Nữ cầu thủ đá bóng lấy tiền cứu cha tai biến, mẹ ung thư
Tuyển thủ Trần Thị Thùy Trang của đội tuyển nữ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn vững vàng hướng về phía trước.
Trần Thị Thùy Trang, nữ tuyển thủ Việt Nam từng trải qua quãng thời gian vô cùng vất vả khi toàn bộ thu nhập của cô phải dùng chạy chữa cho mẹ và cha qua cơn hiểm nghèo.
Tuy nhiên, vượt qua nghịch cảnh, cô vẫn vươn lên cống hiến cho CLB lẫn đội tuyển quốc gia.
Thùy Trang (số 8) ăn mừng bàn thắng vào lưới Maldives tại Vòng loại Asian Cup 2022
Gánh nặng trên đôi vai gầy
Ở đội tuyển nữ Việt Nam, nhắc tới Trần Thị Thùy Trang, đồng đội ai nấy đều cảm phục tấm gương về sự nỗ lực và tấm lòng hiếu thảo.
Ở tuổi 33, cái tuổi mà đa phần các cầu thủ nữ đã chọn cho mình một con đường khác thì cô gái quê Quảng Nam vẫn hàng ngày cháy cùng đam mê trái bóng tròn.
Mới nhất, tại Vòng loại Asian Cup nữ 2022, cô là một trong những cái tên chơi ổn định nhất, đóng góp 1 bàn thắng đưa đoàn quân áo đỏ lấy vé dự Vòng chung kết.
Chơi ở vị trí tiền vệ, Thùy Trang luôn thể hiện sự cần mẫn, chỉnh chu trong từng đường bóng, giống như tính cách cẩn thận của cô được các đồng nghiệp đánh giá.
Tuy nhiên, trên gương mặt nữ tuyển thủ này thường trực nét khắc khổ. Cô kể, mình sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Nhà lại đông anh em nên cuộc sống của cô từ nhỏ không được đầy đủ như chúng bạn.
Nhưng chừng đó chưa thấm vào đâu so với gánh nặng mấy năm qua đè nặng lên vai Thùy Trang. Năm 2017, khi niềm vui vừa cùng đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 29 còn đang lâng lâng, cô nhận tin sét đánh từ quê nhà, mẹ cô mắc bệnh ung thư dạ dày.
Cả thế giới xung quanh bỗng nhiên đổ sầm xuống trước mặt tuyển thủ sinh năm 1988.
Trở về nhà, Trang dồn hết tiền thưởng từ tấm HCV SEA Games cùng số tiền dành dụm để lo cho mẹ. Giai đoạn mẹ cô phẫu thuật và điều trị là tốn kém nhất, các anh chị đều khó khăn nên mọi chi phí điều trị đều do một tay cô thu vén.
“Anh chị đa phần ở gần nhà nhưng kinh tế cũng eo hẹp nên chủ yếu trông nom mẹ, còn về mặt tài chính thì tôi phải cáng đáng. Thời điểm đó đúng là tôi gần như không dùng đồng nào tiền lương, tất cả gửi về để thuốc men cho mẹ”, cầu thủ thuộc biên chế CLB TP.HCM nhớ lại.
Cơn sóng này chưa qua cơn sóng khác lại ập tới. Năm 2018, tới lượt bố Thùy Trang bị tai biến, tuy ông qua khỏi cửa tử nhưng liệt nửa người nên chỉ nằm một chỗ.
Trước khi đổ bệnh, bố cô làm nghề rửa xe, cũng tạm đủ trang trải cuộc sống. Và khi ông không còn khả năng lao động, gánh nặng trên đôi vai Trang lại dầy thêm.
“Thực sự cảm giác của tôi khi hay tin bố bị như vậy là quá choáng váng. Tôi đã từng có ý định xin nghỉ đá bóng để về quê chăm sóc bố mẹ. Rồi tôi nghĩ nếu mình về quê thì sẽ mất luôn nguồn thu nhập đang là hy vọng duy trì sự sống cho mẹ, hy vọng cho bố. Bởi vậy tôi quyết định ở lại thi đấu, thi thoảng được nghỉ phép ít ngày thì về thăm nhà”, cầu thủ 33 tuổi bộc bạch.
Chứng kiến hoàn cảnh éo le cùng tấm lòng hết mực hiếu thảo của cô gái xứ Quảng, đồng đội, nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ cô.
“Tôi may mắn được mọi người thương mà giúp nên dù thu nhập không cao nhưng chữa trị cho mẹ, thuốc men cho bố tôi không phải vay mượn mà vẫn xoay xở được. Ơn nghĩa này tôi chỉ có thể trả bằng nỗ lực của mình trên sân bóng”.
Nữ cầu thủ quê Quảng Nam kể thêm, hiện tại bệnh tình của mẹ cô cơ bản đã ổn định nhưng trung bình khoảng 2 tháng phải ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng khám lại và lấy thuốc.
“Chi phí hiện tại đã nhẹ hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu nên tôi vẫn lo cho mẹ được. Bố cũng uống thuốc nhưng không thường xuyên”.
Quy trình ngược
Trần Thị Thùy Trang (trái) trong màu áo CLB TP.HCM. Ảnh: VFF
Với thể thao đỉnh cao, bao gồm cả bóng đá, các vận động viên thường tập luyện, đào tạo từ nhỏ. Khi đã phát triển được nghề nghiệp thì sẽ theo học thêm Đại học TDTT để sau giải nghệ làm công tác huấn luyện.
