Nhìn lại U23 VN tại VCK châu Á: Hiểu mình để mà tiến bộ
Câu chuyện U-23 Việt Nam toàn thua ba trận khiến nhiều người vẫn còn tức… ngay ngáy vì sao cái đội “vô danh” như Jordan, hay U-23 Úc… mà chúng ta không thắng nổi?
Có thật thế không? Jordan từng hai lần góp mặt ở Olympic, chỉ thành tích này thôi đã vượt trội hẳn bóng đá Việt Nam rồi. Những năm gần đây, bóng đá Jordan phát triển mạnh vì đây là vương quốc giàu có về dầu mỏ. Nhất là khi vị hoàng tử Al-Hussein của Jordan lên làm chủ tịch LĐBĐ Jordan kiêm chủ tịch Tây Á và hiện nay cũng là phó chủ tịch FIFA đang chạy đua ghế chủ tịch FIFA.
Vốn sẵn là một quốc gia giàu có và có lãnh đạo chóp bu ở FIFA nên vị hoàng thân 39 tuổi luôn trăn trở và hành động để bóng đá Jordan phát triển và bóng đá Jordan đang trên đà phát triển mạnh.
Jordan (trắng) chẳng phải là đội bóng vô danh khi loại Úc
Riêng đội Olympic Úc thì từ năm 2002 đến nay khi bóng đá Thế vận hội dành cho lứa tuổi Olympic (tức U-23 + cầu thủ trên 23 tuổi) thì Úc là đại diện thường xuyên của Olympic.
Có ai nhớ rằng hiện nay tuyển quốc gia Jordan đang thi đấu vòng loại World Cup 2018 rất thành công và đứng đầu bảng B trong đó có Úc. Tuyển Jordan cũng đánh bại tuyển Úc (đang là vô địch châu Á) 2-0 vào ngày 13-10-2015? Trong bảng B này có những đội như Tajikistan, Kyrgyzstan mà nếu gặp tuyển Việt Nam thì chúng ta chưa bao giờ thắng nhưng Jordan thì họ làm “gỏi” những đội này ở vòng loại World Cup 2018 đang diễn ra.
Ngay cả UAE là một mà Olympic London 2012 họ góp mặt và thi đấu rất ấn tượng. Chưa kể bóng đá UAE từng góp mặt vòng chung kết World Cup. Ở mùa giải AFC Champins League 2015 vừa qua, CLB Al-Ahli cũng vào đến chung kết và chính CLB này đã cung cấp cho U-23 UAE đến năm tuyển thủ.
U-23 Việt Nam không thắng được Jordan, thua U-23 Úc thì cay cú, sự cay cú thiếu hiểu biết.
Khi hai đội có sự chênh lệch đẳng cấp nhau rất xa thì đội mạnh thường làm cho đội yếu bộc lộ những sai lầm ngờ nghệch ra đó và mắc những lỗi… vỡ lòng, đó là chuyện thường tình trong bóng đá. Nhìn vào thành tích cũng như các cấp độ đội tuyển thì bóng đá Việt Nam chỉ là chú mèo so với Jordan, Úc và UAE là những con hổ mà thôi.
Sau khi từ Qatar về HLV Miura có thể thay đổi suy nghĩ và có xây dựng lại cách chơi. Nhưng nếu trung thành lối chơi kỹ thuật không thôi thì e rằng khó vì lý do đơn giản là nó chưa đủ tầm châu lục. Vì ít ra ở vòng chung kết U-19 châu Á, thầy “Giôm” đã trung thành lối chơi nhỏ, kỹ thuật nhưng khi gặp các đối thủ Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc thì quá bế tắc và nhàm chán dẫn đến thua thảm đó sao.
Nếu chúng ta giàu kỹ thuật thì giàu ở “đẳng cấp” nào là quan trọng. Nhưng cái sự giàu có nó phải đảm bảo mạnh, khỏe, bền và đủ sức chơi nhịp độ cao trong 120 phút. Đồng thời chịu lực tốt trước va chạm cực mạnh của các đối thủ tầm châu lục.
Úc (áo vàng) cũng bị UAE đánh bại
Nếu U-23 Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng giải này và có thể HLV Miura từ chức hoặc bị buộc từ chức là điều chắc chắn. Nhưng đừng mong sức mạnh, độ bền và kỹ thuật của bóng đá Việt Nam hiện nay đủ đương đầu tầm châu lục nếu có một HLV khác về xây dựng lối chơi kỹ thuật. Các đội tuyển chúng ta từ U đến tuyển quốc gia còn dưới tầm châu lục xa lắm.
HLV Miura không thể một sớm một chiều nâng cấp toàn bộ sức mạnh, độ bền, tính chuyên nghiệp, kỹ thuật của cả nền bóng đá Việt Nam vốn “lủng” từ khâu đào tạo ở CLB.
Thế hệ học viện đầu của HA Gia Lai có thể mở ra một hướng đi thiên về lối chơi kỹ thuật nhưng còn thiếu nhiều lắm… Nó đã lộ ra qua những trận gặp các đội U của Nhật và nhất là vòng chung kết U-19 châu Á năm 2014 tại Myanmar.
Ngay cả việc trước đây khi các đội U-19, U-16 Việt Nam của HLV Trần Văn Phúc, Triệu Quang Hà vượt qua vòng loại khi hòa Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên nó tạo ra một suy nghĩ lạc quan khi đá vòng chung kết. Nhưng khi vào vòng chung kết thì các đội U của ta thua thảm, trong khi những đội như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên thì thi đấu rất xuất sắc, vào chung kết, thậm chí vô địch.
Thời điểm hiện nay khi U-23 dự vòng chung kết châu Á chúng ta chỉ là chú mèo mà thôi, đừng đòi xơi mãnh hổ.