Những nhà vô địch Cúp C1 bất ngờ nhất: Mourinho, Aston Villa và cơn ác mộng của Barca
Trong lịch sử Champions League đã chứng kiến những chức vô địch không thể tin nổi.
Video Porto vô địch cúp C1 năm 2004:
Cúp C1 châu Âu là giải đấu uy tín nhất ở cấp độ châu lục và đội vô địch thường là những ông lớn tiếng tăm của bóng đá cựu lục địa, nếu không vì danh tiếng cũ thì cũng vì sức mạnh tiền bạc. Nhưng đã có những đội bóng không có cả hai lại trở thành những nhà vô địch bất ngờ trong lịch sử giải đấu này.
Jose Mourinho đưa Porto tới danh hiệu châu Âu bất ngờ năm 2004
Có 10 đội bóng có thể xếp vào dạng như vậy nhưng sẽ không liệt kê theo danh sách “top 10” thông thường. Thay vào đó điểm qua cách trở thành nhà vô địch của những đội bóng này và đặt vào tương quan so sánh những điểm chung.
Bóng đá tấn công trở lại
Chức vô địch bất ngờ đầu tiên có lẽ phải là của Celtic năm 1967 khi họ đánh đổ nhà cựu vô địch Inter Milan. Trong thập niên 1960 châu Âu bắt đầu cảm nhận được sức mạnh của bóng đá phòng ngự kiểu Italia khi AC Milan và Inter Milan đều lên ngôi, nhưng Inter cực đoan hơn với đội hình Grande Inter do HLV Helenio Herrera dẫn dắt. Họ không chỉ đá phản công mà còn chơi tiểu xảo, và quá trình chuẩn bị mỗi trận đấu đều không khác gì lính tráng sắp đánh trận.
Celtic trong khi đó là một đội bóng đặc biệt: đội hình 15 người lọt vào chung kết tại Lisbon có tới 13 người sinh ra trong bán kính 10 dặm của sân Celtic Park, và 2 người còn lại cũng được đẻ cách SVĐ nhiều lắm chỉ 30 dặm. Không chỉ có xuất thân toàn “gà nhà”, Celtic còn đá theo một phong cách tổng lực Hà Lan “nhưng được đẩy lên còn cao hơn thế”, theo lời của tiền đạo Jimmy Johnstone, rằng 2 hậu vệ biên của họ cũng dâng lên rất cao tấn công theo kiểu Brazil.
Celtic được xem là nhà vô địch Cúp C1 bất ngờ đầu tiên trong lịch sử, với một đội hình toàn cầu thủ tự đào tạo và chiến thắng một Grande Inter toàn sao
Inter Milan đã mở điểm trước từ một quả penalty nhưng Celtic ngược dòng trong hiệp 2 để thắng 2-1, dứt điểm tổng cộng tận 41 lần và buộc thủ môn Giuliano Sarti cứu thua tới 13 lần. Trận thắng không những khiến Celtic trở thành đội bóng Vương quốc Anh đầu tiên vô địch mà còn làm suy tàn Grande Inter, trong vòng 1 năm sau đội bóng này dần tan rã với sự ra đi của Herrera.
3 năm sau, Celtic trở lại chung kết Cúp C1 và lần này thi đấu ngay tại San Siro ở Milan, và đối thủ của họ lại đến từ Hà Lan. Lần này Celtic được xem là “cửa trên” trong khi châu Âu mới chỉ nghe mơ hồ về sự phát triển của bóng đá tổng lực Hà Lan, nhưng Feyenoord đã thể hiện điều đó: Họ bị dẫn trước nhưng chơi áp đảo hoàn toàn Celtic, gỡ hòa chỉ sau 2 phút trước khi ghi bàn quyết định thắng 2-1 ở phút 117.
Sơ đồ của Feyenoord sau này được Ajax bắt chước trong 3 năm vô địch Cúp C1 tiếp theo, và nhiều thành viên của Feyenoord thi đấu cho ĐT Hà Lan tại World Cup 1974, kỳ World Cup mà họ về nhì.
Thập kỷ đầy những bất ngờ
Thập niên 1980 phải nói là một thập kỷ có khá nhiều nhà vô địch Cúp C1 gây bất ngờ, và theo những cách khác nhau. Bóng đá Anh trong giai đoạn chuyển giao thập niên đã thống trị với 5 chức vô địch liên tiếp đến từ Liverpool và Nottingham Forest. Tuy nhiên vào năm 1982 Liverpool thất bại ở tứ kết khiến Anh chỉ còn Aston Villa, đội dựa vào một hàng phòng ngự chắc chắn để tiến sâu (chỉ lọt lưới 2 bàn). Đối thủ của họ ở chung kết là Bayern Munich lúc đó đã 3 lần vô địch.
Aston Villa là nhà vô địch Cúp C1 tới từ Anh gây bất ngờ nhất trong lịch sử
Chỉ sau 10 phút Villa đã mất thủ môn bắt chính Jimmy Rimmer do đau vai, nhưng dự bị Nigel Spink trở thành người hùng khi mới chỉ lần thứ 2 ra sân cho CLB, ông có một loạt pha cứu thua xuất sắc trước các chân sút Bayern, đặc biệt là Quả bóng Vàng Karl-Heinz Rummenigge. Và tới phút 67, tiền đạo Peter Withe – cựu HLV trưởng ĐT Thái Lan – đã ghi bàn duy nhất giúp Villa thắng sốc 1-0.
