“Nhiệm kỳ doanh nhân” của VFF
Khi cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch VFF đến hồi… quyết liệt, người ta chợt nhớ đến “nhiệm kỳ doanh nhân” của Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Đấy là nhiệm kỳ đã từng được đặt nhiều kỳ vọng và cũng để lại không ít trăn trở.
Tại Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, ông Lê Hùng Dũng đã trúng cử chức danh Chủ tịch khi vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank. Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu bộ máy lãnh đạo Liên đoàn là một doanh nhân thay vì người Nhà nước như những nhiệm kỳ trước đây.
Trước đó, ông Lê Hùng Dũng cũng là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, Ngân hàng Eximbank cũng là đơn vị tài trợ chính từ năm 2011 đến năm 2014 cho V.League.
Với một nhiệm kỳ VII được “thay máu” với người đứng đầu là một doanh nhân đã khiến tất cả cùng hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều điều mới mẻ. Đặc biệt là trong việc kêu gọi nguồn lực tài chính cho VFF trong các hoạt động và phát triển bóng đá trẻ.
Khi nhậm chức Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã từng đưa ra nhiều mục tiêu lớn. Đầu tiên là việc ông tuyên bố sẽ kiếm 380 tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Thông tin từng khiến báo chí Đông Nam Á sửng sốt. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, “lời hứa” của ông Dũng vẫn chưa có cơ sở để kiểm chứng.
Các thành viên trong Thường trực VFF nhiệm kỳ VII
Dấu ấn trong tư tưởng của ông Dũng là đưa bóng đá Việt Nam đi theo con đường của Nhật Bản. Điều đó đã khiến VFF thu được một số gói tài trợ đến từ các đối tác Nhật Bản. Chính LĐBĐ Nhật Bản đã giới thiệu HLV Miura dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam theo lời đề nghị của VFF.
Nhưng chỉ mới làm Chủ tịch được nửa nhiệm kỳ, ông Lê Hùng Dũng đã rút lui vào hậu trường vì lý do sức khoẻ. Chính vì thế chiến lược hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật Bản sau đó dần bị “phá sản” bởi nhiều lý do khác nhau.
Tại buổi đối thoại về “Phát triển bóng đá Việt Nam” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hồi đầu tháng 1, vấn đề “sức khoẻ của Chủ tịch VFF không tốt sao không tìm người thay thế?” nêu ra đã được Tổng cục Thể dục thể thao trả lời rằng: Việc này thuộc thẩm quyền của Đại hội VFF, Ban chấp hành VFF cũng chưa có đề xuất cụ thể.
Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng có nguyện vọng muốn rút lui, không tiếp tục giữ chức vụ nữa, nhưng vì sự tâm huyết với bóng đá, nếu rút cũng không yên tâm vì hoàn cảnh nội bộ VFF tại thời điểm đó.
Không chỉ ông Dũng, nhiệm kỳ VII của VFF cũng có sự góp mặt của các doanh nhân khác trong Thường trực. Đó là bầu Đức trong vai trò Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, bầu Tú trong vai trò Ủy viên phụ trách mảng futsal. Tuy nhiên, sau thất bại của ĐT U22 Việt Nam tại SEA Games 29, bầu Đức xin rút lui.
Nhưng tại Hội nghị ban chấp hành VFF lần thứ 11, đã có 21/22 Ủy viên không đồng ý cho bầu Đức từ chức. Do vậy, ông chủ của HAGL phải đợi đến Đại hội khoá VIII mới có thể rời chính trường.
Nhiệm kỳ VII của VFF khép lại, những doanh nhân ở vị trí lãnh đạo VFF có thể phần nào chưa thành công ở góc độ quản lý, định hướng cũng như vạch chiến lược phát triển lâu dài cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, họ vẫn đóng góp ít nhiều (bầu Tú với mảng futsal hay đóng góp cho các ĐTQG của bầu Đức) cho bóng đá Việt Nam. Bây giờ, khi cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF đang “nóng”, một câu hỏi được đặt ra là: Có nên tiếp tục chọn doanh nhân cho vị trí này?
