Những “đường bóng” ở hậu trường
Thứ bóng đá nghĩa tình đang xảy ra tại V-League chắc chắn không thể tạo ra tình yêu nơi người hâm mộ.
Cuối tuần trước, người hâm mộ bóng đá Việt Nam được phen sửng sốt khi CLB Than Quảng Ninh để hai trụ cột là Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú sang thi đấu cho Hải Phòng FC tới hết mùa. Ngoài ra, tiền đạo Fagan cũng kết thúc hợp đồng cho mượn sớm tại sân Cẩm Phả để trở về tăng viện cho đội bóng đất Cảng. Động thái của Than Quảng Ninh khiến nhiều CĐV vùng Mỏ bức xúc. Điều này cũng dễ hiểu bởi thày trò HLV Phan Thanh Hùng đang đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng, tràn trề cơ hội chạy đua cho ngôi vô địch.
Hai trụ cột Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú của CLB Than Quảng Ninh chuyển sang thi đấu cho Hải Phòng FC tới hết mùa
Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng chia sẻ, ông để các trụ cột ra đi nhằm tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ thể hiện. Tuy nhiên, dù nói thế nào, cách làm này không bình thường bởi chẳng đội bóng nào đem các trụ cột cho mượn giữa lúc mùa giải đang ở giai đoạn nước rút. Càng bất thường nếu nhìn vào vị trí của Hải Phòng. Đội bóng đất Cảng đang xếp thứ 12/14 và vật lộn với cuộc đua trụ hạng. Với sự tăng cường nhân sự từ “người hàng xóm”, Hải Phòng chắc chắn sẽ tự tin hơn ở chặng đường phía trước.
Hẳn mọi người đều nhớ, hồi đầu mùa, Hải Phòng dù không dư giả về lực lượng vẫn “hào phóng” để bộ đôi tiền đạo Fagan - Lynch tới thi đấu cho Than Quảng Ninh. Đến nay, Hải Phòng gặp khó, đội bóng áo xanh chi viện lại khiến nhiều người ví von như một sự đáp lễ. Trong mối quan hệ xã hội nói chung hay bóng đá nói riêng, có đi có lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu quan hệ đó đặt giữa bối cảnh đặc biệt, có tác động tới nhiều tập thể khác thì không nên cổ súy.
Đến đây, hẳn người hâm mộ còn chưa quên việc Hà Nội FC tăng viện cho Quảng Nam tiền đạo Hoàng Vũ Samson để đua trụ hạng mùa trước. Chân sút gốc Nigeria đóng góp 7 bàn thắng ở giai đoạn lượt về, góp công lớn giúp Quảng Nam ở lại giải đấu số 1 Việt Nam.
Mùa này, Hà Nội FC thậm chí “điều” Kebe tới Quảng Nam từ ngay đầu mùa giúp nhà cựu vô địch V-League gia tăng sức mạnh tấn công. Ngặt nỗi, toan tính này chưa phát huy tác dụng và Quảng Nam vẫn đứng bét bảng, với chỉ 8 điểm sau 11 vòng đấu.
Trước đây, V-League tồn tại việc xin - cho điểm hoặc ba đi - ba về. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng này giờ ít phổ biến nhưng liên minh ngầm giữa các đội vẫn tồn tại, họ giúp nhau bằng cách này hay cách khác. Than Quảng Ninh - Hải Phòng, Hà Nội FC - Quảng Nam chỉ là phần nổi, ai cũng nhìn thấy. Ẩn sâu bên trong còn những liên minh nào thì chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Xét tổng thể, những liên minh kiểu như vậy sẽ khiến V-League trở nên thiếu công bằng và thiệt thòi cho các đội “thân cô thế cô”. Giám đốc kỹ thuật DNH Nam Định Nguyễn Văn Sỹ từng than phiền rằng đội bóng dưới quyền ông chẳng thể nhờ cậy ai, chỉ nỗ lực tự thân. HLV Sanna Khánh Hòa Võ Đình Tân cũng từng cảm thán tương tự trước khi xuống chơi ở giải hạng Nhất mùa giải năm nay.
Tất nhiên, các CLB giúp đỡ nhau đều làm đúng quy chế nên chẳng ai cấm cản được. Nhưng thứ bóng đá nghĩa tình đó chắc chắn không thể tạo ra tình yêu nơi người hâm mộ. Thậm chí, đội bóng còn có nguy cơ phải trả giá bằng sự quay lưng trên khán đài. Than Quảng Ninh hẳn đang thấm thía điều này khi nhiều CĐV đất Mỏ đã kêu gọi tẩy chay đội nhà bởi họ cảm thấy mình bị coi thường.
V.League đang bước vào giai đoạn căng thẳng ở giai đoạn 1, kèm theo cả những cuộc chuyển nhượng bất ngờ xen lẫn bất...
Nguồn: [Link nguồn]