Những lò đào tạo trẻ chết yểu
Quy định của bóng đá chuyên nghiệp là phải có những lò đào tạo trẻ hoặc nói khác đi là tuyến kế thừa được đầu tư ở mỗi CLB.
Và trong những năm đầu làm bóng đá chuyên nghiệp, hai CLB chú trọng vào tuyến trẻ tốt của cả nước là ĐT Long An và B. Bình Dương.
ĐT Long An xây mô hình Trung tâm đào tạo Bến Lức giống CLB chuyên nghiệp ở Bồ Đào Nha theo kế hoạch và lộ trình của ông Calisto bao gồm cả hồ tắm thủy lực, nhà massage lẫn phòng thể lực cao cấp. Nơi đây đã từng được đội tuyển quốc gia mượn, đấy là nơi huấn luyện dù mục đích xây dựng của ĐT Long An cho Trung tâm Bến Lức này là để đào tạo trẻ một cách bài bản. Thế nhưng đến nay thì trung tâm trên lại xuống cấp trầm trọng và tuyến trẻ ở ĐT Long An cũng thui chột dần do không có sự kế thừa từ định hướng và kế hoạch ban đầu của ông Calisto.
Tương tự B. Bình Dương cũng từng là lò đào tạo tốt của cả nước khi mời HLV Đặng Trần Chỉnh về làm công tác tuyển quân, đào tạo và định hướng để trở thành một CLB chuyên nghiệp thực thụ mạnh cả đội lớn lẫn ở tuyến trẻ.
BĐVN cần chú trọng công tác đào tạo trẻ
Bẵng đi một thời gian dài tuyến trẻ đấy của B. Bình Dương thui chột vì không có đầu ra. Nguyên do ở đội lớn, những nhà lãnh đạo đã không trung thành với lộ trình và định hướng đề ra mà thay vào đấy là mua cầu thủ giá cao. Thậm chí còn săn cả cầu thủ ngoại đã nhập tịch để có thể đá với đội hình “bảy tây” (bốn cầu thủ nhập tịch).
Việc không còn thiết tha và đầu tư cho tuyến trẻ gãy vì không có lộ trình xuyên suốt và thế là các cầu thủ trẻ cứ tự đào thải dần vì không có chỗ để tồn tại do chính sách phi chuyên nghiệp của lãnh đạo.
Việc các cầu thủ trẻ gom vào TDC Bình Dương cũng không giải quyết được gì khi kế hoạch của HLV Đặng Trần Chỉnh bị vỡ từ phi vụ mua bán cầu thủ giá cao. Kết quả là TDC cũng không trụ nổi ở hạng Nhất mùa này. Họ là đội duy nhất rớt xuống hạng Nhì và có nguy cơ sẽ giải tán.
Những lò đào tạo trẻ được xây với chủ trương tốt, với định hướng rõ cho bóng đá chuyên nghiệp nhưng cuối cùng lại chết yểu vì quan điểm làm bóng đá chuyên nghiệp dở dang của “cấp trên”.