Nỗi sợ của cầu thủ Việt khi xuất ngoại
Tình cảnh không được trọng dụng hiện nay của Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Đặng Văn Lâm ở các CLB nước ngoài phần nào phản ánh tâm thế của cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại.
Tình cảnh không được trọng dụng hiện nay của Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Đặng Văn Lâm ở các CLB nước ngoài, phần nào phản ánh tâm thế của cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại.
Từ kỳ vọng thành thất vọng
Đầu mùa giải năm nay, làng bóng đá Việt Nam xôn xao khi bộ ba tuyển thủ Đặng Văn Lâm, Lương Xuân Trường và Nguyễn Công Phượng đồng loạt ra nước ngoài thi đấu. Đặng Văn Lâm sang Muangthong United (Thái Lan) với mức giá kỷ lục 500 nghìn USD. Trong khi đó, Xuân Trường tới Buriram United (Thái Lan), Công Phượng sang Incheon United (Hàn Quốc) đều theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm.
Lương Xuân Trường
So với năm 2016, khi Xuân Trường, Công Phượng và Tuấn Anh xuất ngoại, lần đem chuông đi đánh xứ người năm 2019 được kỳ vọng rất nhiều. Bóng đá Việt Nam trải qua năm 2018, đầu năm 2019 cực kỳ thành công, lập nhiều thành tích làm chấn động châu Á. Vì lẽ đó, cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu sẽ mang tâm thế khác. Cứ nhìn vào cách Muangthong phải bỏ ra nửa triệu USD để chiêu mộ Đặng Văn Lâm có thể nhận ra điều này.
Thế nhưng, sự kỳ vọng, háo hức của người hâm mộ liên tục bị dội những gáo nước lạnh. Đặng Văn Lâm ra sân thường xuyên nhưng chìm nghỉm cùng phong độ tệ hại của Muangthong United. Nhà cựu vô địch Thai League hiện đứng cuối cùng trên bảng xếp hạng. Trái lại, Buriram United, đội bóng Xuân Trường đầu quân lại chơi ổn định. Đáng tiếc, tiền vệ thuộc biên chế HAGL không ra sân thường xuyên. Tình cảnh của Công Phượng tại Incheon cũng tương tự, trong những lần hiếm hoi được trao cơ hội, chân sút HAGL cũng chơi nhạt nhòa và mới đây đã nói lời chia tay.
Như vậy, nếu so với “làn sóng” xuất ngoại năm 2016, cầu thủ Việt ra nước ngoài năm 2019 vẫn chỉ là những nốt trầm. Không thể đổ lỗi cho kinh nghiệm bởi Công Phượng, Xuân Trường lần thứ hai thi đấu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đặng Văn Lâm cũng từng kinh qua một vài giải đấu trước khi đầu quân ở V-League. Có ý kiến cho rằng, cầu thủ Việt Nam thiếu sự hỗ trợ cần thiết, một mình phải xoay xở ở nước ngoài nên gặp nhiều khó khăn để thích nghi.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Vũ Quang Huy, đây không phải là mấu chốt vấn đề: “Nếu cầu thủ mình sang châu Âu thì tôi thừa nhận việc thiếu ê-kíp hỗ trợ là thiệt thòi. Nhưng Thái Lan hay Hàn Quốc có nền văn hóa nhiều nét tương đồng với Việt Nam, các bạn ấy lại đều sử dụng được tiếng Anh nên không thể nói khó hòa nhập. Đương nhiên có vẫn tốt hơn nhưng tôi cho rằng không quá cần thiết. Một phần nữa, lương của Trường, Phượng hay Lâm chỉ xấp xỉ 10 nghìn USD, làm sao đủ điều kiện thuê người hỗ trợ”.
Cũng theo bình luận viên Quang Huy, yếu tố then chốt khiến cầu thủ Việt Nam chưa thể thành công ở nước ngoài vẫn là chuyên môn: “Cầu thủ của chúng ta chưa đủ giỏi, chưa đủ xuất sắc, toàn diện để đặt đâu cũng có thể chơi tốt”. Nhà báo Trương Anh Ngọc (TTXVN) có chung quan điểm khi nhấn mạnh vào chuyên môn. “Nếu Phượng hay Trường thực sự xuất sắc, họ đã chứng minh được ngay. Chẳng HLV nào không muốn sử dụng cầu thủ giỏi cả. Nói vậy không có nghĩa Phượng hay Trường kém nhưng họ giỏi trong phạm vi bóng đá Việt Nam chứ chưa là gì so với bóng đá thế giới. Giải vô địch quốc gia Thái Lan từ lâu đã bỏ xa V-League, K-League của Hàn Quốc thì lại càng cao hơn nên dễ hiểu khi cầu thủ Việt Nam bị ngợp”.
Đi sâu hơn, nhà báo Anh Ngọc phân tích tại sao lại có sự khác biệt về phong độ khi Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm chơi trong màu áo đội tuyển Việt Nam. “Họ thành công trong một tập thể có nhiều cá nhân quen thuộc, lối chơi quen thuộc, HLV phù hợp và trong một thời gian ngắn. Đó chưa phải là thước đo chính xác cho đẳng cấp của họ. Chúng ta chưa từng thấy họ chơi tốt ở một môi trường lạ nhưng lại kỳ vọng quá nhiều, quá lớn, khiến họ vốn đã áp lực lại càng thêm áp lực, không thể vượt qua nổi. Nhưng người hâm mộ cũng không cần quá lo lắng, bởi khi trở lại đội tuyển Việt Nam, chắc chắn họ vẫn chơi tốt”.
