vụ ở trung tâm để mua giày đá bóng.
Tuy nhiên, khó khăn này đương nhiên không thể cản bước Như mà ngược lại, nó càng khiến cô quyết tâm hơn. Khi đã chọn bóng đá làm sự nghiệp, Huỳnh Như luôn tâm niệm rằng cô phải kiếm được tiền bằng nghề này. Một cô gái từ quê lên tỉnh theo đuổi giấc mơ của cuộc đời, Huỳnh Như sẽ không còn nhiều lựa chọn nếu thất bại.
Gạt mộng trời Âu vì nghĩa quốc gia
Năm ngoái, Huỳnh Như cùng Tuyết Dung và Hải Yến bất ngờ nhận được lời mời sang Bồ Đào Nha thi đấu từ Lank FC. Ở tuổi ngấp nghé 30, đây giống như câu chuyện cổ tích có hậu với Huỳnh Như.
Huỳnh Như luôn là đầu tàu trong các đội bóng cô khoác áo.
Trong số 3 người được mời, Huỳnh Như là người được Lank FC săn đón nhất. Khác với Tuyết Dung và Hải Yến, quá trình đàm phán với Huỳnh Như được CLB Bồ Đào Nha đẩy lên rất nhanh. Thương vụ thậm chí đã đi đến những bước cuối cùng: làm thủ tục giấy tờ, xin giấy phép lao động, ký hợp đồng ghi nhớ và đặt mua vé máy bay.
Nếu không có gì thay đổi, Huỳnh Như đã có mặt ở Bồ Đào Nha vào thời điểm này và trở thành nữ cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại. Không chỉ xuất ngoại, mà sang châu Âu thi đấu - điều cho đến lúc này, vẫn có rất ít nam cầu thủ làm được.
Thế nhưng, vào phút chót, Huỳnh Như quyết định... ở lại TP Hồ Chí Minh. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến Huỳnh Như gạt bỏ giấc mơ châu Âu là vì các mục tiêu lớn với đội tuyển nữ Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, việc đi lại giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn và mất thêm thời gian cách ly. Huỳnh Như lo ngại nếu sang Bồ Đào Nha thi đấu, cô sẽ không thể cống hiến cho đội tuyển.
Cuối năm nay, SEA Games sẽ được tổ chức tại Việt Nam và đó có thể là kỳ SEA Games cuối cùng của tiền đạo 30 tuổi này. Cô muốn cùng đồng đội bảo vệ huy chương vàng trước khi nhường chỗ cho lớp đàn em. Một cái kết đẹp cho sự nghiệp đầy phiêu lưu, vốn bắt đầu rất muộn của Như.
Xa hơn, Huỳnh Như muốn dồn sức trong những năm cuối sự nghiệp để giúp tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup. Không phải châu Âu, đó mới là ước nguyện cả đời của Huỳnh Như, mà nếu thành sự thật, câu chuyện của cô có thể truyền cảm hứng cho các cô gái yêu bóng đá.
Cuối cùng, cũng giống như bao cô gái Việt Nam khác, Huỳnh Như không sẵn sàng rời quê hương khi chưa yên bề gia thất. Cho dù là Quả bóng vàng danh tiếng, cô cũng phải đối mặt với câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?” mỗi khi về quê ăn tết, thăm hàng xóm láng giềng, anh em họ hàng. Như thấy áp lực mỗi khi nghe câu hỏi đó và cũng thấy trăn trở. Như, cũng giống bao người con khác, muốn có hạnh phúc của riêng mình.
World Cup 2023, đích đến của Việt Nam Năm ngoái, khi trả lời trang chủ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Huỳnh Như không ngần ngại khẳng định World Cup 2023 là thời cơ vàng cho tuyển nữ Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ tham dự sân chơi lớn nhất hành tinh. “Việc FIFA tăng từ 24 đội lên 32 đội tham dự cộng thêm Australia làm chủ nhà mở ra cơ hội lớn cho bóng đá nữ Việt Nam. Tôi tin rằng lãnh đạo VFF cùng ban huấn luyện sẽ có những kế sách phù hợp để giúp đội tuyển tận dụng thời cơ này”, Huỳnh Như nói. Theo phân bổ của FIFA, AFC sẽ có 6 suất vào thẳng Vòng chung kết World Cup 2023, tính cả đội chủ nhà Australia và 2 suất tham dự vòng play-off (bao gồm 10 đội tuyển từ các châu lục khác nhau, tranh 3 vé vớt). Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, tuyển nữ Việt Nam đứng thứ 34 thế giới và thứ 5 ở châu Á, chỉ sau Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa chúng ta hoàn toàn có khả năng giành vé đến World Cup 2023, ít nhất về lý thuyết. Ở vòng play-off tranh vé dự Olympic Tokyo 2020, tuyển nữ Việt Nam thua tuyển Australia 0-5 trên sân khách nhưng chỉ thua 1-2 tại sân nhà. Người ghi bàn duy nhất cho Việt Nam chính là Huỳnh Như. Trong quá khứ, tuyển nữ Việt Nam chưa từng chọc thủng lưới Australia. Vì thế, thất bại này vẫn đánh dấu một bước tiến quan trọng của Huỳnh Như và các đồng đội. Việc chơi ngang ngửa, tự tin trước các đối thủ lớn sẽ là chìa khóa cho tuyển nữ Việt Nam phát triển, từ đó hướng đến các mục tiêu tưởng như nằm ngoài tầm với. |
Theo bảng xếp hạng FIFA mới nhất, tuyển nữ Việt Nam hiện xếp thứ 5 châu Á và thầy trò HLV Mai Đức Chung hoàn toàn có...
Nguồn: [Link nguồn]