1 năm sau thêm một cú sốc nữa xảy ra. Juventus cho đến lúc đó luôn cảm thấy đau rằng họ là đội bóng hùng mạnh nhất Italia nhưng chưa 1 lần đoạt Cúp C1, và họ có cơ hội vào năm 1983. Đối thủ của họ là một Hamburg không hề yếu, đội bóng này đã vào chung kết Cúp C1 năm 1980 và có tiềm lực tài chính nhờ được tập đoàn Hitachi chống lưng.
Juventus được đánh giá mạnh hơn, họ sở hữu siêu sao nước Pháp Michel Platini, tài năng đến từ Ba Lan Zbigniew Boniek, Vua phá lưới World Cup 1982 Paolo Rossi và một hàng thủ đã giúp Italia vô địch thế giới trước đó 1 năm. Nhưng chỉ sau 9 phút Felix Magath đã ghi bàn từ một cú sút xa, và tiền vệ Wolfgang Rolff bắt chết Platini trong khi thủ môn Uli Stein cứu thua tới 9 lần để mang về chiến thắng 1-0 lịch sử cho Hamburg.
Thắng xấu là chân lý
Trước khi Cúp C1 bước sang thể thức UEFA Champions League của hiện tại đã có 2 CLB Đông Âu kịp đoạt cúp và đều theo cùng một cách. Sự thịnh hành của sơ đồ hậu vệ quét (libero) khiến một số CLB nhỏ cũng mơ về danh hiệu và vào năm 1986 Steaua Bucharest đã vào chung kết để đối đầu Barcelona, ông lớn châu Âu nhưng chưa từng đăng quang.
Thành Barcelona rơi vào trầm cảm nặng trong ít nhất 6 năm khi để chiếc cúp vô địch Cúp C1 - như thể đã trong tầm tay - rơi vào phòng truyền thống của Steaua Bucharest
Barcelona được đá tại Seville nên có đông khán giả nhà tới cổ vũ, nhưng thế tấn công dồn dập của họ không mang lại bàn thắng sau 120 phút khi bỏ lỡ quá nhiều. Nhưng điểm nhấn phải là loạt luân lưu: cả 4 chân sút của Barca đều sút hỏng, trong khi phía Steaua có 2 cầu thủ đá không thành công nhưng vẫn đủ để thắng 2-0 và mang cúp về Romania, để lại một dư chấn kinh hoàng cho dư luận ở Catalunya.
Libero của đội hình Steaua đó là Miodrag Belodedici và 5 năm sau, hậu vệ quét này lại tái xuất ở chung kết Cúp C1 nhưng lần này trong màu áo Sao Đỏ Belgrade. Dù đội bóng Nam Tư này có nhiều tài năng kiệt xuất nhưng HLV Ljupko Petrović – người vừa dẫn dắt Thanh Hóa năm ngoái – cấm các học trò dâng lên tấn công trước một Marseille đầy rẫy ngôi sao. Và trong loạt luân lưu, chỉ 1 lần sút hỏng của Marseille là đủ để Sao Đỏ Belgrade chiến thắng, trong trận chung kết bị xem là tẻ nhạt nhất lịch sử giải đấu.
PSV Eindhoven của năm 1988 đã được gọi là một “Hà Lan phiên bản Italia” bởi lối chơi phòng ngự đôi lúc cực đoan, HLV Guus Hiddink và các học trò trên đường vào chung kết thắng chỉ 3/8 trận và đã vượt qua Bordeux rồi Real Madrid đều bằng luật bàn thắng sân khách. Trong trận chung kết, họ hòa không bàn thắng với Benfica trước khi thắng 6-5 trong loạt sút luân lưu.
Hoàng kim Porto
Năm 1976 Porto sau khoảng 50 năm khô hạn danh hiệu đã bổ nhiệm HLV Jose Maria Pedroto, một cầu thủ cũ của đội bóng, và không ai ngờ đó là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mà Porto trở thành thế lực châu Âu. Họ năm 1978 đã lọt tới tứ kết Cúp C2, đánh bại MU trên hành trình, và đến năm 1984 lọt vào chung kết trước khi thua Juventus.
Porto 2 lần vô địch châu Âu, ở cả Cúp C1 lẫn kỷ nguyên Champions League
Tại Cúp C1 mùa 1986/87, Porto tiến một mạch tới chung kết để đối đầu Bayern Munich hùng mạnh. Bayern đã dẫn 1-0 cho tới phút 79, nhưng Porto ngược dòng địa chấn với 2 bàn thắng trong vòng 2 phút để đoạt chức vô địch lịch sử. Họ nối tiếp với chức vô địch Siêu cúp châu Âu và Cúp Liên lục địa.
Họ phải mất 17 năm để có được một kỷ hoàng kim tương tự, nhưng lần này thành công thậm chí còn lớn hơn. Jose Mourinho được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng năm 2002 và lập tức tuyên thệ mang về danh hiệu VĐQG, nhưng ông còn làm được tốt hơn: Porto mùa đầu tiên đoạt một cú ăn ba, gồm cả Cúp quốc gia và UEFA Cup.
Và mùa 2003/04 là đỉnh cao, Porto bảo vệ thành công chức vô địch quốc gia và ở Champions League họ lần lượt loại MU, Lyon và Deportivo La Coruna trước khi hủy diệt Monaco 3-0 ở trận chung kết. Porto từ đó tới nay đã đoạt 10 chức vô địch quốc gia và 6 cúp quốc gia, nhưng họ chưa bao giờ tới gần được sự thành công của những năm Mourinho. Thậm chí chức vô địch đó của Porto có thể xem là bất ngờ lớn nhất trong kỷ nguyên Champions League.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm 2022 chứng kiến nhiều trận đấu có diễn biến vô cùng hấp dẫn và kịch tính, trải dài từ cấp CLB cho tới ĐTQG.