Thực tế, đã có không ít ý kiến giới thiệu bầu Đức. Tuy nhiên, rất nhiều lần trả lời báo chí, vị doanh nhân này đã một mực từ chối. Lý do mà ông đưa ra là: “Công việc kinh doanh của tôi không cho phép. Tôi chỉ có thể đóng vai trò trợ giúp ở cấp phó chứ không thể giữ vai trò chủ lực được. Những người có đủ điều kiện thời gian, trình độ làm sẽ tốt hơn tôi rất nhiều”.
Một doanh nhân khác là ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng từng từ chối “chiếc ghế” Chủ tịch VFF với lý do tương tự.
Ông nói rằng: “Công việc của tôi quá bận rộn, không cho phép tôi đảm đương vị trí này. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, nếu đã nhận thì phải làm hết mình, hết sức, cống hiến đến mức tối đa. Một khi thấy mình không đủ sức cống hiến tối đa thì không nên nhận. Thời điểm này, tôi không phù hợp cho vị trí Chủ tịch VFF”. Đấy là lý do không khó đoán.
Thế nhưng, giới quan sát lại thấy rằng, cả hai ông bầu đình đám của bóng đá Việt Nam đang sở hữu những đội bóng tầm cỡ của V.League dễ “ngửi” được thời cuộc và biết rằng đấy là vị trí dễ ngồi nhưng không hề dễ làm. Hơn nữa, danh tiếng của những doanh nhân này hoàn toàn có thể sẽ bị ảnh hưởng khi đối diện với hàng loạt các vấn đề nhạy cảm của bóng đá Việt Nam.
Sau thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 Châu Á 2018, bầu Đức, bầu Hiển được nhắc đến với công lao đào tạo ra những cầu thủ trẻ, đóng góp lực lượng chính cho đội tuyển. Một góc độ nào đó, họ đang được tín nhiệm. Thế nhưng, cần nhìn thấy sự khác biệt giữa vai trò chủ doanh nghiệp, chủ đội bóng đến… Chủ tịch VFF để đưa ra những ý kiến khách quan nhất.
Quảng Nam nhận “mưa” tiền thưởng Tại lễ mừng công mùa giải 2017 và xuất quân dự các giải đấu năm 2018 diễn ra hôm 3-3, CLB Quảng Nam đã làm lễ nhận gần 13 tỷ đồng tiền thưởng từ ban tổ chức, địa phương cũng như các nhà tài trợ. Với chức vô địch V.League, họ nhận 3 tỷ đồng từ ban tổ chức, 800 triệu đồng từ UBND tỉnh Quảng Nam và 4,5 tỷ đồng từ nhà tài trợ. Sau trận thắng SLNA ở Siêu Cúp Quốc gia mới đây, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc nhận thêm 3,8 tỷ đồng từ các nơi. Tổng cộng với những thành tích nổi bật đã đạt được, CLB Quảng Nam nhận thưởng gần 13 tỷ đồng. Được biết, có một số doanh nghiệp lớn đang muốn đầu tư vào CLB Quảng Nam với số tiền lên đến 32 tỷ đồng. Nếu mọi việc tiến triển thành công, Quảng Nam sẽ có được nguồn lực mạnh mẽ để đầu tư và phát triển đội bóng. Ở buổi lễ xuất quân mùa giải 2018, Quảng Nam cũng cho ra mắt những bản hợp đồng mới gồm Trần Đình Minh Hoàng, Trịnh Văn Hà, Ngô Đức Thắng, Ngô Quang Huy, Nguyễn Trần Mi La và Wander Luiz. H.H. |
Công chúng mong đợi VFF có thể chọn ra được một vị chủ tịch xứng tầm.