NHÌN LẠI BÓNG ĐÁ VIỆT NAM NĂM 2013: Hy vọng đã là đáy
Cuối năm 2012, những người thích thống kê đã chỉ ra rằng bóng đá Việt Nam đã chạm đáy khi thất bại toàn diện ở cả cấp độ đội tuyển lẫn các CLB. Tuy nhiên, 1 năm qua đi, nhận định trên đã phải xem xét lại, bởi năm 2013 bóng đá Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2012… Hy vọng đây đã là ngưỡng cuối cùng.
Có phải tại… xã hội?
Trong bản tổng kết năm 2012, cả VFF lẫn VPF đều chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng được coi là lớn nhất kể từ khi bắt đầu lên chuyên là do “hoàn cảnh xã hội” như việc bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm đầu tư. Điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi thực tế trong năm 2012, theo thông báo của Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thì đã có tới 58.000 danh nghiệp bị phá sản. Một con số kỷ lục.
Bóng đá Việt Nam chưa thể tự đứng vững trên đôi chân của mình và phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp tài trợ, thế nên không khó hiểu khi cả nền bóng đá phải rơi vào khủng hoảng dây chuyền.
Tuy nhiên, nếu lấy đó là nguyên nhân cho sự yếu kém của nền bóng đá thì lẽ ra năm 2013 phải là năm bóng đá Việt Nam “phục sinh”. Chi phí hoạt động trong mùa bóng của các CLB đã giảm đáng kể, giá trị của các cầu thủ gần trở về với giá trị thực. Các CLB buộc phải tự tìm đường sống cho mình trong hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, năm 2013 cũng là năm mà các doanh nghiệp đã phục hồi trở lại. Năm 2013 rất nhiều doanh nghiệp lớn bỏ ra hàng tỷ đồng để tổ chức các giải phong trào thay vì tài trợ cho bóng đá đỉnh cao. Thế nên, tình cảnh khó khăn của CLB trong nước là do chính họ chứ không thể đỗ lỗi cho xã hội.
U.23 Việt Nam thất bại ở SEA Games 27 Ảnh: DƯ HẢI
CLB K.Kiên Giang bị “chết” không phải do không có doanh nghiệp nào cứu mà nguyên nhân bởi cách làm của lãnh đạo đội bóng đã không được đủ uy tín và niềm tin cho các doanh nghiệp dốc tiền vào. Ngay cả SGXT cũng có ít nhất 3 doanh nghiệp muốn góp vốn tài trợ, nhưng bầu Thụy đã “phớt lờ” vì muốn một mình “ôm” đội bóng. Các CLB bị giải thể cũng do chính cách làm bóng đá của họ mà ra.
Con tàu… không người lái
Năm 2013 là năm mà bóng đá Việt Nam giống như con tàu không có người lái. Những người đứng đầu VFF đã buông bỏ trách nhiệm quản lý bóng đá của mình khi đây đã là nhiệm kỳ cuối cùng của họ. Các kế hoạch của bóng đá Việt Nam trong năm vì thế theo kiểu “cầm chừng” được chăng, hay chớ. Trong khi đó, VPF đơn vị tổ chức giải V.League và hạng Nhất lại mất đi người “sáng lập viên”, tiếng nói của họ cũng bị giảm đáng kể khi những ông bầu còn lại chẳng ai thiết tha. Hai đơn vị quản lý nền bóng đá đều dửng dưng để các CLB, các đội tuyển tự bơi… thì lẽ đương nhiên, con tàu bóng đá Việt Nam không thể nào đi được đến đích cuối cùng một cách an toàn.
Ở cấp độ đội tuyển thì ĐTQG thất bại ê chề vì chẳng ai quan tâm, trong khi ĐT U.23 lại sai cơ bản từ cách chọn HLV đến quá trình chuẩn bị cho SEA Games. Thất bại là điều không tránh khỏi. Trong khi ở cấp độ CLB, VPF không tạo được dấu ấn trong việc giúp các CLB vượt qua khó khăn, thậm chí bản thân nội bộ VPF cũng xảy ra vấn đề. Hậu quả là một loạt CLB buộc phải giải thể trong khi V.League cũng không thể cán đích an toàn.
Nếu coi CLB và ĐTQG là bộ mặt của nền bóng đá thì rõ ràng năm 2013 là năm thất bại nhất của bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập. Và hy vọng, đây đã là ngưỡng cuối cùng.
Ông Hỷ ghi dấu ấn Trong suốt 8 năm làm chủ tịch VFF ở 2 nhiệm kỳ V và VI, thì phải đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ VI người ta mới nhận thấy ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF, sốt sắng và đưa ra những quyết định táo bạo đến thế. Ông kỷ luật 2 người đứng đầu ban trọng tài một cách dứt khoát chỉ sau 1 đêm nhận được thông tin về nghi án trọng tài nhận hối lộ. Cũng như thế, ông đưa ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ của HLV trưởng ĐT U.23 và trưởng đoàn ngay trong đêm sau trận đấu của U.23 Việt Nam tại BTV Cup. Ông cũng đưa ra quyết định trừ điểm với CLB SGXT chỉ cần dựa trên nghi vấn của dư luận. Ngoài ra, lần đầu tiên trưởng BTC giải V.League cũng bị nhận kỷ luật ở mức độ khiển trách từ phía VFF. Ông Hỷ cũng tạo được dấu ấn trong việc cứu vãn tình thế của các giải đấu như vận động được ĐT bóng đá nữ Thái Nguyên không bỏ giải và duy trì hoạt động. Trước trận Kiên Giang gặp Thanh Hóa, CLB này nhiều khả năng sẽ “bỏ giải” ông Hỷ cũng chạy đôn, chạy đáo để giúp CLB này thi đấu đến hết V.League. Trong năm cuối nhiệm kỳ, ông Hỷ cũng cởi mở và thân thiện hơn hẳn. Lần đầu tiên, vị chủ tịch này mở hẳn một diễn đàn để trò chuyện với các phóng viên về các vấn đề của bóng đá Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất cuối cùng của ông Hỷ đó là hành động từ chức chủ tịch VFF thay vì chờ đến đại hội thường niên. Và đương nhiên, ông cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì về thất bại của bóng đá Việt Nam năm 2013 khi đại hội thường niên diễn ra. |