Trong khi đó, chuyên gia Lê Thế Thọ chia sẻ, HAGL đã quá vội vàng khi để Công Phượng, Xuân Trường ra nước ngoài chơi bóng. “Văn Lâm được chiêu mộ tôi không nói nhưng Phượng với Trường xuất ngoại theo tôi là nước cờ không khôn ngoan. Hai em chưa đủ lực để cạnh tranh ở những môi trường khốc liệt hơn bóng đá Việt Nam”, ông Thọ nói và khẳng định: “Xuất ngoại thi đấu là tốt, nhưng chỉ nên đi nếu thực sự sẵn sàng, đi là phải thành công chứ không phải sang dự bị hết trận này tới trận khác”.
Đặng Văn Lâm
Tìm hướng đi cho tương lai
Xuất khẩu cầu thủ là xu thế của bóng đá hiện đại, một phần không thể thiếu của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nhìn vào lịch sử, cầu thủ Việt Nam xuất ngoại vẫn cực kỳ mơ hồ. Trong quá khứ, từng có một số ngôi sao ra nước ngoài thi đấu như Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh nhưng đều theo diện tập huấn. Gần đây, HAGL đi đầu cho phong trào đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu nhưng không thu được kết quả như mong đợi.
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, trong tương lai, nếu muốn chơi được ở nước ngoài, cầu thủ Việt Nam phải tự nâng tầm. “Mỗi cầu thủ Việt Nam đều phải đạt chuẩn cầu thủ quốc tế để thích ứng được ở những môi trường khác nhau. Đương nhiên, chuyên môn vẫn là then chốt bởi nếu chuyên môn không tốt, những thứ xung quanh sẽ chẳng có ý nghĩa gì”, ông Huy nói.
Nhưng bình luận viên Quang Huy cũng nhấn mạnh đến việc đàm phán, tìm kiếm CLB phù hợp. “Muangthong cần một thủ môn tốt và họ đưa Văn Lâm về bắt chính. Nhưng Buriram có nhiều tiền vệ chất lượng nên Xuân Trường ít đất diễn. Công Phượng lại không đủ thể hình, thể lực để thích nghi với lối chơi bóng dài ở Incheon. Thế nên, cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài buộc phải tìm hiểu kỹ đội bóng đó có thực sự cần mình, có phù hợp và lối chơi ổn định không. Trên thế giới cũng xuất hiện một số trường hợp thất bại vì đến đội bóng không phù hợp. Hậu vệ đội tuyển Anh Jonathan Woodgate tới Real Madrid là một ví dụ điển hình. Từ chỗ là một trung vệ xuất sắc, anh đánh mất mình rồi trượt dần và phải trở lại Anh”.
Dưới góc nhìn khác, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, muốn cầu thủ Việt Nam có thể thi đấu ở nước ngoài thì V-League buộc phải cải thiện. “Giải vô địch quốc gia mới là nền móng của một nền bóng đá. Đội tuyển quốc gia một năm thi đấu trên dưới 10 trận, tập trung cao độ, ngắn ngày còn giải vô địch quốc gia diễn ra trong gần 1 năm, thi đấu kéo dài. V-League của chúng ta hiện tại có chất lượng thấp, yếu tố cạnh tranh và chuyên nghiệp đều kém so với nhiều nước trong khu vực chứ chưa nói châu lục.
Cầu thủ vì thế rất khó trưởng thành về cả chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu. Xuất phát điểm như thế, thất bại khi ra nước ngoài là điều bình thường. Chẳng phải lấy ví dụ đâu xa, hãy nhìn ngay Chanathip Songkrasin của Thái Lan. Anh này nổi lên cùng thời Công Phượng nhưng khi sang Nhật Bản khoác áo Sapporo Consadole đã tỏa sáng rực rỡ, mùa vừa rồi còn nằm trong đội hình tiêu biểu J-League. Đó là nhờ giải Thai League chất lượng cao, cạnh tranh cao và chuyên nghiệp thực sự”.
Những người mở đường Dù chưa thể gây tiếng vang lớn ở nước ngoài nhưng bình luận viên Vũ Quang Huy vẫn đánh giá cao những gì Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm thu lại được: “Họ không chứng minh được năng lực ở nước ngoài nhưng họ là người mở đường. Nếu ai cũng sợ, không ai dám dấn bước thì bóng đá Việt Nam mãi chỉ co cụm trong vỏ bọc của chính mình. Họ thất bại nhưng sẽ đem đến bài học lớn cho những thế hệ sau. Đó là chưa kể, chính nhờ sự xuất hiện của các cầu thủ này ở nước ngoài sẽ tạo ra những mối liên hệ giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho sự hợp tác sâu, rộng, toàn diện hơn trong tương lai. Nếu năm 2016, Xuân Trường không sang Hàn Quốc, bầu Đức không thể kết nối với người đại diện của HLV Park Hang-seo để đưa ông sang Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho bóng đá Việt Nam”. Nhà báo Trương Anh Ngọc thì đánh giá ngắn gọn: “Đây đều là những thất bại cần thiết, để biết chúng ta đang ở đâu và cần gì để tiếp cận trình độ quốc tế”. |
Người đại diện Lee Dong Jun lên tiếng về vụ HLV Park Hang Seo gia hạn hợp đồng với VFF.