Những bất hợp lý từ các quyết định của VPF
Nói là cuộc họp để mổ xẻ và khắc phục nhưng cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đều không thấy sự minh bạch trong cuộc họp đấy.
Cuộc họp trên về cơ bản mang tính đối phó với những điều dư luận đang ầm ĩ nhiều hơn là họp để tìm ra nguyên nhân và khắc phục một cách triệt để.
Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức: Họp để làm gì?...
Trước cuộc họp trên, Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã phát biểu rất mạnh mẽ rằng điều cần kíp là hành động tức thời để ngăn hậu họa chứ không cần họp để tìm cách đối phó. Ông Đức mạnh miệng nói rằng chỉ cần sa thải ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi là công tác trọng tài sẽ khác ngay.
Hội đồng quản trị VPF họp chiều 1-3 và đi đến hàng loạt quyết định trong đó có cả chuyện “không cho ông trưởng giải từ chức”. Ảnh: HUY PHẠM
Thực chất thì ông Đức cũng chưa chỉ đúng và chỉ hết phần rắc rối của Ban Trọng tài. Ban này từ lâu trao cho Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ đạo mà ông Tuấn thì lại có quá nhiều mối quan hệ với lãnh đạo và với những doanh nghiệp quản lý các đội bóng. Thế nên chuyện trọng tài “sai số” hay Ban Trọng tài báo cáo không trung thực trong vụ án Samson và vụ bẻ còi đều trên sân Hàng Đẫy là điều không khó hiểu. Thậm chí vụ SL Nghệ An bị “chết oan” vì trọng tài cũng thế.
Căn nguyên của sự cố không phải ở chỗ phân công trọng tài mà là chỗ cả Ban Trọng tài lẫn trọng tài chịu sự chi phối của “cấp trên”.
Những bất hợp lý từ các quyết định của VPF - ảnh 1Hội đồng quản trị VPF họp chiều 1-3 và đi đến hàng loạt quyết định trong đó có cả chuyện “không cho ông trưởng giải từ chức”. Ảnh: HUY PHẠM
Trưởng BTC giải từ chức, VPF không cho (!?)
Đây được xem là “động tác giả” của VPF để đối phó dư luận nhiều hơn là sự minh bạch trong một diễn tiến mở. Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc nếu thực sự cảm thấy có lỗi hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác điều hành và thực sự muốn từ chức thì không cần phải đợi đến cuộc họp kín rồi sau đó cả HĐQT VPF “vớt” ông Ngọc về chỗ cũ.
Cũng cần biết ông Ngọc là người của VFF “đặt vào” VPF và vị trí trưởng giải mà ông Ngọc ngồi vào cũng là một cách hợp thức hóa người của VFF nắm dần và lấn dần vai trò của VPF như hồi bầu Kiên lập nên.
Tại sao trong cuộc họp này không ai truy cứu vai trò của thành viên phụ trách bóng đá chuyên nghiệp VFF lẫn phụ trách cả trọng tài cùng 15 chức danh khác.
Nếu phân công trọng tài kiểu mới thì nên dẹp Ban Trọng tài đi
Những thay đổi trong việc phân công trọng tài kể từ vòng 8, không còn do Ban Trọng tài chỉ định và trình lên VFF mà do người của VPF gồm Phó Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn, một người trong Ban Trọng tài (trưởng hoặc phó ban) và Trưởng ban Tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc cùng Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng.
Đây là việc làm đi trái với quy định vì VPF chỉ đơn thuần là một công ty tổ chức giải chuyên nghiệp chứ không có quyền thay VFF hoặc đứng trên Ban Trọng tài trực thuộc VFF rồi đưa người vào và lấy số đông để quyết định việc phân công trọng tài. Việc làm trên có thể sẽ bị FIFA tuýt còi. Điều mà hơn ai hết phó chủ tịch thường trực VFF kiêm việc phụ trách giải chuyên nghiệp lẫn phụ trách công tác trọng tài phải hiểu hơn ai hết.
Hơn nữa nếu phân công theo kiểu mới như thế thì nên dẹp Ban Trọng tài đi vì rõ ràng là ban này không còn tác dụng gì nữa.
Vấn đề chính của những sự cố vừa qua là phần thượng tầng chứ không phải những tiểu tiết ở các trọng tài theo dạng cá thể.
Bóng đá Việt Nam khó có thể thay đổi từ những thay đổi không đi vào nguồn gốc của vấn đề.