“ Đúng là tôi có nhiều thiệt thòi nhưng tôi cũng cảm thấy may mắn hơn nhiều hoàn cảnh khác. Đối với tôi, giờ đây vẫn được chơi bóng, sống với đam mê, có thu nhập giúp đỡ bố mẹ đã rất hạnh phúc rồi. Nữ tuyển thủ Trần Thị Thùy Trang ” |
Tuy nhiên, Thùy Trang lại đi ngược lại quy trình này, cô học xong Đại học TDTT TP.HCM rồi mới bén duyên nghiệp quần đùi áo số. Cô cũng là trường hợp duy nhất ở đội tuyển nữ Việt Nam từng chơi futsal.
“Hồi bé ở quê tôi thích chơi thể thao lắm bởi phong trào thể thao quần chúng nơi đây phát triển mạnh. Từ bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hay bóng bàn. Mỗi buổi chiều đi học về, còn chưa kịp thay đồ tôi đã chạy đi chơi bóng rồi. Mà đối tượng chơi bóng cùng thì toàn là con trai cùng lứa hoặc lớn hơn. Việc mải chơi về muộn diễn ra thường xuyên nên bố mẹ la mắng là điều không tránh khỏi. Bố mẹ lo tôi mải chơi mà bỏ bê học hành. Gia đình vốn khó khăn nên trong số các anh chị em có mình tôi được học hành tử tế, bố mẹ kỳ vọng sau này tôi sẽ có công việc và cuộc sống ổn định. Dù vậy, cái máu thể thao trong người tôi không bỏ được. Ngoài chơi đá bóng tôi còn chơi tốt cầu lông. Cũng bởi vậy, khi hết cấp 3, tôi quyết định thi vào Trường Đại học TDTD TP.HCM để theo đuổi đam mê”, Thùy Trang nhớ lại.
Bước ngoặt sự nghiệp tới với cô gái duyên hải miền Trung vào năm 2009. Năm đó, trường Đại học TDTT TP.HCM tham gia giải futsal Bách Việt mở rộng dành cho khối Đại học, Cao đẳng.
Cô cùng đồng đội có cơ hội cọ xát với cả CLB nữ TP.HCM và đội tuyển futsal Việt Nam. Ấn tượng với khả năng của Trang, cả đội tuyển nữ futsal và CLB TP.HCM đều mời cô gia nhập.
Ban đầu, Trang tập luyện cùng đội tuyển futsal, tham gia hai kỳ SEA Games 26 và 27 giành 1 HCB tại SEA Games 26 diễn ra trên đất Indonesia.
Trong khi đó, năm 2010, cô thực tập tại Trung tâm TDTT Quận 1, nơi CLB TP.HCM tập luyện. Sau khi ra trường, cô chính thức đầu quân cho đội bóng nữ ở thành phố mang tên Bác và chơi cả futsal lẫn bóng đá 11 người.
Tới năm 2014, để tránh phân tâm và yêu cầu công việc ngày một cao, cô chuyển hẳn sang thi đấu bóng đá sân cỏ rồi gắn bó tới nay.
Nói cách khác, Thùy Trang tới với bóng đá mà hoàn toàn không có nền tảng được vun đắp từ nhỏ như các đồng đội. Tuy nhiên, nhờ sự siêng năng, cần cù và ý thức chuyên nghiệp, cô vượt qua mọi thử thách để khẳng định bản thân mình.
HLV Đoàn Thị Kim Chi của CLB TP.HCM đánh giá: “Trang chăm chỉ nhất đội, ý thức tập luyện rất cao. Ngay cả khi đội nghỉ em vẫn xách giày ra sân tập một mình. Nhờ vậy mà dù đã 33 tuổi nhưng em vẫn là trụ cột, là cầu thủ khỏe nhất đội. Khi thi đấu trên sân thì không chê được Trang chỗ nào, em luôn thi đấu tập trung, nỗ lực đến phút cuối cùng”.
Vị thuyền trưởng của nhà đương kim vô địch Giải bóng đá nữ vô địch Quốc gia cũng rất nể phục học trò vì đã vượt qua được những cú sốc liên tiếp để đứng vững trên sân, làm chỗ dựa cho các đàn em.
“Ít người biết nhưng cũng trong năm mà mẹ Trang bị ung thư, bố tai biến thì anh trai em cũng mất. Dẫu vậy, em vẫn nén đau thương để cùng toàn đội giành chức vô địch quốc gia”.
Một chi tiết cũng rất đáng lưu tâm, vài năm trở lại đây, đội tuyển nữ Việt Nam bước vào cuộc trẻ hóa lực lượng. Bởi vậy, Trang không còn là nhân tố được ưu tiên.
Cô vắng mặt ở đội tuyển hai năm liền nhưng những màn trình diễn ấn tượng trong màu áo CLB TP.HCM đã giúp cô thuyết phục HLV Mai Đức Chung.
Việc góp mặt ở đội tuyển quốc gia trong đợt hội quân vừa qua có thể coi là phần thưởng xứng đáng dành cho cô gái vốn chịu quá nhiều thiệt thòi này.
HLV Kim Chi chia sẻ thêm, cầu thủ sinh năm 1988 rất có năng khiếu huấn luyện, thường chỉ dạy cho các cầu thủ trẻ trong quá trình tập luyện. “Tôi hy vọng Trang có thể thành một HLV giỏi trong tương lai”.
Lá thăm may rủi đã đưa đội tuyển nữ Việt Nam rơi vào bảng đấu "tử thần" tại vòng chung kết giải bóng đá nữ...
Nguồn: [Link nguồn]