Những câu chuyện ít biết về bóng đá dịp Giáng sinh
Dịp Giáng sinh, bóng đá tạm ngưng ở hầu hết các nơi trên thế giới để các cầu thủ có thể quây quần bên gia đình, thưởng thức gà tây và bánh quy gừng. Nhưng tại Anh, các trận đấu vẫn diễn ra. Tại sao vậy?
Chúng ta biết rằng nước Anh là quê hương của bóng đá, và bóng đá là một phần của đời sống văn hóa. Giáng sinh là dịp nghỉ lễ dài trong năm và người ta không thể ngồi nhà suốt thời gian đó trong thời đại chưa có TV, vì vậy bóng đá vẫn tiếp tục từ Giáng sinh đến Lễ Tặng quà. Mọi người sẽ vui vẻ mặc quần áo ấm, quấn quanh cổ chiếc khăn mới nhận được từ “Ông già Noel” và tới sân để thưởng thức các trận đấu.
Một trong những trận đáng nhớ nhất dịp Giáng sinh là chiến thắng 18-0 của Norwich trước Brighton năm 1940. Trước ngày diễn ra trận đấu, ông chủ Charlie Webb của Brighton hành quân tới Norwich với chỉ 4 cầu thủ. Theo kế hoạch, những người còn lại sẽ tới vào hôm Giáng sinh. Thế nhưng vì bối cảnh di chuyển khó khăn trong thời chiến, họ đã không đến.
Người hâm mộ trên khán đài Premier League dịp Giáng sinh. (Ảnh: Getty Images)
Vì các khán giả vẫn tới, Webb quyết định trận đấu vẫn sẽ diễn ra. Ông gọi được vài cầu thủ ở đội trẻ và những vị trí còn khuyết sẽ do… người hâm mộ Brighton đảm nhận. Webb tới trước khán đài và kêu gọi những ai có thể bắt gôn, đá hậu vệ phải, tiền vệ trái hay tiền đạo. Cuối cùng ông cũng có đủ cầu thủ mình cần. Tiếc là không có câu chuyện cổ tích nào xảy ra. Đội quân ô hợp của Webb nhận liền 18 bàn thua. Song không ai buồn cả. Còn những người hâm mộ được xỏ giày ra sân, đây thực sự là món quà không thể nào quên.
Cũng vì khán giả, năm 1988, Everton đã chơi 2 trận vào Giáng sinh. Và 2 ngày sau, chơi tiếp một trận khác vào Lễ Tặng quà. Rạng sáng Giáng sinh, họ đá với Blackburn Park Road ở Cúp Lancashire (thắng 3-2). Nghỉ vài tiếng, họ chơi trận đấu thường niên với Ulster FC vào buổi chiều và thắng 3-0 với bàn quyết định của thủ môn Charles Jolliffe. Đến Boxing Day, bất chấp cơn mưa đá, Everton vẫn ra sân và hòa Bootle.
Để tăng phần lễ hội cho dịp Giáng sinh, những người xếp lịch thi đấu thường chọn Giáng sinh để diễn ra những trận derby. Cũng vì chuyện đi lại khó khăn bởi dịch vụ giao thông công cộng ngừng hoạt động, các trận lượt đi và về của một cặp đấu được xếp liền vào Giáng sinh và Lễ Tặng quà. Ví dụ năm 1908, Man City đánh bại Chelsea 2-1 vào Giáng sinh. Đến Lễ Tặng quà, đến lượt Chelsea thắng với cùng tỷ số.
Thủ môn Sam Bartram của Charlton bị bỏ rơi trong màn sương mù dày đặc. (Ảnh: Getty Images)
Một vấn đề của Giáng sinh là thời tiết khắc nghiệt. Năm 1937, Chelsea đụng độ Charlton tại Stamford Bridge. Khi tỷ số đang là 1-1 và Charlton tấn công áp đảo, sương mù bắt đầu dày lên. Từ khu vực của mình, thủ môn Sam Bartram của Charlton thấy ngày càng ít đồng đội. Anh cứ nghĩ các đồng đội đang bắn phá bên phần sân đối phương. Mãi đến khi một nhân viên an ninh xuất hiện, Bartram tội nghiệp mới biết trận đấu tạm dừng từ 20 phút trước. Các cầu thủ và người hâm mộ đã ra về cả, bỏ lại một mình Bartram.
Để bù đắp cho sự hy sinh của các cầu thủ, Ban lãnh đạo và người hâm mộ thường tặng cho rất nhiều rượu. Vào năm 1931, đội Clapton (bây giờ là Leyton) Orient đã nhận được một thùng rượu, dẫn đến cuộc nhậu nhớ đời trước trận đấu với Bournemouth. Tiền đạo Ted Crawford thậm chí không thể nhìn thẳng, cuối cùng gục ngay trên sân khiến đội thua 1-2. May là tới trận lượt về vào Lễ Tặng quà, họ đã tỉnh táo hơn và thắng lại 1-0.
Bức tượng mô phỏng thỏa thuận đình chiến dịp Giáng sinh ở mặt trận phía Tây năm 1914. (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, nếu nói về trận đấu nổi tiếng nhất vào dịp Giáng sinh, nó lại không diễn ra ở nước Anh. Năm 1914, Anh và Đức đối đầu nhau ở mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ nhất. Vào Giáng sinh, thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra và lính tráng hai bên buông súng, tận hưởng phút yên bình hiếm hoi. Rồi một quả bóng ở đâu xuất hiện bên chiến hào và trận đấu đã diễn ra giữa lính Đức và Anh.
Sau này, nhiều người hoài nghi về tính xác thực của trận đấu, cho rằng đó chỉ là sự phóng đại để nói về ảnh hưởng của bóng đá. Tuy nhiên, những lá thư gửi về từ mặt trận phía tây đã xác nhận điều này. Nó là minh chứng sống động cho việc, bóng đá không chỉ đem đến niềm vui mà còn có thể hóa giải hận thù.
Mohamed Salah là 1 trong 11 ngôi sao hay nhất từ đầu Premier League mùa 2021/22.
Nguồn: [Link nguồn]