Những người “nuôi sống” mình
"Khi thắng các bạn chúng tôi không có tiền thưởng lớn và nhiều như bạn nghĩ".
Câu chuyện của cầu thủ trẻ U-19 Đông Triều khi nói với cầu thủ U-19 Úc sau trận U-19 Việt Nam đại thắng U-19 Úc 5-1 rằng:
“Khi thắng các bạn chúng tôi không có tiền thưởng lớn và nhiều như bạn nghĩ nhưng chúng tôi có thứ lớn hơn là hàng triệu người hâm mộ luôn bên cạnh chúng tôi…” khiến nhiều người cảm động. Đó là lời nói rất thật xuất phát từ một cầu thủ trẻ biết trân trọng những tình cảm quý giá của người hâm mộ luôn bên mình và cũng là động lực lớn, là nguồn “ngân quỹ” nuôi sống mình.
Trao đổi với chúng tôi điều này, một thành viên trong Tập đoàn Truyền thông Siam Sports (cơ quan chủ quản của đội Muangthong Utd) chia sẻ khi chúng tôi tham quan và tìm hiểu phương thức hoạt động của đội bóng này: “Nguyên tắc hoạt động của chúng tôi là đội bóng phải gắn chặt với người hâm mộ. Đấy cũng là những người luôn bên mình và nuôi sống mình. Đội bóng thành bại hay không chính là nhờ sự quan tâm của người hâm mộ bởi chúng tôi không thể phát triển thương hiệu, không thể có nguồn thu lớn nếu thiếu nguồn lực từ người hâm mộ đứng bên đội bóng…”.
Hướng về NHM
Qua hai câu chuyện nhỏ trên lại thấy cái thiếu rất lớn mà bóng đá Việt Nam chưa xây dựng hoàn chỉnh là mối quan hệ với người hâm mộ. Các CLB V-League không ít đội rầm rộ lực lượng CĐV nhưng có nơi là thuê mướn và có nơi là chính đội bóng bơm tiền vào để tồn tại. Rất ít CLB có lượng CĐV thực thụ gắn chặt với mình kiểu “môi và răng” khiến rất ít cầu thủ và đội bóng trân trọng người hâm mộ mà thi đấu hết mình, thi đấu tử tế vì người hâm mộ.
Thậm chí là những nhà điều hành bóng đá Việt Nam cũng có lúc quên hẳn đi điều đấy mà bất chấp lực lượng CĐV - những người nuôi sống bóng đá.
Những đội bóng thành công và có doanh thu cao đều là những đội bóng có lượng CĐV thực thụ đông và hết mình bên đội bóng. Nó cũng giống như vì sao U-19 thi đấu thì kiếm mỏi mắt mới được một chiếc vé còn những đội khác thi đấu thì có khi cái sân trống huơ trống hoác.
Chung quy cũng nằm ở chỗ ý thức của cầu thủ, của đội bóng biết trân trọng tình yêu của khán giả dành cho mình bằng cách ra sân là hết mình. Khác hẳn với chuyện lừa khán giả như cơm bữa mà sân chơi V-League và cả đội tuyển hoặc U-23 quốc gia thường thấy nhan nhản.
Hy vọng bóng đá Việt Nam năm 2014 cũng tìm được “lửa” và động lực bằng cách hết mình với những người yêu mình và nuôi sống mình thay cho năm 2013 vẫn hay “phản bội” những người hết lòng gắn với mình.