Nhìn lại V-League 2015: Hiệu ứng HAGL và nghi án chia điểm - trụ hạng
Hiệu ứng HAGL, nghi án chia điểm để trụ hạng, trọng tài “bẻ còi”… là những vấn đề vẫn còn được người hâm mộ nhắc đến sau khi V-League 2015 chính thức khép lại cuối tuần qua.
V-League 2015 vừa khép lại vào cuối tuần qua với chức vô địch thuộc về B.Bình Dương và suất rớt hạng dành cho Đồng Nai. Bên cạnh những thành công như không có hiện tượng mua bán độ hay đánh nhau trên sân như mùa trước, giải đấu năm nay vẫn còn nhiều “hạt sạn” mà có lẽ đó là vấn đề muôn thuở của bóng đá nước nhà chưa thể giải quyết triệt để.
Hiệu ứng HAGL
Cũng như bao mùa trước, những câu chuyện về trọng tài, bạo lực sân cỏ, nghi án chia điểm để giúp nhau trụ hạng… vẫn là đề tài được bàn tán sôi nổi trong và sau giải đấu.
Trận SLNA tiếp HAGL cháy vé vì Công Phượng
Tuy nhiên, V-League năm nay có thêm một điều mới lạ mang tên “hiệu ứng HAGL”. Dù chật vật trụ hạng nhưng có thể khẳng định lứa cầu thủ trẻ của Học viện HAGL Arsenal- JMG đã làm tươi mới V-League, sân chơi vốn bị người hâm mộ quay lưng trong suốt gian qua. Chính sự góp mặt của lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… đã tạo ra hiện tượng vô tiền khoáng hậu của bóng đá Việt Nam.
Ở lượt đi, mỗi khi HAGL đến đâu, thì ắt rằng đa phần nơi đó sẽ diễn ra cảnh “vỡ sân - cháy vé”. Sự ồn ào của đội bóng phố núi chỉ lắng dịu khi họ thua và hòa chục trận liền, rơi xuống chót bảng và buộc phải thay tướng. Chính nghịch lý một đội bóng thua nhiều hơn thắng nhưng vẫn giành được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ nên dẫn đến việc đội bóng của bầu Đức bị đánh hội đồng. Bởi đơn giản các đối thủ khi chạm trán với HAGL đều có cùng tâm lý “có gì sướng hơn khi đánh bại “đội bóng ngôi sao”!
Trước áp lực thành tích buộc HAGL phải thay HLV Graechen
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam: Đội thua trận nhiều nhất lại được người hâm mộ ủng hộ nhất
“Ngán” trọng tài nội và nghi án chia điểm
Sau “hiện tượng HAGL”, công tác trọng tài và nghi án “chia điểm để trụ hạng” cũng nóng không kém. Ở những vòng đấu cuối, các trận đấu có tỉ số cao khác thường như Đồng Nai hòa 4-4 ĐTLA, HAGL thắng ngược Hà Nội T&T 3-2 hay XSKT Cần Thơ thắng đậm SLNA 3-0… cũng gây ra sự nghi ngờ trong dư luận. Chính việc “hồi sinh” bất ngờ của HAGL và Cần Thơ đã khiến cho Đồng Nai khi đó vô cùng bất bình. HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai không ít lần đăng đàn chỉ trích sự thiếu công bằng của giải đấu.
Ở công tác trọng tài, dù cố gắng nhưng BTC vẫn chưa thể hạn chế những sai sót từ những ông vua áo đen. Đơn cử như vụ trọng tài Phùng Đình Dũng quên đuổi Đinh Hoàng Max (Than Quảng Ninh) dù đã phạt cầu thủ này 2 thẻ vàng trong trận gặp Hải Phòng hay vụ trọng tài Nguyễn Ngọc Châu “bẻ còi” ở trận Cần Thơ – ĐTLA tại vòng 9. Chính sự yếu kém của trọng tài buộc BTC phải mời những “ông vua áo đen” từ Nhật Bản và Malaysia cho những trận cầu nhạy cảm cuối mùa giải.
Trọng tài Ngọc Châu bị các cầu thủ Cần Thơ khiếu nại vì "bẻ còi"
Và bạo lực vẫn rình rập
Nếu không có pha vào bóng ác ý của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa ở vòng áp chót giữa SLNA và SHB Đà Nẵng, có lẽ V-League 2015 đã khép lại trọn vẹn. Theo thống kê, mùa này trung bình mỗi trận đấu có khoảng 4 thẻ vàng và chưa đầy 1 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra. Một con số đủ để chứng minh đây là giải đấu hấp dẫn và cũng rất fair-play. Tuy nhiên, chính “tai nạn” trên mà V-League mùa này và trong những năm qua vẫn chưa thoát được tiếng xấu là giải đấu bạo lực nhất khu vực.
Hình ảnh Anh Khoa với đôi nạng sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải đã kết thúc một mùa giải ồn ào
Thêm mùa giải trôi qua là thêm bài học cho những người làm bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, bỏ qua những “sự cố” ngoài mong đợi, người hâm ít nhiều cũng cảm nhận được sức hấp dẫn của giải đấu năm nay. Nhưng để giải đấu luôn lôi cuốn người xem không chỉ dựa vào “hiệu ứng HAGL” nhất thời mà cần phải có chất lượng thực sự lâu dài...