Nhìn lại AFF Cup 2016: Thái Lan ở một đẳng cấp khác
Lại một vấn đề không mới đặt ra, đấy là việc Thái Lan “chìm sâu” ở vòng loại World Cup 2018 nhưng ở đẳng cấp rất xa Đông Nam Á.
Đội tuyển Thái Lan khi về “ao làng” AFF Cup như một “ông kẹ” so với các đối thủ như Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Singapore.
Thầy trò Kiatisak hạnh phúc với chiếc cúp AFF lần thứ năm. Ảnh: BANGKOK POST
Có một điểm trùng hợp là lần nào tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup cũng đều gắn liền với thời điểm họ thành công ở Asiad, vòng loại World Cup và châu Á. Lần này họ đăng quang AFF Cup sau khi đá năm trận vòng loại World Cup (giai đoạn 3) với các đội hàng đầu châu lục. Cho nên khi trở về Đông Nam Á, tuyển Thái Lan là những chiến binh già dặn và vượt trội trong cách ứng xử ở mỗi trận đấu.
Gần nhất với ngôi vô địch AFF Cup 2014, lứa cầu thủ trẻ của Thái Lan vừa thành công khi vào bán kết Asiad. Thế hệ này là thành phần của đội tuyển quốc gia bảo vệ thành công ngôi vô địch AFF Cup 2016. Đặc điểm nổi bật của Thái Lan là luôn “máu” với các sân chơi châu lục và World Cup cùng sự chuẩn bị chu đáo, dài hơi để nâng cấp đội tuyển.
Sự ổn định của đội tuyển Thái Lan chính nhờ ở cấp CLB, các ông lớn như Muangthong, Buriram, Chonburi thường xuyên có mặt ở AFC Champions League đã cung cấp nhiều tinh binh cho tuyển.
Hành trình của Thái Lan từ vòng bảng AFF Cup 2016 đến ngôi vô địch giống như cuộc đi dạo. Sau năm trận vòng loại World Cup gặp các đối thủ lớn Nhật, Saudi Arabia, UAE, Iraq, Úc rồi khi vào AFF Cup, họ như những chiến binh vừa từ chiến trường khốc liệt trở về đánh trận nhỏ, đơn giản vậy.
Giữa lúc các đội tuyển như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Myanmar chuẩn bị dài hơi qua các chuyến tập huấn đình đám, các trận giao hữu nhỏ lẻ thì thầy trò Kiatisak chơi “sỉ” với nhiều đối thủ hàng đầu châu lục.