Nhìn Thái Lan, ngẫm về bóng đá Việt Nam
Chứng kiến phong độ đỉnh cao của ĐT Thái Lan tại AFF Cup 2020, trong khi trước đó họ từng cũng chật vật khi "vươn ra biển lớn" mới thấy rõ khoảng cách trình độ giữa Đông Nam Á và châu lục lớn đến thế nào.
Tối 29/12, Thái Lan đã chạm một tay vào chiếc Cup vô địch AFF Cup 2020 khi "hủy diệt" ĐT Indonesia với tỉ số 4-0. Cần nhớ rằng đội bóng của HLV Shin Tae - yong đã từng thành công giữ sạch mảnh lưới trong suốt 90 phút đọ sức cùng thày trò HLV Park Hang-seo. Ấy vậy mà cũng là tập thể ấy, nhưng con người ấy lại như chỉ mành treo chuông trước sức tấn công mãnh liệt của đoàn voi chiến.
ĐT Indonesia có muốn lặp lại kịch bản như trận đấu trước ĐT Việt Nam tại trận chung kết lượt đi không? Chắc chắn là có song, ĐT Thái Lan đã làm sụp đổ ý đồ đó với 2 bàn thắng của Chanathip. Cả pha lập công đó đều thể hiện khả năng dứt điểm xuất sắc của số 18 cũng như trình độ chiến thuật của đội bóng xứ chùa vàng so với đối thủ.
Vượt trội tại Đông Nam Á nhưng Thái Lan (áo xanh) cũng từng thua đậm khi tham dự vòng loại cuối World Cup. Điều đó minh chứng về khoảng cách trình độ giữa bóng đá Đông Nam Á và châu lục. Ảnh: AFF
HLV Polking đã nghiên cứu rất kỹ các trận đấu của ĐT Indonesia tại giải này trong đó chắc chắn không thể bỏ qua cuộc đọ sức giữa ĐT Việt Nam và các học trò của HLV Shin Tae-yong. Có thể các cầu thủ Indonesia cũng đã "kiệt sức" sau trận bán kết lượt về nghẹt thở trước ĐT Singapore nhưng có một điều không thể phủ nhận ĐT Thái Lan sở hữu trình độ vượt trội so phần còn lại của khu vực.
Một đội tuyển Thái Lan mạnh như vậy, vượt trội như thế, có chiều sâu đội hình vô cùng tốt nếu so với các đối thủ trong khu vực nhưng khi bước chân ra đấu trường châu lục thì thế nào. Đoàn voi chiến cũng đã từng nhận những trận thua "bầm dập" khi tham dự vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup.
Trước ông Polking, liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) trong nỗ lực "vươn ra biển lớn" cũng từng chiêu mộ những HLV với bản lý lịch đầy hoành tráng (trong đó rất nhiều chiến lược gia từng dự vòng chung kết World Cup) nhưng kết quả vẫn rất hạn chế.
Rõ ràng khoảng cách trình độ giữa bóng đá khu vực Đông Nam Á và phần còn lại của châu lục là một hố sâu không thể san lấp trong ngày một ngày hai. Nhìn vào Thái Lan để thấy 6 thất bại liên tiếp của thày trò HLV Park Hang-seo tại vòng loại cuối World Cup 2022 không phải là điều gì đó quá "khủng khiếp". Nếu coi đó như một chuyến tập huấn "chất lượng cao" thì ĐT Việt Nam đã thu hoạch đâu phải ít. Có những trận đấu, tưởng như một điểm đã ở rất gần với ĐT Việt Nam nhưng sau đó lại để đối thủ "giật lại". Đó không chỉ là do sự thiếu may mắn mà còn nằm ở khoảng cách về trình độ.
Tại Đông Nam Á, "rồng vàng" và "voi chiến" là số 1, số 2 song khi bước ra sân chơi châu lục thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trước những "ông kẹ" như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi thì bóng đá Đông Nam Á đơn giản vẫn là một "vùng trũng". Muốn vượt lên vùng trũng ấy, thì phải cần cả một quá trình mà một thế hệ vàng như bóng đá Việt Nam đang sở hữu hiện tại là chưa đủ.
Cái chúng ta cần hơn nữa là công tác đào tạo trẻ, là một giải đấu quốc nội tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ qua đó mới có thể "đãi cát tìm vàng". HLV Park Hang-seo đã không ít lần "than thở" về việc khó khăn trong việc tìm kiếm các chân sút nội đủ tốt để sánh vai với các đàn anh như Công Phượng, Tiến Linh, Đức Chinh... Vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã chỉ ra việc nhiều CLB tại V.league sử dụng quá nhiều các chân sút ngoại hoặc những ngôi sao vốn đã khẳng định tên tuổi nên khiến cơ hội ra sân của những nhân tố trẻ bị hạn chế. Không chỉ ở hàng tiền đạo mà nhiều vị trí khác cũng tồn tại vấn đề tương tự. Và chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết triệt để thì hy vọng bóng đá xứ Việt được nâng tầm châu lục hãy còn xa vời.
Ba năm sau ngày đăng quang AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam sớm dừng bước ở bán kết từ hai lượt trận gặp đối thủ...
Nguồn: [Link nguồn]